Siết quy định ký quỹ, hết “cửa” cho nhà thầu “ăn đong”

Nội dung bài viết

SBLAW trân trọng giới thiệu bài viết của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên báo diễn đàn doanh nghiệp với tiêu đề Siết quy định ký quỹ, hết “cửa” cho nhà thầu “ăn đong”.

Sau đây là nội dung bài viết;

Mới đây, xảy ra vụ “lùm xùm” về việc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng công trình Tây An – một nhà thầu phụ thi công gói thầu XL-11 thuộc dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – nợ hơn 6,3 tỉ đồng của đơn vị cung cấp vật liệu là Công ty TNHH Dịch vụ xuất nhập khẩu Kim Hưng Phát. Trong khi, chủ đầu tư cho rằng đơn vị này “không liên quan” đến hợp đồng kinh tế giữa Công ty Kim Hưng Phát và Công ty Tây An. Tranh cãi giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết và dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ.

Bài học nhãn tiền

Như vậy, chỉ với những tranh cãi liên quan tới quá trình thanh toán công nợ của một nhà thầu phụ mà lại làm ảnh hưởng tới tiến độ của một công trình trọng điểm như dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận?

Còn rất nhiều câu chuyện tranh chấp tương tự như trên đã xảy ra trong thời gian qua. Vì vậy cũng đặt ra câu hỏi, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần phải có những biện pháp thế nào để đảm bảo tránh xảy ra các tình huống như vậy? Không chỉ là các biện pháp xử lý sau khi đã xảy ra sự việc, mà còn phải siết chặt các quy định nhằm xác thực việc nhà thầu thật sự có đủ năng lực ngay từ ban đầu, bảo đảm trách nhiệm của các nhà thầu.

Một trong số những bài học kinh nghiệm đã được rút ra đó là siết chặt quy định khi lựa chọn nhà thầu về ký quỹ – một biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật. Theo Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015, ký quỹ là: “việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ”. Chế định ký quỹ ra đời để bảo đảm bên có nghĩa vụ sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, nếu không thì bên có quyền có thể yêu cầu tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại (nếu có) do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của bên kia gây ra.

Chế định ký quỹ xuất hiện nhiều trong các lĩnh vực pháp lý khác nhau, trong đó có lĩnh vực đấu thầu. Khoản 2 Điều 4 Luật Đấu thầu quy định: “Bảo đảm thực hiện hợp đồng là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng của nhà thầu, nhà đầu tư”.

Đây là biện pháp khả thi và có tác dụng đảm bảo được trách nhiệm tài chính của các nhà thầu khi xảy ra các tình huống tương tự như ở gói thầu phụ thuộc cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Khi các nhà thầu thực hiện ký quỹ, họ sẽ gửi một khoản tiền vào tài khoản ký quỹ tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của mình trong dự án. Tổ chức tín dụng xác nhận việc gửi tiền của họ và chủ đầu tư cũng xác thực được vấn đề này. Khi cần phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán, tổ chức tín dụng sẽ mở tài khoản và thanh toán theo lệnh của một trong các bên.

Vậy triển khai biện pháp này như thế nào?

Đầu tiên là cần có quy định về việc bắt buộc ký quỹ. Tất cả các nhà thầu khi dự thầu bắt buộc phải thực hiện ký quỹ tại một tổ chức tín dụng. Việc gửi “tiền tươi tóc thật” vào một tổ chức tín dụng giúp đảm bảo được khả năng thanh toán của nhà thầu.

Thứ hai, có thể siết chặt quy định về mức ký quỹ. Có thể quy định mức ký quỹ dựa trên số vốn đầu tư của dự án, và cân đối số % sao cho khoản tiền ký quỹ nộp vào đủ để bù trừ nghĩa vụ nhà thầu đó khi có vấn đề xảy ra. Đối với những dự án trọng điểm cần quy định mức ký quỹ của nhà thầu thật cao.

Thứ ba, siết chặt quy định về mở tài khoản ký quỹ và thanh toán. Có thể quy định “Bên tổ chức tín dụng có nghĩa vụ tự động trích tiền từ tài khoản để thanh toán cho Bên nhận ký quỹ khi có văn bản yêu cầu của Bên nhận ký quỹ” để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho bên nhận ký quỹ.

Việc siết chặt quy định ký quỹ sẽ bảo vệ quyền và lợi ích của chủ đầu tư và nhằm tránh những mâu thuẫn, tranh chấp có thể xảy ra trong khi thực hiện hợp đồng dẫn đến chậm tiến độ dự án.

Việc bắt buộc ký quỹ ngân hàng đối với nhà thầu là để có giải pháp xử lý, tránh tình huống tương tự xảy ra như ở gói thầu phụ thuộc cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Tôi cho rằng cách phản ứng như thế về mặt chính sách, về mặt pháp luật là đúng hướng để bảo đảm rằng tiến độ dự án phải được thực thi. Nếu nhà thầu để xảy ra trường hợp “lùm xùm” nợ nần, thì cần thiết phải có biện pháp trừng phạt để bảo đảm được việc tuân thủ tích cực.

PGS. TS Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Luật sư NGUYỄN THANH HÀ, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW

Nguồn: https://enternews.vn/siet-quy-dinh-ky-quy-het-cua-cho-nha-thau-an-dong-184055.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan