Để bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong hệ thống pháp luật, góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), nhiều ý kiến đề xuất, xem xét lại quy định về “dịch vụ tài chính phái sinh”… Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW thì cần cân nhắc khi sửa Luật Thuế Giá Trị Gia Tăng để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất.
Cân nhắc bảo đảm tính minh bạch, thống nhất
Theo đó, Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định, “dịch vụ tài chính phái sinh” là một trong những đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, thế nhưng, xoay quanh vấn đề này, không ít ý kiến cho hay, khái niệm “dịch vụ tài chính phái sinh” và liệt kê chi tiết tên các sản phẩm, hợp đồng như Dự thảo Luật (sửa đổi) đề xuất là chưa bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SB LAW cho rằng, một trong những mục đích sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật thuế Giá trị gia tăng lần này là đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tương thích với các pháp luật liên quan. Tuy nhiên, bản thân những nhóm đối tượng được nêu tại điểm g khoản 9 Điều 5 của Dự thảo như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hoán đổi lãi suất… không được pháp luật liên quan quy định với tên gọi chung là “dịch vụ tài chính phái sinh”.
Theo vị chuyên gia này, thứ nhất - pháp luật ngân hàng quy định “sản phẩm phái sinh lãi suất”, “sản phẩm phái sinh giá cả hàng hoá” thuộc nhóm “sản phẩm phái sinh”, là các công cụ tài chính được định giá theo biến động dự kiến về giá trị của một tài sản tài chính gốc (lãi suất, ngoại hối, tiền tệ hoặc tài sản tài chính khác).
Thứ hai, pháp luật chứng khoán quy định các hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn thuộc nhóm “chứng khoán phái sinh” và là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng…, có giá trị được xác định trên tài sản cơ sở (chứng khoán, chỉ số chứng khoán hoặc tài sản khác).
Thứ ba, pháp luật thương mại quy định các hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn là đối tượng trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa, với bản chất là giao dịch phái sinh nhằm phòng ngừa rủi ro biến động về giá của hàng hóa.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định về “dịch vụ tài chính phái sinh” để bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong hệ thống pháp luật - Ảnh minh họa: ITN
Do vậy, vị chuyên gia này đề xuất, cần thống nhất và quy định chi tiết, chính xác hơn về “dịch vụ tài chính phái sinh” trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) để không phát sinh hiện tượng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản luật, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật của người dân và các cơ quan Nhà nước.
“Việc quy định như Dự thảo hiện nay không bao quát hết các sản phẩm, dịch vụ trong các luật chuyên ngành, chưa đảm bảo tính phổ quát của văn bản với hình thức là luật”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, các sản phẩm, hợp đồng, giao dịch nêu trên hiện đã và đang diễn ra phổ biến trên thị trường, tuân thủ các quy định của luật và các văn bản dưới luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành.
Ngoài Luật sư Nguyễn Thanh Hà, xoay quanh vấn đề này, không ít ý kiến cũng cho hay, việc điều chỉnh điểm g khoản 9 Điều 5 Dự thảo Luật (sửa đổi) là cần thiết để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam; đảm bảo việc luật hóa đạt hiệu quả tối đa và bao quát những sản phẩm, hợp đồng, giao dịch phái sinh đang diễn ra trong thực tiễn thị trường, đã được quy định trong các pháp luật chuyên ngành liên quan;
Đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật là thu hẹp đối tượng chịu thuế nhưng khắc phục khó khăn, vướng mắc của luật hiện hành, hoàn thiện các quy định; đảm bảo tính bao quát trong trung hạn của các chính sách thuế giá trị gia tăng.
Đặc biệt, khi các quy định về đối tượng điều chỉnh trong hệ thống pháp luật được thống nhất sẽ tạo nên sự chặt chẽ, logic, khoa học, tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật khác nhau, gây mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ của đối tượng được điều chỉnh cũng như gây hạn chế trong việc thu thuế…
Được biết, ngoài các góp ý của các chuyên gia, tại báo cáo số 2805/BC-UBPL15 về thẩm tra dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) mới đây, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đánh giá, quy định tại điểm g khoản 9 quy định về dịch vụ tài chính phái sinh thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm: “hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn, mua bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật” chưa bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng và có thể gây ra cách hiểu không thống nhất trong áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng.
Bởi, ngoài lĩnh vực ngân hàng, các sản phẩm, giao dịch, công cụ phái sinh còn hiện diện trong lĩnh vực chứng khoán, thương mại.
Theo Ủy ban Pháp luật, thực tế, một số văn bản của Bộ Tài chính cũng đã nêu rõ giao dịch hợp đồng quyền chọn hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa cũng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, nếu quy định như Dự thảo Luật (sửa đổi) hiện tại, có thể hiểu rằng, chỉ có “quyền chọn mua, bán ngoại tệ” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính rà soát để bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong hệ thống pháp luật.