Ngày 7/8, Bộ Xây dựng cho biết đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ (Nghị định 99) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở. Trong đó, điểm đáng chú ý là sửa đổi quy định về việc người mua nhà nộp kinh phí bảo trì tòa nhà cho chủ đầu tư.
Chủ đầu tư phải mở riêng một tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp theo quy định…Trả lời phóng viên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty SBLAW có những chia sẻ:
Theo góc nhìn của luật sư, anh nhìn nhận như thế nào về đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ?
Trả lời:
Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Bộ Xây dựng có đề xuất sửa đổi nội dung “chủ đầu tư phải mở một tài khoản thanh toán” thành “chủ đầu tư phải mở một tài khoản vốn chuyên dụng”, quy định này nhằm đảm bảo tính “đóng” của phần kinh phí 2% bảo trì chung cư. Tài khoản vốn chuyên dùng giúp chủ đầu tư, ban quản trị, người mua và thuê mua dễ dàng hơn trong việc quản lý, kiểm tra, hạch toán tài khoản. Ngoài ra thì tài khoản vốn chuyên dụng nhận được mức lãi suất vô thời hạn từ các ngân hàng, trong khi các tài khoản thanh toán không được.
Hiện tại theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì chủ đầu tư phải lập một tài khoản thanh toán để người mua, thuê mua căn hộ nộp kinh phí 2% bảo trì nhà chung cư. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy có tình trạng Chủ đầu tư đã tự ý sử dụng tài khoản này trước khi bàn giao cho Ban quản trị, từ đó dẫn đến khó khăn trong công tác quyết toán, thu hồi kinh phí này để bàn giao sang cho Ban quản trị.
Theo anh, đề xuất này có thể giúp được gì cho người dân cũng như Ban quản trị, Ban quản lý chung cư?
Trả lời:
Đề xuất này có thể giúp cho khoản kinh phí bảo trì chung cư mà người dân đóng được sử dụng đúng mục đích, tránh bị thất thoát. Không những vậy, người dân còn được hưởng phần lãi suất từ tài khoản vốn chuyên dụng đó. Ngoài ra, Ban quản trị và ban quản lý nhà chung cư mỗi khi sử dụng thì phải đưa ra được lý do cụ thể, rõ ràng và minh bạch hóa cơ chế quản lý.
Tuy nhiên, ngay cả khi cư dân có đóng góp bằng cách này hay cách khác vào quỹ bảo trì chung cư thì cũng đòi hỏi kiện toàn một hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ hơn về ban quản trị chung cư và người có trách nhiệm làm chủ tài khoản của quỹ bảo trì, tránh việc một hai cá nhân trục lợi quỹ này gây hậu quả không tốt.