Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty TNHH SB Law đã có quan điểm về "Sửa đổi Nghị định 153: Phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo" trên báo Tạp chí Thương trường. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Các chuyên gia cho rằng, Nghị định 153 sửa đổi về trái phiếu doanh nghiệp cần quan tâm đến điều này và phải đặt vấn đề bảo vệ nhà đầu tư lên trên hết. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo. Và nếu như nhà đầu tư chịu chơi với những loại tài sản không có tài sản đảm bảo thì phải chấp nhận rủi ro.
Không tài sản đảm bảo là đặc điểm quan trọng của TPDN
Tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” diễn ra sáng 13/9, chia sẻ về rủi ro khi đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), dưới góc độ luật sư, ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho biết, thời gian qua xảy ra một số vụ việc liên quan trái phiếu, ông được một số nhà đầu tư cá nhân mời đại diện làm việc với nhà phát hành trái phiếu.
“Trong quá trình làm việc, đứng khía cạnh nhà đầu tư đặc biệt nhà đầu tư cá nhân, họ không hiểu nhiều về các vấn đề vĩ mô, bản chất trái phiếu, họ quan niệm mua trái phiếu như gửi tiết kiệm. Thứ hai là lãi suất trái phiếu cao hơn ngân hàng thì nhà đầu tư sẽ chi tiền, không quan tâm tài sản đảm bảo là gì, hay các vấn đề liên quan ra sao. Khi xảy ra một số vụ việc với sự tham gia của các cơ quan tư pháp, nhiều lãnh đạo công ty phát hành vướng lao lý. Hiện nay, chúng ta chưa có kinh nghiệm trong xử lý việc này.” ông Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.
Cùng với đó là vấn đề đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân. Hiện nhà đầu tư cá nhân lo lắng không lấy lại được tiền. Một số chủ doanh nghiệp mong muốn bán các dự án để xử lý, trả lại tiền cho nhà đầu tư. Nhưng cơ chế xử lý hiện nay không được, tiền vào kho bạc, vào cơ quan điều tra phải đợi các phiên tòa, bản án của tòa.
“Tôi nghĩ vấn đề ở đây khía cạnh tư pháp, trong thời gian tới, Chính phủ cần nghiên cứu xử lý những trường hợp doanh nghiệp sắp đáo hạn không trả được tiền cho nhà đầu tư, cần có cơ chế xử lý, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Trong Nghị định 153 cần có cơ chế đảm bảo việc đó, khi mà niềm tin nhà đầu tư đi xuống sau những vụ việc vừa qua”, ông Hà đề xuất.
Trong khi đó, bàn về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế cho biết, thị trường TPDN bao gồm thị trường trái phiếu phát hành ra công chúng theo luật chứng khoán và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Trong số 1,4 triệu tỷ đồng trái phiếu đã phát hành, có 80% là phát hành riêng lẻ và 20% còn lại phát hành ra công chúng. Nghị định 153 tập trung vào trái phiếu phát hành riêng lẻ nhưng cho tới nay, chưa có cơ quan nào trả lời 20% trái phiếu phát hành ra công chúng đang có vấn đề gì hay không?
“Một điều chúng ta cần lưu ý, năm 2021 doanh nghiệp phát hành trái phiếu cực lớn, nhưng cũng cần phải nhấn mạnh đây là năm mà chúng ta chịu tác động cực mạnh của dịch bệnh. Do đó, chúng ta không thể bỏ qua câu chuyện tác động của dịch bệnh tới thị trường này.” TS. Vũ Đình Ánh nói thêm.
Về nội dung ai chịu trách nhiệm về thị trường TPDN? Nghị định 153 quy định rất rõ là Bộ Tài chính, tuy nhiên, chỉ Bộ Tài chính thì không thể giải quyết được các vấn đề của thị trường nếu không có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, bởi họ là người mua TPDN, là người tham gia lớn nhất.
Vừa qua, báo chí nói nhiều đến một thị trường TPDN 3 không: Không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý, cái không tài sản đảm bảo chính là một đặc điểm quan trọng của thị trường TPDN, bởi nếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo thì họ đã đi vay ngân hàng. Quan trọng nhất của TPDN là phải dựa trên xếp hạng tín nhiệm, kể cả doanh nghiệp bị xếp hạng thấp thì họ vẫn được quyền phát hành. Vấn đề là nhà đầu tư có mua không và mua với lãi suất bao nhiêu, khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư là khác nhau.
TS. Vũ Đình Ánh đánh giá: “Cuối cùng tôi cho rằng, điều quan trọng là chúng ta cần phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm một cách trung thực, khách quan.”
Phải đặt vấn đề bảo vệ nhà đầu tư lên trên hết
Trong khi đó, bàn về vấn đề này, TS. Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, Việt Nam rất tự hào hội nhập sâu rộng nhưng riêng lĩnh vực trái phiếu, Việt Nam lại hội nhập tương đối hẹp. Do đó, cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường tài chính nói chung, thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu, trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
“Suy cho cùng đã vay là phải trả, người phát hành hiểu rõ nhất khả năng khoản trả là bao nhiêu”, ông Phước nói và cho rằng việc lo lắng sắp tới 84.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn hay cả năm sau 140.000 tỷ đều không sao hết.
Cùng với đó, TS. Trương Văn Phước đặt vấn đề các ngân hàng đã giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch, với số trái phiếu sắp đáo hạn có nên như thế không?
Theo TS. Trương Văn Phước, Nghị định 153 sửa đổi cần quan tâm đến điều này và việc sửa đổi phải đặt vấn đề bảo vệ nhà đầu tư lên trên hết.
Ngoài ra, Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng nhấn mạnh thêm, phải có tài sản đảm bảo, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Và nếu như nhà đầu tư chịu chơi với những loại tài sản không có tài sản không đảm bảo thì phải chấp nhận rủi ro.
Góp ý thêm về Nghị định 153 sửa đổi, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, trước mắt, ngoài việc hoàn thiện lại Nghị định 153 theo hướng không chỉ phục vụ mục tiêu thắt chặt quản lý của cơ quan Nhà nước mà cần hướng tới phục vụ thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu.
"Tôi thấy, khi tư vấn một số nhà đầu tư, doanh nghiệp thì họ có nhiều cách lách khác nhau. Nội dung có quy định nhà đầu tư chứng khoán phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, số lượng lớn nhà đầu tư là cán bộ hưu trí, nhà kinh doanh nhỏ lẻ có tiền muốn tham gia thị trường vì lãi suất cao. Họ có nhiều cách để lách, có thể các công ty chứng khoán biến họ từ nhà đầu tư không chuyên thành chuyên nghiệp với chi phí khoảng 4-6 triệu, hoặc có tổ chức nhận toàn bộ lượng phát hành, ký hợp đồng hợp tác đầu tư để lách.
Văn bản quy phạm pháp luật cần lường trước làm sao điều chỉnh các các tổ chức phát hành, người tham gia, dù tương đối khó nhưng vẫn phải nghĩ cách làm", ông Hà nói.
Cùng với đó, hiện nay dự thảo Nghị định 153 còn nhiều quy định thắt chặt hơn, đẩy những nhà phát hành tương lai đối diện với nhiều khó khăn. Ví dụ như không được huy động vốn phát hành trái phiếu đầu tư cổ phần. Theo ông Hà đánh giá, thực tế như vậy không phù hợp với những quản trị công ty mẹ công ty con ở các tập đoàn.
Ngoài ra, cần phải điều chỉnh trong trường hợp quyết định hành chính cơ quan nhà nước hủy phát hành trái phiếu thì xử lý như thế nào, trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp bị cơ quan tư pháp điều tra thì cần bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư như thế nào?