SỞ HỮU TRÍ TUỆ NÂNG CAO CƠ HỘI XUẤT KHẨU CHO DOANH NGHIỆP

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Câu chuyện Sở hữu trí tuệ trên VTV2 với chủ đề SỞ HỮU TRÍ TUỆ NÂNG CAO CƠ HỘI XUẤT KHẨU CHO DOANH NGHIỆP. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1, Thưa ông, ông cho rằng đâu là lý do cần bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường xuất khẩu?

Trả lời:

SHTT ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Các giá trị được tạo ra từ tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả ngày càng có tỷ phần cao hơn trong cơ cấu giá trị của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình ở cả trong nước và nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu nhằm thâm nhập thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Trong thời gian qua, chúng ta cũng có những bài học về việc mất các tài sản trí tuệ do chậm đăng ký, khiến cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp cận thị trường nước ngoài. Việc lấy lại các tài sản trí tuệ bị mất là rất khó khăn, tốn kém về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp.

Theo đó, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường xuất khẩu có thể mở ra những cơ hội xuất khẩu mới, đặc biệt là đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, có thể giúp doanh nghiệp phát triển lợi thế thị trường xuất khẩu. Đồng thời, khi bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng sẽ làm tăng cơ hội, lòng tin của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu.

2, Theo ông, đâu là phương thức xuất khẩu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hiện nay?

Trả lời:

Các doanh nghiệp có hai phương thức để xuất khẩu hàng hóa sản phẩm của mình là xuất khẩu trực tiếp và xuất khẩu gián tiếp, cụ thể:

Thứ nhất, xuất khẩu trực tiếp:

Xuất khẩu trực tiếp sản phẩm được bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ là nhà sản xuất thực hiện toàn bộ quá trình xuất khẩu, từ việc nhận biết khách hàng, bán hàng hóa sản phẩm, đến việc thanh toán. Thông thường trong những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu trực tiếp, một bộ phận chuyên công tác xuất khẩu sẽ được thành lập như lập các phòng ban.

Thứ hai, xuất khẩu gián tiếp:

Xuất khẩu gián tiếp sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là việc doanh nghiệp có dự định xuất khẩu hàng hóa sản phẩm của mình, nhưng lại không có cơ sở hạ tầng và điều kiện, kiến thức cần thiết để thực hiện hoạt động xuất khẩu của mình, do đó phải thực hiện việc xuất khẩu thông qua các đại lý ủy thác, các văn phòng mua bán địa phương, các nhà xuất khẩu thương mại hoặc các công ty phát triển xuất khẩu.

Ngoài hai phương thức trên, các doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức khác để đạt được mục đích xuất khẩu hàng hóa sản phẩm của mình. Ví dụ như:

- Sản xuất hàng hóa trong nội địa và xuất khẩu hàng hóa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách trực tiếp hoặc qua trung gian, với điều kiện không một doanh nghiệp nào khác có thể sản xuất, bán hoặc khai thác hợp pháp sản phẩm tương tự tại thị trường đã chọn mà không được phép của chủ sở hữu.

- Thiết lập liên doanh với các doanh nghiệp khác để sản xuất và/hoặc thương mại hóa sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường nước ngoài đã chọn.

- Chuyển quyền sử dụng sáng chế cho một công ty nước ngoài sẽ sản xuất hàng hóa đó tại nước đó, đổi lấy một khoản phí trọn gói và/hoặc phí bản quyền.

Theo đó, tùy thuộc vào chiến lược xuất khẩu, mỗi doanh nghiệp sẽ có được các lợi nhuận gia tăng vừa qua kênh bán hàng trực tiếp, vừa qua các khoản phí và/hoặc tiền bản quyền từ việc chuyển quyền sử dụng sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, cho dù sử dụng phương thức xuất khẩu nào thì doanh nghiệp cũng cần chú ý và quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ tại các thị trường xuất khẩu để tránh các xung đột hoặc mất quyền sở hữu trí tuệ vào tay cá nhân, tổ chức khác hoặc đối thủ cạnh tranh.

3, Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ khi các DN muốn xuất khẩu sản phẩm của mình?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định về quyền sở hữu trí tuệ như sau:

“1. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”.

Theo đó, có thể nhận thấy quyền sở hữu trí tuệ là kết quả của quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, công sứ, tiền bạc của cá nhân, tổ chức. Hoạt động sáng tạo trí tuệ mong muốn đạt được những lợi ích nhất định. Bằng việc bảo hộ tài sản trí tuệ sẽ khuyến khích và hỗ trợ phát triển sản phẩm, ngành nghề kinh doanh. Quản lý tốt vấn đề sở hữu trí tuệ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp, quan trọng quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân.

Quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể giúp mở rộng phạm vi bảo hộ những đối tượng khác như sự biểu hiện văn hóa bất thành văn và không được ghi âm của nhiều nước đang phát triển mà thường được biết đến dưới tên văn hóa dân gian. Với sự bảo hộ như vậy, những đối tượng này có thể được khai thác vì lợi ích của quốc gia có nền văn hóa đó.

Quyền sở hữu trí tuệ mang tính “lãnh thổ”, nghĩa là các quyền này sẽ thuộc về Doanh nghiệp bạn tại quốc gia hay khu vực mà chúng được đăng ký và bảo hộ, để có được các quyền độc quyền về sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài, Doanh nghiệp bạn phải tìm kiếm và đạt được sự bảo hộ ở nước ngoài.

4, Là người có mối quan hệ và hợp tác với các doanh nghiệp, ông cho rằng, các vấn đề về sở hữu trí tuệ mà hiện nay doanh nghiệp Việt đang gặp phải khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước bạn là gì?

Trả lời:

Trên thực tế, các nhà xuất khẩu thường chỉ nhận ra tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đã quá muộn, nghĩa là khi họ đối mặt với các công ty làm hàng giả hoặc hàng nhái sản phẩm của họ hoặc khi họ bị cáo buộc xâm phạm quyền của người khác.

Thứ nhất, nhà xuất khẩu thường không kiểm tra xem nhãn hiệu đã được đăng ký hay được sử dụng bởi đối thủ cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu hay chưa.

Việc sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đã đăng ký hay đang được sử dụng bởi một công ty khác ở nước khác có thể bị coi là xâm phạm quyền nhãn hiệu của công ty đó. Công ty vi phạm có thể bị yêu cầu ngừng sử dụng nhãn hiệu đó hoặc bị yêu cầu bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm phạm. Việc tra cứu nhãn hiệu ở thị trường xuất khẩu có liên quan là một biện pháp cực kỳ cần thiết trước khi bắt đầu triển khai kế hoạch xuất khẩu của bạn và việc tra cứu này nên được thực hiện trước khi lựa chọn nhãn hiệu.

Thứ hai, không sử dụng các hệ thống bảo hộ khu vực hoặc quốc tế.

Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nhiều cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia có thể sẽ gây ra tốn kém. Các hệ thống bảo hộ khu vực và quốc tế, nếu có, là một cách thức có hiệu quả để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại nhiều nước khác nhau trên thế giới.

Thứ ba, nộp đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài quá muộn.

Đối với một số quyền sở hữu trí tuệ như sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp, các doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ tại các nước xuất khẩu trong một thời hạn nhất định kể từ ngày nộp đơn trong nước. Thông thường, thời hạn này được coi là “thời hạn ưu tiên”. Việc không nộp đơn trong thời hạn ưu tiên có thể khiến doanh nghiệp mất đi khả năng bảo hộ tại nước đó, và do đó, tạo ra lỗ hổng cho các công ty khác sao chép miễn phí sáng chế và kiểu dáng của doanh nghiệp bạn.

Thứ tư, tìm cách li-xăng sản phẩm ở thị trường mà sáng chế và kiểu dáng có liên quan không được bảo hộ.

Thay vì trực tiếp xuất khẩu sản phẩm, nhiều công ty cấp li-xăng cho các công ty khác để lấy một khoản phí trọn gói hoặc tiền phí li-xăng. Hợp đồng li-xăng thường có các quy định liên quan đến việc chia sẻ bí quyết công nghệ, cũng như cho phép sản xuất và/hoặc bán sản phẩm do bên cấp li-xăng phát triển. Điều quan trọng là phải bảo đảm rằng các quyền sở hữu trí tuệ có liên quan đến sản phẩm sẽ được li-xăng phải được bảo hộ đầy đủ ở nước có liên quan dù hợp đồng li-xăng có được thương lượng ở đâu và rằng hợp đồng phải có các điều khoản phù hợp xác định rõ vấn đề sở hữu đối với các quyền sở hữu trí tuệ đó.

Do đó, khi soạn thảo kế hoạch và chiến lược xuất khẩu, điều quan trọng là phải hiểu được môi trường sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu tiềm năng, cũng như hiểu được tất cả các vấn đề khác về môi trường kinh doanh ở thị trường đó.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan