Trong bài "Sửa luật: Kỳ vọng Nhà nước không can thiệp sâu vào quản trị nội bộ doanh nghiệp" đăng trên báo Một thế giới, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law. Dưới đây là nội dung chi tiết:
“Những vấn đề gì thuộc trách nhiệm của Nhà nước thì nhà nước cần làm cho chuẩn chỉ như quy hoạch, kế hoạch. Những gì thuộc về quản trị nội bộ doanh nghiệp thì để doanh nghiệp tự quyết, Nhà nước không cần can thiệp sâu vào vấn đề này”, ông Lê Xuân Hiền - Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư Sở KH-ĐT Hải Dương chia sẻ quan điểm.
Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được ban hành từ năm 2014 đã bộc lộ không ít vấn đề bất cập, trong đó có sự không tương thích, mâu thuẫn giữa một số quy định của 2 luật này với các luật chuyên ngành khác.
Việc này không chỉ gây ra trở ngại và khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn gây ra những sự lúng túng của các thực thể công trong hoạt động áp dụng pháp luật.
Nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết có sự mâu thuẫn về thẩm quyền cấp phép thành lập doanh nghiệp. Đối với một số ngành nghề đặc thù, việc cấp phép thành lập doanh nghiệp sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Ví dụ, đối với các doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán, theo Khoản 2 Điều 59 Luật Chứng khoán thì “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
Tương tự, hoạt động luật sư, công chứng, giám định, giáo dục và đào tạo… cũng đã được xác định rõ là các ngành nghề đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên các ngành nghề này lại không được đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh, mà chỉ được thực hiện việc cấp giấy phép và đăng ký hoạt động riêng theo Luật Luật sư năm 2006, Luật Công chứng năm 2006…
“Hậu quả là nhiều tổ chức hành nghề luật sư như công ty luật và pháp nhân khác hoạt động như một doanh nghiệp, nhưng lại hoàn toàn không có thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”, ông Hà nói.
Trong khi đó vẫn theo ông Hà, hộ kinh doanh hay hợp tác xã, tuy không được xác định là doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 hay Luật Hợp tác xã năm 2012, nhưng vẫn thực hiện việc đăng ký kinh doanh như đối với doanh nghiệp.
“Thực tế trên dẫn đến tình trạng phân tán đầu mối đăng ký thành lập doanh nghiệp. Thực trạng này phần nào gây khó khăn, không thống nhất trong việc quản lý doanh nghiệp ở tầm vĩ mô của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Về phía doanh nghiệp, sự phân tán thẩm quyền này cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp khi có yêu cầu thay đổi hoạt động kinh doanh”, Luật sư Hà phân tích.
Cũng theo ông Hà, đối với từng loại hình doanh nghiệp, khi đăng ký thành lập sẽ được yêu cầu chi tiết thành phần hồ sơ. Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định”.
Tuy nhiên, theo Công văn số 2544 của Bộ Xây dựng về việc thực hiện các quy định về quản lý nhà chung cư, khi đăng ký trụ sở công ty tại một căn hộ nằm trong cao ốc phức hợp để ở và thương mại, Sở KH-ĐT buộc nhà đầu tư phải chứng minh quyền được dùng căn hộ để làm trụ sở công ty.
Theo ông Hà, vấn đề là Sở KH-ĐT có quyền yêu cầu nhà đầu tư nộp hồ sơ chứng minh quyền được đặt trụ sở công ty tại căn hộ đã thuê không?
“Đối với một số ngành nghề kinh doanh, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì cần có giấy phép cho phép thành lập trước của các bộ chuyên ngành. Ví dụ lĩnh vực sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu do Bộ NN-PT-NT cấp; lĩnh vực thuốc chữa bệnh cho người do Bộ Y tế cấp… Vậy Sở KH-ĐT có được quyền yêu cầu nhà đầu tư cung cấp các giấy phép này ngoài thành phần hồ sơ đã ấn định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 không?”, ông Hà nói.
Luật sư này cho rằng nếu yêu cầu nộp thêm, Sở KH-ĐT đã vi phạm quy định của khoản 2 Điều 9 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Song, nếu không yêu cầu thì Sở KH-ĐT lại vi phạm các quy định của luật chuyên ngành khác.
Cần quy định địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Lê Xuân Hiền - Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư Sở KH-ĐT Hải Dương cho rằng, hộ kinh doanh là vấn đề cần bàn thấu đáo, nhất là về địa vị pháp lý. Nếu mạnh dạn thì cần xóa bỏ hộ kinh doanh có đăng ký. Cần khuyến khích họ lên doanh nghiệp bằng cách khiến cho họ cảm thấy việc lên doanh nghiệp không quá khó khăn.
Ông Lê Xuân Hiền nêu: "Tại sao hộ kinh doanh không chuyển thành doanh nghiệp? Tôi lấy ví dụ thế này, tôi đi xe máy còn anh đi ô tô. Xe máy chính là hộ kinh doanh, còn ô tô là doanh nghiệp. Khi mua ô tô thì ngay lập tức phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm… vào”.
Ông cho rằng để đưa hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, quan trọng là luật phải rõ ràng, người hướng dẫn, người thực thi phải minh bạch, công tâm và đối tượng kinh doanh cũng phải có trách nhiệm. Tuy nhiên việc này rất gian nan chứ không phải hô một cái mà từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp được.
“Tôi đi đường cao tốc thì biển báo nhiều, nhưng không vì thế mà ta quay lại đường đất để đi. Những vấn đề về lao động, bảo hiểm, thuế… thì không thể bỏ được, quan trọng là người hướng dẫn, cơ quan thực thi phải công tâm. Lên doanh nghiệp có khó hơn hộ kinh doanh, cũng như bạn đang đi xe máy, giờ bạn lên đi ô tô thì có khó hơn, tuy nhiên không hề khó khăn như vẫn nghĩ”, ông Hiền nói.
Bên cạnh đó, ông Hiền cũng kỳ vọng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn. “Những vấn đề gì thuộc trách nhiệm của Nhà nước thì Nhà nước cần làm cho chuẩn chỉ như quy hoạch, kế hoạch. Những gì thuộc về quản trị nội bộ doanh nghiệp thì để doanh nghiệp tự quyết, Nhà nước không cần can thiệp sâu vào vấn đề này. Nhà nước chỉ cần đưa ra luật chơi, còn can thiệp quá sâu vào doanh nghiệp là không nên”.
Ông Hiền cũng nhấn mạnh rằng Luật Đầu tư phải phân loại được trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam muốn thu hút thêm nhiều đầu tư từ châu Âu, châu Mỹ... thì cần nâng cao “sàn” đầu tư lên, bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn. Như vậy, chỉ những doanh nghiệp có chất lượng cao thì mới có thể đầu tư được, doanh nghiệp FDI chất lượng kém không thể vào được. “Tôi mong muốn chọn được những nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt là từ Âu, Mỹ”, ông Hiền bày tỏ.
Còn theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, để khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật chuyên ngành, cần phải trả lại thẩm quyền đăng ký kinh doanh cho chủ thể có thẩm quyền được quy định theo Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, cơ quan đăng ký kinh doanh phải là cơ quan duy nhất có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Các cơ quan khác chỉ có chức năng kiểm soát điều kiện hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực mình phụ trách.
“Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện áp dụng thống nhất về đăng ký kinh doanh đối với tất cả các ngành nghề, không để tình trạng các luật chuyên ngành lấn sân Luật Doanh nghiệp, tạo sự chồng chéo trong việc quản lý doanh nghiệp”, ông Hà nói thêm.
Nguồn: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/sua-luat-ky-vong-nha-nuoc-khong-can-thiep-sau-vao-quan-tri-noi-bo-doanh-nghiep-110220.html