Sửa đổi, bổ sung các quy định về Hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp

Nội dung bài viết

Liên quan đến câu hỏi có nên đưa các quy định về Hộ Kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp, trong bài phỏng vấn với chương trình Luận Đàm của Kênh Truyền hình Nhân Dân dưới đây, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw đã có một số những chia sẽ xung quanh vấn đề này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, trong đó có đề xuất mới về khung khổ chính sách cho các hộ kinh doanh. Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết cách tiếp cận là không xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không bắt buộc họ phải đăng ký doanh nghiệp, mà điều quan trọng nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh để minh bạch hơn, rõ ràng hơn, an toàn hơn, xóa bỏ các hạn chế với họ.

Tuy nhiên có quan điểm cho rằng Hộ kinh doanh thiết kế như dự thảo tại chương VIIa tạo ra một loại hình kinh doanh không rõ ràng, thiếu chuẩn mực về mặt pháp lý; chứa đựng trong đó hàng loạt nguy cơ Liệu các điều khoản chung ở Chương I và Chương II Luật Doanh nghiệp có áp dụng với hộ kinh doanh hay không? Quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh như thế nào? Thương quyền ra sao? Hộ kinh doanh sẽ mở địa điểm kinh doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước; được đầu tư ra nước ngoài? Thuê mướn lao động? Và còn rất nhiều vấn đề khác.

Theo thống kê, khu vực kinh tế với hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang đóng góp tới 30% GDP, tạo ra khoảng 10 triệu việc làm cho nền kinh tế, nhưng khu vực này chỉ có một địa vị pháp lý vừa rất bấp bênh, đồng thời nhiều quy định với hộ kinh doanh lại không bằng với các doanh nghiệp.

  1. Trước tiên xin hỏi khách mời, Luật sư đánh giá sao về vai trò của hộ kinh doanh hiện nay, về quy mô về mức độ đóng góp cho nền kinh tế đất nước cũng như xu hướng phát triển?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Khoản 1 Điều 66 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiếp có định nghĩa về hộ kinh doanh như sau: Hộ kinh doanh (HKD) do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh Trong quá trình hình thành và phát triển, nhất là sau đổi mới, HKD ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển KT-XH, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi các hoạt động kinh tế còn trầm lắng.

Thời gian qua, HKD đã có rất nhiều đóng góp tích cực trong nền kinh tế, cụ thể là:

Thứ nhất, HKD có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. HKD có vai trò đáng kể trong tạo ra của cải vật chất, hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, trực tiếp đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, nhờ có HKD, người nghèo mới được tiếp cận các hàng hoá, dịch vụ nhanh hơn với giá cả bình dân. Một bộ phận không nhỏ HKD đang hoạt động tại các làng nghề đã góp phần rất lớn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống - một phần của văn hoá dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, HKD là một trong những động lực thúc đẩy tinh thần kinh doanh và phát triển kinh tế thị trường. Với rào cản tham gia thị trường thấp hơn đáng kể so với rào cản của khu vực DN, HKD có thể là bước trung gian tốt hơn để các cá thể khởi nghiệp vững chắc, đặc biệt là ở những ngành, lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Thực tế cho thấy, HKD là mô hình khởi sự kinh doanh phổ biến ở Việt Nam nhờ vào sự đơn giản về thủ tục gia nhập thị trường, ít ràng buộc về tổ chức quản lý, phù hợp với nhiều thành phần, lứa tuổi, vùng miền và không quá đòi hỏi cao về năng lực tài chính, chi phí vốn thấp.

Thứ tư, hiệu quả sử dụng các nguồn lực của HKD ngày càng nâng cao, tác động tích cực đến hiệu quả chung của nền kinh tế. Khu vực này là nơi tiếp nhận người lao động không đủ kỹ năng làm việc cho khu vực DN, khu vực hành chính sự nghiệp chuyển sang. Điều này góp phần giải quyết phần nào tình trạng việc làm cho người lao động, tạo ra sự thay đổi, chuyển biến tích cực trong thị trường kinh tế.

  1. Trên thực tế dù nhà nước lâu nay có khuyến khích hộ kinh doanh gia nhập đội ngũ DN nhưng thường nhận những cái lắc đầu? Rõ ràng ở lại mô hình hộ kinh doanh vẫn là ưu thế?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Mô hình hộ kinh doanh vẫn phải có những điểm lợi thế, hấp dẫn thì mới được rất nhiều người lựa chọn như hiện nay. Cụ thể:

- Thủ tục thành lập khá đơn giản, chỉ cần nộp đủ các giấy tờ sau đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh:

+ Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

+ Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực;

+ Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập.

- Quy mô gọn nhẹ, phù hợp với cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ;

- Chế độ chứng từ sổ sách kế toán đơn giản;

- Không phải kê khai thuế hàng tháng, được áp dụng chế độ thuế khoán

Qua thực tế vận động tại cơ sở thì hộ kinh doanh còn tâm lý lo ngại khi chuyển lên doanh nghiệp (DN). Họ cho rằng, với mô hình DN sẽ phải thực hiện các vấn đề như mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính, lưu giữ hóa đơn, sổ sách… Bên cạnh đó, khi chuyển đổi thành DN thì còn phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính phức tạp hơn so với hộ kinh doanh như bảo hiểm, lao động, phòng cháy chữa cháy, cách thức quản lý sổ sách thay đổi đòi hỏi hộ kinh doanh phải thuê nhân lực, xây dựng hệ thống quản trị…,… và chính những thủ tục này sẽ làm gia tăng chi phí, gây khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một lý do nữa khiến các hộ kinh doanh chưa muốn chuyển đổi thành DN, theo đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, là do mức thuế suất áp dụng cho các DN nhỏ và vừa vẫn chưa mang tính khuyến khích. Hiện nay, các hộ kinh doanh nếu trở thành DN sẽ phải đóng mức thuế thu nhập DN là 20%.

Xét về nhiều lí do như vậy, rõ ràng hiện tại mô hình hộ kinh doanh vẫn đang có nhiều ưu thế hơn so với chuyển đổi sang loại hình DN.

  1. Theo Luật sư, việc ban soạn thảo luật doanh nghiệp sửa đổi dành một chương để quy định về hộ kinh doanh là cần thiết hay không và vì sao?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Trong khi thực tế hiện nay, Nghị định số 78/2015/NĐ-CP năm 2015 là khung khổ pháp lý duy nhất quy định về hộ kinh doanh. Qua những thực tiễn đánh giá, có thể thấy rằng đóng góp của hộ kinh doanh vào nền kinh tế và giải quyết việc làm là rất lớn, nên cần có quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh đối tượng này nhằm khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Mặt khác, khi chế định hộ kinh doanh được đưa vào luật còn làm rõ quyền, nghĩa vụ của hộ kinh doanh để bảo đảm tính pháp lý của hộ kinh doanh và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, hình thức kinh doanh khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc xây dựng quy định này như thế nào và tại văn bản nào thì cần phải có sự suy xét kỹ lưỡng.

  1. Có quan điểm nghi ngại rằng, liệu những quy định mới này có làm tê liệt khu vực kinh tế năng động này? Luật sư nghĩ sao?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc đưa các quy định về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, thì vẫn còn tồn tại những ý kiến phản đối, nghi ngại rằng những quy định mới này có thể làm tê liệt khu vực kinh tế năng động này. Lo lắng về sự tê liệt đến từ việc có những đánh giá cho rằng thiết kế về hộ kinh doanh như dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi (tại Chương VII) tạo ra một loại hình kinh doanh không rõ ràng, thiếu chuẩn mực về mặt pháp lý; chứa đựng trong đó hàng loạt nguy cơ dẫn đến mâu thuẫn nội bộ gia đình bố mẹ, anh em tranh dành lợi ích của nhau; làm tăng thêm chi phí tuân thủ, bất định, bất ổn và rủi ro pháp lý cho kinh doanh….

Đây là những lo ngại khá chính đáng không thể bỏ qua. Rõ ràng việc đưa các quy định về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là điều cần thiết, nhưng khi xác định có một chương riêng để điều chỉnh, thì các quy định phải được suy tính rõ ràng, xem xét nhiều khía cạnh để làm sao hạn chế tối đa những vướng mắc. Hiện nay theo dự thảo sửa đổi, các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ hộ kinh doanh, thương quyền và nhiều vấn đề quan trong khác không có quy định gì mới trong khi chủ thể của nó là hộ kinh doanh không được thiết kế một cách rõ ràng. Điều này đặt ra yêu cầu các nhà làm luật cần chú trọng và cẩn thận hơn khi bổ sung quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp.

  1. Tuy nhiên theo ban soạn thảo, địa vị, trách nhiệm pháp lý của hộ kinh doanh đều không rõ ràng, thậm chí có thể nói là rất bấp bênh do đó, cần đưa vào luật để minh bạch hơn, rõ ràng hơn, an toàn hơn, xóa bỏ các hạn chế với họ.Theo Luật sư thì sao?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là hoàn thiện khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh để minh bạch hơn, rõ ràng hơn, an toàn hơn về mặt pháp lý, tức là nhà nước sẽ bảo hộ các hộ kinh doanh, giúp tối đa hóa các nguồn lực, xóa bỏ các hạn chế với họ. Đã kinh doanh thì dù là doanh nghiệp hay hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng phải có đầy đủ các thương quyền để họ kinh doanh tốt nhất. Khung khổ pháp lý với hộ kinh doanh phải đơn giản nhất, linh hoạt nhất để họ kinh doanh thuận lợi nhất.

Đây hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật, đặt quy định ở đâu không quan trọng, quan trọng nhất là khung khổ pháp lý thế nào.

  1. Theo dự thảo này, sẽ gọi tên chính xác các đối tượng này là cá nhân kinh doanh. Theo Luật sư, tên gọi như vậy có định hình được một cách chính xác, đầy đủ và bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ hay chưa?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Trên thế giới, nếu một pháp nhân kinh doanh thì gọi là công ty. Nếu một cá nhân kinh doanh thì người ta gọi là cá nhân kinh doanh hoặc doanh nghiệp một chủ.

Ở Việt Nam, pháp nhân kinh doanh cũng gọi là công ty. Hộ gia đình kinh doanh chúng ta gọi là “hộ kinh doanh”. Cá nhân kinh doanh gọi là “hộ kinh doanh cá thể”. Quy định về “hộ kinh doanh” này trong pháp luật Việt Nam không giống các quy định trên thế giới. Việc vẫn tồn tại khái niệm hộ kinh doanh cũng không phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, nếu cần thiết thì chỉ đổi tên gọi này thành cá nhân kinh doanh, vị trí pháp lý sẽ giống như các nước khác.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, hiện nay pháp luật vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về khái niệm cá nhân kinh doanh. Định nghĩa về cá nhân kinh doanh mới chỉ được hiểu chung chung trong 1 số văn bản pháp luật như Luật quản lý thuế (cá nhân kinh doanh là 1 đối tượng đăng kí thuế), hay theo Luật thương mại 2005 thì cá nhân kinh doanh có thể được hiểu là 1 thương nhân hay cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên, không phải đăng kí kinh doanh. Theo đó, ngay cả khái niệm về cá nhân kinh doanh cũng chưa rõ ràng trong các văn bản pháp luật thì việc gọi tên như vậy vẫn chưa đáp ứng được tính pháp lý chặt chẽ.

  1. Ban soạn thảo cho rằng, đưa hộ kinh doanh vào Luật không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, không ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty hay doanh nghiệp tư nhân, cũng không bắt buộc phải thay tên đổi họ mà là để “chính danh” họ trong Luật. Theo dự thảo này, hộ kinh doanh có phải thực hiện các quy định như DN trong luật, DN có chuyển đổi thành hộ kinh doanh hay không?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Vấn đề khi xem xét hộ kinh doanh có phải thực hiện các quy định như DN không là để củng cố địa vị cũng như trách nhiệm pháp lý của của hộ kinh doanh và thúc đẩy phát triển nền kinh tế, còn quy định về doanh nghiệp hiện nay đã khá rõ ràng tại Luật doanh nghiệp 2014 và các văn bản dưới luật khác.

Vậy nên trong dự thảo này vấn đề cần quan tâm chính là đưa hộ kinh doanh lên địa vị pháp lý rõ ràng, sau đó mới xem xét đến việc chuyển đổi doanh nghiệp thành HKD được hay không

  1. Tuy nhiên với 3 triệu hộ kinh doanh con số có lẽ chưa đầy đủ liệu chúng ta có thực sự quản lý được hay chỉ cần đưa ra để đạt con số 1 triệu DN vào năm 2020?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Như đã đề cập ở trên, hiện nay mô hình hộ kinh doanh đang được nhiều người ưa chuộng vì tính đơn giản. Trong khi đó để đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 cần rất nhiều nỗ lực. Phương án chuyển đổi mô hình HKD lên DN là 1 giải pháp tốt, tuy nhiên cũng cần lưu ý không thể bắt buộc ngay lập tức việc chuyển đổi mô hình. Luật doanh nghiệp nên đưa ra khuôn khổ pháp lý riêng cho HKD, sau đó có cơ chế chuyển đổi như khuyến khích, ưu đãi, cần tạo khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ họ chứ không phải quản lý chặt hơn.

  1. Chúng ta đặt ra giả thuyết nếu cùng lúc 3 triệu hộ kinh doanh thuộc diện quản lý theo Luật DN với đầy đủ quy trình thủ tục, thuế. Vậy bộ máy quản lý sẽ phình to và chi phí tuân thủ là rất lớn, liệu chúng ta có lường hết được hay không?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Nếu cùng lúc làm đồng loạt quy định mới với 3 triệu hộ thì chắc chắn bộ máy sẽ bị phình to và chi phí tuân thủ là rất lớn và chưa lường hết được. Nếu quản lí thì sẽ quản lí ra sao và quản lí như thế nào với từng đối tượng cụ thể. Thực sự đây sẽ là một vấn đề hết sức khó khăn, vì từ trước đến nay chưa có cơ chế quản lý nào đối với đối tượng này; cùng với đó là 3 triệu hộ kinh doanh là một con số rất lớn khi tiến hành quản lý đồng loạt ngay tại thời điểm này.

  1. Vậy những trường hợp buôn bán trên mạng xã hội có được xem là kinh tế hộ gia đình trong nền kinh tế số, thương mại điện tử hay không?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Thực tế, các hộ kinh doanh trên mạng xã hội đang phát triển nhanh hơn các hộ kinh doanh theo kiểu truyền thống. Điều này phù hợp với sự phát triển chung của toàn thế giới, pháp luật cần có những xem xét đưa các đối tượng này vào để điều chỉnh. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, chúng ta lại đang chủ yếu xem xét đến các hộ kinh doanh theo kiểu truyền thống chứ không nhắc đến hộ kinh doanh trên mạng xã hội.

  1. Vấn đề hiện nay là nếu nhà nước khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi để quản lý nhưng chúng ta hỗ trợ họ như thế nào, nhân lực vật lực ra sao, như kế khai thuế, đăng ký thành lập .. rõ ràng là vấn đề cần được làm rõ. Quan điểm của Luật sư như thế nào?

LS Nguyễn Thanh Hà:

Việc khuyến khích các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển đổi thành doanh nghiệp thuận theo xu thế tất yếu và tạo thuận lợi cho công tác quản lý, cần đảm bảo tính nhất quán trong cơ chế chính sách của hai loại hình (doanh nghiệp và hộ kinh doanh) và sự thống nhất theo chủ trương chung.

Để khuyến khích và hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN, nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên. Điển hình như Nghị định số 39/2018/NĐ-CP đã quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Cụ thể, DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hưởng một số ưu đãi như miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; được tư vấn hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ...

Tuy nhiên, so với nhu cầu của hộ kinh doanh, các hoạt động của ngành thuế cũng mới chỉ dừng ở mức độ hỗ trợ ban đầu. Điều cốt lõi cho DN khởi nghiệp, chuyển đổi hình thức đăng ký kinh doanh chính là môi trường kinh doanh. Ngoài hỗ trợ về thủ tục hành chính thuế là bước khởi đầu, phải tháo gỡ áp lực cho hộ kinh doanh. Các cơ quan nhà nước cần tập trung xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN. Chỉ khi tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, công bằng, hộ kinh doanh cá thể sẽ có động lực tự nguyện chuyển đổi lên DN.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Luật sư Nguyễn Thanh Hà!

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan