Sự cần thiết sửa đổi hành lang pháp lý quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW có phần trao đổi với phóng viên kênh VOV về vấn đề Sự cần thiết sửa đổi hành lang pháp lý quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Sau đây là nội dung bài viết.

Sau 10 năm triển khai, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) đã phát huy hiệu quả tốt, đem lại trật tự và sự ổn định thị trường vàng. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc xem xét điều chỉnh Nghị định này cần cân nhắc các yếu tố và những lợi ích mang lại.

Câu hỏi 1: Theo luật sư, Nghị định 24 đã mang lại những hiệu quả nào đối với việc quản lý và ổn định thị trường vàng?

Trả lời:

Ngày 03/4/2012, Nghị định số 24/2012/NÐ-CP của Chính phủ về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) đã được ban hành. Nghị định 24 ra đời đã khắc phục được những lỗ hổng pháp lý của giai đoạn trước, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức lại thị trường vàng theo hướng phát triển ổn định và bền vững, tăng cường quản lý đối với thị trường vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Cụ thể như sau:

Thứ nhất

Thị trường vàng đã dần đi vào ổn định, tình trạng đầu cơ, nắm giữ vàng được đẩy lùi. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng, qua đó giảm mạnh tâm lý nắm giữ, đầu cơ vàng, ngăn ngừa rủi ro cho các Tổ chức tín dụng (TCTD).

Thứ hai

Thị trường vàng từng bước được tái thiết lập theo hướng đảm bảo trật tự, kỷ cương. Các địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng được cấp phép đã niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng; chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ và thường xuyên được thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, qua sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng của NHNN cũng đã ngăn chặn tình trạng sản xuất vàng miếng từ vàng nguyên liệu nhập lậu, cũng như góp phần chống nhập lậu vàng.

Thứ ba

Cung cầu vàng trên thị trường tương đối cân bằng, thị trường tự điều tiết tốt, góp phần tăng thu ngân sách qua các phiên đấu thầu. Lợi nhuận thu được từ hoạt động đấu thấu vàng đã hỗ trợ cho Ngân sách Nhà nước, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn thu ngân sách nhà nước.

Thứ tư

Giá vàng trong nước khá ổn định, bất chấp giá vàng trên thị trường vàng thế giới “chao đảo”. Đây được coi là kết quả hết sức tích cực từ các biện pháp bình ổn thị trường vàng của NHNN trong hơn 7 năm qua. Nếu như trước đây, mỗi khi giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước biến động liên tục trong ngày, thậm chí bảng giá niêm yết vàng thay đổi 6 - 8 lần/ngày, gây ra những xáo động cho thị trường vàng và thị trường ngoại hối do các nhà kinh doanh gom ngoại tệ để nhập lậu vàng, thì đến nay giá vàng trong nước “ổn định” trước diễn biến khó lường của giá vàng thế giới trong thời gian gần đây.

Thứ năm

Tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế đã suy giảm đáng kể, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và kinh tế vĩ mô. Sự mất cân đối về cung cầu vàng miếng trong nước được thu hẹp đáng kể, giá vàng trong nước đã dần ổn định trở lại, hiện tượng mua bán vàng ồ ạt mỗi khi giá vàng biến động thường thấy trước đây trong dân cư đã giảm mạnh, giá vàng trong nước thể hiện chủ yếu qua vàng SJC đã giảm xuống và khá ổn định.

Sự cần thiết sửa đổi hành lang pháp lý quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Sự cần thiết sửa đổi hành lang pháp lý quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Câu hỏi 2: Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 24, thị trường vàng trong nước tồn tại nhiều bất cập, chênh cao so với thế giới. Theo anh, hiện có những quy định nào bất cập ? Anh có đề xuất như thế nào để việc quản lý thị trường vàng hiêu quả và phù hợp vơi xu thế hiện nay hơn?

Trả lời:

Một số tồn tại, bất cập của Nghị định 24/2012 và hướng đề xuất sửa đổi

Sau khi đánh giá bối cảnh ra đời Nghị định 24, dựa trên việc đánh giá thực trạng thị trường vàng sau Nghị định 24, có thể thấy chính sách đã đạt được kì vọng đề ra là giúp bình ổn thị trường vàng trong nước ngay cả khi giá vàng thế giới biến động mạnh, bên cạnh đó, tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế đã được đẩy lùi. Tuy vậy, bối cảnh thị trường hiện nay cũng thể hiện rằng một số nội dung của Nghị định 24 cần được xem xét và có những điều chỉnh cần thiết sau hơn 10 năm áp dụng, cụ thể:

Thứ nhất

Về việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ mặc dù là một đất nước có truyền thống văn hóa gắn liền với vàng, tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ chưa được chú trọng phát triển. Một trong những khó khăn thường gặp của các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ là vấn đề về mặt pháp lý. Vì thế, Nhà nước cần nghiên cứu về vấn đề này nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư trang thiết bị máy móc sản xuất và phát triển thị trường về lâu dài, hướng tới mục tiêu xuất khẩu ra thế giới.

Đồng thời vấn đề nguyên liệu đầu vào cũng là vấn đề khó khăn cần tháo gỡ, từ năm 2012 đến nay, theo Nghị định 24, NHNN quản lý nguồn vàng nhập khẩu, khi nào cần thiết mới nhập để chế tác nữ trang. NHNN chỉ đấu thầu nhỏ giọt vàng, từ năm 2014 không còn nhắc tới khiến cho nguồn cung khan hiếm. Trong khi đó, nhu cầu với vàng của người dân vẫn luôn ở mức cao, tăng trưởng đều đặn. Để ổn định thị trường vàng và hướng tới xuất khẩu thì bài toán nguyên liệu cần được tháo gỡ trước tiên.

Thứ hai

Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của NHNN đã góp phần tạo sự ổn định thị trường vàng, nhưng một số quy định trong nghị định này không còn phù hợp. Thị trường vàng SJC đang "một mình một chợ" và nảy sinh nhiều bất cập. Hiện nay, thị trường vàng trong nước bao gồm 2 loại sản phẩm chính, gồm vàng SJC độc quyền thương hiệu NHNN và vàng vật chất dưới dạng trang sức, hình thức đóng vỉ của các doanh nghiệp khác. Về việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng việc lựa chọn SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia là phù hợp với bối cảnh thị trường cách đây hơn 10 năm khi vàng miếng bị đầu cơ, mức độ “vàng hóa” của nền kinh tế rất cao. Tuy nhiên, hiện nay thị trường vàng trong nước đã “đóng cửa” suốt gần chục năm nay, không có sự liên thông với thế giới, dẫn tới mất cân đối trong cung - cầu đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất là việc tác động đến giá cả và thị trường.

Quản lý thị trường vàng cần hiệu quả và phù hợp vơi xu thế hiện nay hơn
Quản lý thị trường vàng cần hiệu quả và phù hợp vơi xu thế hiện nay hơn

Đã đến lúc, NHNN sửa đổi Nghị định 24. Theo đó, NHNN nên khảo sát đầy đủ để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, tránh tình trạng vàng lậu. Cần tăng nguồn cung cho thị trường theo hướng hủy bỏ quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như hiện nay để bảo vệ quyền lợi người mua vàng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan