Tín chỉ Các-bon là một chứng nhận có thể giao dịch đại diện cho một tấn khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với một tấn CO2 (tCO2e) được thải ra môi trường. Dưới đây là những thông tin về tín chỉ các-bon là gì và những dịch vụ SBLAW có thể cung cấp trong lĩnh vực này.
Tín chỉ các-bon là gì?
Căn cứ Khoản 35 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định thì Tín chỉ các-bon (carbon credit) được hiểu là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 (carbon dioxide) hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với một tấn khí CO2.
Như vậy, tín chỉ các-bon là một phần quan trọng trong các chiến lược quốc tế, thường được sử dụng trong các chương trình giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững.
Lịch sử hình thành tín chỉ các-bon trên thế giới
Năm 1997, Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu được thông qua, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc hình thành tín chỉ các-bon. Đây là thỏa thuận quốc tế đầu tiên đặt ra các mục tiêu ràng buộc về giảm phát thải khí nhà kính cho các nước phát triển.
Nghị định thư Kyoto đưa ra các cơ chế thị trường như Cơ chế Phát triển Sạch (CDM), Cơ chế Đồng thực hiện (JI), và Hệ thống Giao dịch Phát thải (ETS) để giúp các nước đạt được mục tiêu giảm phát thải của mình. Từ các dự án giảm phát thải thông qua các cơ chế này đã tạo ra tín chỉ các-bon. Khi đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do các-bon là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi các-bon, hình thành nên thị trường các-bon hay thị trường tín chỉ các-bon.
Năm 2015, Thỏa thuận Paris ra đời, thay thế Nghị định thư Kyoto và đặt ra mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C, với nỗ lực giới hạn ở mức 1,5°C. Thỏa thuận Paris cũng khuyến khích các quốc gia phát triển các cơ chế thị trường mới để giảm phát thải, tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng tín chỉ các-bon.
Khung pháp lý hiện hành của Việt Nam về tín chỉ các-bon
Nhận thấy tầm quan trọng của việc quản lý việc mua bán tín chỉ các-bon, từ năm 2012, Nhà nước ta đã có chủ trương xây dựng thị trường tín chỉ các-bon, xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh việc sử dụng tín chỉ các-bon.
Cho đến nay, có thể kể đến một số văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để điều chỉnh về vấn đề này như:
- Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 về việc phê duyệt đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới.
- Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội được ban hành. Luật này đã đưa ra các quy định về giảm phát thải khí nhà kính và khuyến khích phát triển các cơ chế thị trường để kiểm soát và giảm phát thải, bao gồm tín chỉ các-bon.
- Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó quy định lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế.
Theo kế hoạch được đề ra tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, việc thí điểm thị trường tín chỉ các-bon bắt đầu từ năm 2025; hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và sàn giao dịch tín chỉ các-bon sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2028.
Các dịch vụ mà SB Law có thể cung cấp trong lĩnh vực tín chỉ các-bon
SB Law có thể hỗ trợ Quý Khách hàng hiểu và tuân thủ các quy định pháp lý tín chỉ cácbon thông qua các dịch vụ mà SB Law cung cấp như sau:
4.1. Cung cấp ý kiến pháp lý sơ bộ
a) SB Law cung cấp, cập nhật những quy định mới của pháp luật về tín chỉ các-bon (bao gồm nhưng không giới hạn các vấn đề về thuế, chính sách ưu đãi thuế, đăng ký và phê duyệt dự án,…) và giải thích các quy định đó cho Quý Khách hàng.
b) SB Law cung cấp các tư vấn, hướng dẫn hoặc hỗ trợ Quý Khách hàng để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.
4.2. Thẩm định pháp lý
SB Law hỗ trợ Quý Khách hàng kiểm tra tính hợp pháp và tuân thủ của các dự án tín chỉ các-bon thông qua việc đánh giá các khía cạnh pháp lý có liên quan của dự án mục tiêu.
4.3. Soạn thảo và đàm phán hợp đồng
a) SB Law hỗ trợ Quý Khách hàng soạn thảo, rà soát và chỉnh sửa các hợp đồng, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ liên quan đến dự án tín chỉ các-bon và/hoặc mua bán tín chỉ các-bon.
b) SB Law trực tiếp tham gia đàm phán với đối tác của Quý Khách hàng về các điều khoản của các văn kiện pháp lý trên để bảo vệ quyền lợi của Quý Khách hàng.
|