Sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật sẽ bị xử lý như thế nào?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trên Truyền hình quốc hội trong Chương trình Hiểu đúng – Làm Đúng về vấn đề Sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Tình huống: Anh Tú là một người mộ đạo, tuy nhiên do hoạt động truyền đạo trái pháp luật nên anh Tú đã bị công an mời lên làm việc, người nhà anh Tú đã tìm đến cơ quan công an xin tư vấn.

Luật sư tư vấn:

Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Điều 12 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định như sau:

“1. Hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải được đăng ký, trừ cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ dòng họ.

2. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày cơ sở tín ngưỡng bắt đầu hoạt động tín ngưỡng, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật này…”.

Như vậy, Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện cho mọi sinh hoạt tôn giáo, nhưng các hoạt động tôn giáo này phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý tôn giáo. Những hoạt động tôn giáo không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi bất hợp pháp và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Xét hành vi của anh Tú trong sinh hoạt tôn giáo trái phép

Dùng Hội thánh Đức Chúa trời nhằm lôi kéo, dụ dỗ người khác theo Hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng, tác động xấu đến đoàn kết nhân dân và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về mức xử phạt hành chính

Với hành vi gây rối trật tự công cộng, Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định:

“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

……………………
b) Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng;

…………………………………..
g) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; …”.

Về trách nhiệm hình sự:

Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định như sau:

“Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Như vậy, trong trường hợp này, tùy vào mức độ của hành vi mà anh Tú có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thiết nghĩ, người dân nên cảnh giác, phòng ngừa, không nghe, không tin, không tham gia tổ chức này.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan