Sở hữu chéo được hiểu là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau (Khoản 3 Điều 16 Nghị định 96/2015/NĐ-CP). Sở hữu chéo có hai hình thức là sở hữu chéo trực tiếp và sở hữu chéo gián tiếp.
- Sở hữu chéo trực tiếp:
Ví dụ 1: A là công ty mẹ của công ty B. Như vậy B sẽ không được tham gia góp vốn, mua cổ phần của công ty A.
Ví dụ 2: A là công ty mẹ của các công ty B, công ty C. Như vậy B và C sẽ không được đồng thời góp vốn mua cổ phần của nhau.
- Sở hữu chéo gián tiếp:
A là công ty mẹ của công ty B và C.
Ví dụ 1: B (hoặc C) lập ra một công ty con là B1. B1 không bị cấm mua phần vốn góp, cổ phần của A, vì B1 không phải là công ty con của A.
Ví dụ 2: B mua phần vốn góp/ cổ phần của C, C lập ra công ty con C1 mua cổ phần của B.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì pháp luật hiện nay chỉ cấm việc các bên sở hữu chéo trực tiếp, còn việc sở hữu chéo gián tiếp thì pháp luật không có quy định. Mà không có quy định nghĩa là doanh nghiệp được tự do thực hiện những gì mà pháp luật không cấm thì việc sở hữu chéo gián tiếp là không bị cấm. Và theo thực tế hiện nay thì tình trạng sở hữu chéo chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về công ty mẹ và công ty con như sau:
“1. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
b) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
c) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.
2. Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
3. Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này”.
Điều luật trên được hướng dẫn chi tiết tại Điều 16 Nghị định 96/2015/NĐ-CP:
“1. Góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 189 Luật Doanh nghiệp bao gồm góp vốn, mua cổ phần để thành lập doanh nghiệp mới, mua phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập.
2. Sở hữu chéo là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau.
3. Cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 189 Luật Doanh nghiệp là trường hợp tổng số cổ phần, phần vốn góp của các công ty này sở hữu bằng hoặc lớn hơn 51% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty có liên quan.
4. Chủ tịch công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị của các công ty có liên quan chịu trách nhiệm bảo đảm tuân thủ đúng quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp khi quyết định góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty khác. Trong trường hợp này, Chủ tịch công ty hoặc thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị của công ty có liên quan cùng liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cho công ty khi vi phạm các quy định tại Điều này.
5. Cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông công ty nếu trong quá trình thụ lý hồ sơ phát hiện việc góp vốn, mua cổ phần thành lập doanh nghiệp hoặc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp liên quan vi phạm quy định tại các Khoản 2 và 3 Điều 189 Luật Doanh nghiệp.
6. Các công ty không có cổ phần, phần vốn góp nhà nước nắm giữ đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 có quyền mua bán, chuyển nhượng, tăng, giảm phần vốn góp, số cổ phần nhưng không được làm tăng tỷ lệ sở hữu chéo hiện có”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng sở hữu chéo là một vấn đề phức tạp và việc chỉ có hai quy định về vấn đề này là quá ít và chưa đầy đủ. Các quy định như vậy vẫn bỏ sót rất nhiều trường hợp sở hữu chéo gián tiếp. Hy vọng trong thời gian tới không chỉ luật doanh nghiệp mà các bộ luật khác cũng phải thay đổi đồng bộ để có quy định cụ thể và đầy đủ hơn nhằm kiểm soát vấn đề sở hữu chéo.