Câu hỏi: Qúy công ty cho mình hỏi: Hợp đồng truyền thống và hợp đồng điện tử khác nhau như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo quy định của Pháp luật dân sự hiện hành thì Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng dân sự nói riêng có thể được giao kết dưới dạng lời nói, hành vi cụ thể hoặc bằng văn bản. Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên các bên giao kết hợp đồng truyền thống phải trực tiếp gặp mặt nhau rồi mới đi đến kí kết hợp đồng.
Còn đối với hợp đồng điện tử được quy định tại Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005 như sau: "Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này”.
Về nguyên tắc thì các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao kết và thực hiện hợp đồng.
Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về hợp đồng.
Khi giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, các bên có quyền thoả thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.
Hợp đồng điện tử cũng có nhiều điểm khác biệt so với hợp đồng truyền thống về các nội dung như sau:
Thứ nhất, về các chủ thể tham gia vào việc giao kết hợp đồng điện tử:
Trong giao dịch điện tử, ngoài các chủ thể tham gia vào giao kết như đối với thương mại truyền thống (người bán, người mua, …) đã xuất hiện các bên thứ ba có liên quan chặt chẽ đến hợp đồng điện tử. Đó là các nhà cung cấp các dịch vụ mạng và các cơ quan chứng thực chữ ký điện tử. Những bên thứ ba này có nhiệm vụ chuyển đi, lữu giữ các thông tin giữa các bên tham gia giao dịch thương mại điện tử, đồng thời họ cũng có thể đóng vai trò trong việc xác nhận độ tin cậy của các thông tin trong giao dịch thương mại điện tử.
Với đặc thù được giao kết dưới dạng phi giấy tờ, việc giao kết hợp đồng điện tử sẽ gặp rủi ro nếu không có các nhà cung cấp dịch vụ mạng và các cơ quan chứng thực chữ ký điện tử. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng có trách nhiệm duy trì hệ thống mạng (mạng nội bộ của doanh nghiệp cũng như mạng quốc gia) luôn ở trong tình trạng hoạt động tốt với cơ chế 24/24 giờ. Hệ thống mạng trục trặc lập tức sẽ ảnh hưởng đến việc giao kết hợp đồng điện tử. Cơ quan chứng thực chữ ký điện tử sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và tạo ra được một cơ chế sao cho các hợp đồng điện tử không thể bị giả mạo và không thể bị phủ nhận khi tranh chấp phát sinh.
Những người thứ ba này không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng điện tử. Họ tham gia với tư cách là các cơ quan hỗ trợ nhằm đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
Thứ hai, về nội dung của hợp đồng: hợp đồng điện tử có một số điểm khác biệt so với hợp đồng truyền thống:
+ Địa chỉ pháp lý: ngoài địa chỉ pháp lý thông thường (địa chỉ bưu điện) hợp đồng điện tử còn có địa chỉ email, địa chỉ website, địa chỉ xác định nơi, ngày giờ gửi thông điệp dữ liệu, … Những địa chỉ này có ý nghĩa rất lớn để xác định tính hiện hữu, sự tồn tại thật sự của các bên giao kết hợp đồng với tư cách là chu thể của việc giao kết hợp đồng điện tử.
+ Các quy định về quyền truy cập, cải chính thông tin điện tử. Ví dụ như việc thu hồi hay hủy một đề nghị giao kết hợp đồng trên mạng Internet.
+ Các quy định về chữ ký điện tử hay một cách thức khác như mật khẩu, mã số, … để xác định được các thông tin có giá trị về các chủ thể giao kết hợp đồng.
+ Việc thanh toán trong các hợp đồng điện tử cũng thường được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử. Vì vậy, trong hợp đồng điện tử thường có những quy định chi tiết về phương thức thanh toán điện tử. Ví dụ: thanh toán bằng thẻ tín dụng, tiền điện tử, ví điện tử, …
Thứ ba, về quy trình giao kết hợp đồng điện tử:
Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa hợp đồng điện tử với hợp đồng truyền thống. Một hợp đồng truyền thống, đặc biệt là hợp đồng thương mại truyền thống, sẽ được giao kết bằng việc các bên gặp trực tiếp nhau hay trao đổi với nhau bằng các phương tiện "giấy tờ”, "vật chất” và ký bằng chữ ký tay. Còn một hợp đồng điện tử sẽ được giao kết bằng phương tiện tử và hợp đồng sẽ được "ký” bằng chữ ký điện tử. Hai phương thức giao kế hoàn toàn khác nhau sẽ làm phát sinh những điểm khác biệt lớn liên quan đến quy trình giao kết: việc xác định thời gian và địa điểm giao kết hợp đồng điện tử sẽ trở nên khó khăn hơn so với hợp đồng truyền thống vì thời điểm "gửi” và "nhận” một thông điệp dữ liệu (chính là một chào hàng hay một chấp nhận chào hàng) trở nên khó xác định trong môi trường điện tử.
Thứ tư, về luật điều chỉnh:
Về mặt pháp lý, ngoài các quy định chung về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự sẽ được áp dụng cho cả hợp đồng truyền thống và hợp đồng điện tử, do tính chất đặc thù của hợp đồng truyền thống và hợp đồng điện tử và do những vấn đề pháp lý đặc biệt nảy sinh trong quá trình giao kết và thực hiện các hợp đồng điện tử, mà loại hợp đồng này thường còn phải được điều chỉnh bởi một hệ thống quy phạm pháp luật đặc thù, dành riêng cho hợp đồng điện tử. Ngày nay, ở nhiều nước, bên cạnh các đạo luật về hợp đồng truyền thống, người ta đã phải ban hành Luật Giao dịch điện tử, Luật về Giao kết hợp đồng điện tử, Luật về Thương mại điện tử, Luật về Chữ ký điện tử, …