(ĐTTCO) - Một vấn đề đáng báo động hiện nay trong an ninh mạng liên quan đến tài chính - tiền tệ, là đã xuất hiện dấu hiệu những hành vi rửa tiền (có thể xuyên biên giới). Trao đổi với ĐTTC, LS. NGUYỄN THANH HÀ, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, cho rằng Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) 2012 cần sớm được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện thêm, phù hợp với tình hình thực tiễn và tiệm cận với những quy định của quốc tế.
Tiền ảo có thể trở thành kênh rửa tiền.
PHÓNG VIÊN: - Thưa Luật sư, từ một số vụ việc về hành vi rửa tiền thời gian qua (như vụ Phan Sào Nam, vụ tiền ảo…) đang đặt ra những thách thức như thế nào với Việt Nam?
LS. NGUYỄN THANH HÀ: - Hiện nay hình thức rửa tiền của các đối tượng được thực hiện rất tinh vi, quy mô lớn với tổng lượng tài sản lên đến hàng ngàn tỷ đồng, với nhiều hình thức nhằm lách luật. Các cơ quan chức năng liên tục phát hiện và xử phạt nhiều vụ rửa tiền lớn. Những vụ án gây xôn xao lớn trong dư luận như vụ rửa tiền của Công ty Nhật Cường.
Theo đó, Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc đã sử dụng những khoản tiền trái pháp luật để mua điện thoại, máy nghe nhạc, đồng hồ… từ nước ngoài, nhập về Việt Nam bán tại cửa hàng Nhật Cường Mobile cùng nhiều cửa hàng khác. Thay vì chuyển tiền hàng thanh toán hàng hóa qua các ngân hàng chính thống, Bùi Quang Huy lựa chọn 2 tiệm vàng để giao dịch việc rửa tiền. Nhật Cường còn dùng 2 hệ thống sổ sách kế toán nhằm qua mặt cơ quan chức năng để trốn thuế.
Hay như rửa tiền thông qua hình thức đánh bạc, điển hình là vụ án “đánh bạc ngàn tỷ” xảy ra vào năm 2018 từng gây chấn động cả nước. Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao) và Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty VTC online) cầm đầu đường dây đánh bạc này đã cùng bị truy tố về 2 tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”.
Trong khi đó Luật PCRT số 07/2012/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, được xem là văn bản pháp lý toàn diện và tạo hành lang pháp lý để PCRT tại nước ta. Tuy nhiên đã bộc lộ một số hạn chế, cần thiết phải rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Thứ nhất, các quy định về đánh giá rủi ro và áp dụng phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro trong công tác PCRT còn thiếu. Bởi Luật PCRT năm 2013 không có quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền cấp độ quốc gia, ngành và tại từng tổ chức.
Thứ hai, quy định về việc thu thập, xử lý và chuyển giao, trao đổi thông tin về PCRT chưa thể hiện rõ các quy trình nghiệp vụ cơ bản, chưa bao quát hết các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của đơn vị đầu mối và Ngân hàng Nhà nước, như công tác giám sát, cảnh báo, trao đổi thông tin với các cơ quan đơn vị trong và ngoài nước trong thực hiện công tác PCRT.
Thứ ba, quy định về đối tượng báo cáo tại Luật PCRT chưa theo kịp sự phát triển trong các hoạt động của các tổ chức tài chính và phi tài chính. Một số lĩnh vực, hoạt động có rủi ro rửa tiền cao chưa được quy định là đối tượng báo cáo theo Luật PCRT. Luật PCRT hiện chưa bao quát đầy đủ các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền, như cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng, cung cấp dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo, dịch vụ cầm đồ…
Thứ tư, quy định về các biện pháp PCRT áp dụng đối với đối tượng báo cáo vẫn còn những hạn chế, thiếu hụt so với yêu cầu tại 40 khuyến nghị của FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền). Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong PCRT còn thiếu và chưa được quy định rõ ràng. Xuất phát từ hoạt động quản lý nhà nước, hiện nay tại một số lĩnh vực chưa có sự phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước như lĩnh vực kinh doanh kim loại quý, đá quý.
- Có ý kiến cho rằng Luật PCRT phải đồng bộ hơn với tốc độ phát triển của kinh tế số (nói chung) và an ninh (nói riêng), đặc biệt phải là công cụ hữu hiệu để kiểm soát tham nhũng. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Thứ nhất, để hệ thống pháp luật về PCRT được hoàn thành, trước tiên cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan đến thuế, kê khai tài sản, luật phòng chống tham nhũng, dịch vụ trung gian thanh toán, tài sản ảo, tiền ảo… theo hướng đối với những tài sản thu nhập người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc và chưa chứng minh được tài sản có nguồn gốc hợp pháp, sẽ tiến hành thu thuế trong trường hợp người kê khai chưa nộp thuế.
Thứ hai, quản lý chặt chẽ, khuyến khích người dân hạn chế sử dụng tiền mặt, tích cực sử dụng các dịch vụ trung gian thanh toán như ví điện tử, qua đó giúp cơ quan chức năng quản lý kiểm soát dòng tiền.
Thứ ba, cần chú ý đến việc tội phạm rửa tiền lợi dụng mạng internet để hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có, hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo trên các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Bitcoin, Binance…
Thứ tư, cần quy định về thuật ngữ rửa tiền nhằm đảm bảo liên thông với quy định tội rửa tiền trong Bộ luật Hình sự 2015, từ đó quy định rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có, bao gồm các hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự. Quy định cụ thể hơn về những yêu cầu, điều kiện pháp lý, dấu hiệu nhận biết giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ liên quan đến tiền điện tử, giao dịch điện tử. Quy định cụ thể “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” là cơ quan nào trong thực hiện trách nhiệm tiếp nhận, xử lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan rửa tiền…
Thứ năm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung luật theo hướng bám sát những cam kết trong các điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên và 40 + 9 khuyến nghị của FATF. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xây dựng quy định xử phạt PCRT tham nhũng đối với từng lĩnh vực kinh tế cụ thể theo hướng tăng mức xử phạt…
Xin cảm ơn ông.
Nguồn: https://www.saigondautu.com.vn/kinh-te/som-sua-doi-bo-sung-luat-phong-chong-rua-tien-110824.html
0/5
(0 Reviews)