Mời Quý vị xem phần nội dung trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà với báo Reatime về câu chuyện sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 trong 3 ngày.
Câu hỏi: Mới đây, Bộ Tài chính đã gợi mở hướng sửa đổi Nghị định này. Theo đó, có thể nghiên cứu nới mức khống chế chi phí lãi vay thuần lên 25% hoặc 30% với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Ông đánh giá sao về điều này?
Trả lời:
Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết quy định “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.
Quy định trên dường như chưa nghiên cứu tổng thể điều kiện thực tiễn của Việt Nam và cũng chưa có đánh giá toàn diện tác động của quy định này đến môi trường đầu tư và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dẫn đến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng. Trong khi đó quy định này lại không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài do họ ít phải vay. Do đó, việc nới mức khống chế chi phí lãi vay thuần lên 25% hoặc 30% với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết là hợp lý.
Câu hỏi: Được biết, Bộ tài Chính lấy ý kiến sửa đổi trong 3 ngày http://reatimes.vn/bo-tai-chinh-lay-y-kien-sua-khoan-3-dieu-8-nghi-dinh-20-trong-3-ngay-20191215172726981.html. Theo Luật sư, quy trình sửa đổi các văn bản quy phạm luật (cụ thể là sửa nghị định 20) thì thường mất bao nhiêu lâu? Việc lấy ý kiến trong 3 ngày như thế đã thỏa đáng hay chưa?
Trả lời:
Quy trình sửa đổi các văn bản pháp luật, cụ thể là nghị định đã được quy định rõ tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Theo đó, các quy trình từ soạn thảo, thẩm định, lấy ý kiến sẽ mất từ 30 đến 90 ngày. Những bất cập trên phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng. Chính phủ soạn thảo một Nghị định sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP theo hình thức rút gọn. Trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành văn bản là cần thiết để góp phần giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoặc kịp thời thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Câu hỏi: Thưa ông, nếu mất nhiều thời gian, sửa chậm thì ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp trong kỳ quyết toán thuế cuối năm 2019?
Trả lời:
Trong bối cảnh, càng đến gần thời điểm quyết toán thuế cuối năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước càng như “ngồi trên đống lửa” khi đứng trước nguy cơ từ lãi thành lỗ vì bị áp trần lãi vay theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, động thái sửa đổi này của Bộ Tài chính được đánh giá là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp khi mức trần được nâng lên, nới rộng khả năng vay vốn của các doanh nghiệp liên kết.
Xin cảm ơn luật sư.