Shopee bán bản đồ có đường ‘lưỡi bò’ của Trung Quốc?

Nội dung bài viết

Đại diện Bộ Công Thương cho biết các lực lượng chức năng đã thu giữ 30 thùng hàng có chứa bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn sai phép của Trung Quốc, được bày bán trên Shopee.

Liên quan đến vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW.

1/ Liên quan đến việc, theo luật sư, doanh nghiệp này đã vi phạm những tội gì, theo điều luật nào? Chế tài vi phạm đối với doanh nghiệp này như thế nào?

Trả lời:

Một hộ kinh doanh đăng ký tại tỉnh Bắc Kạn, có website riêng và tham gia bán hàng trên trang thương mại điện tử Shopee đã bị phản ánh bán sản phẩm đồ chơi “Bản đồ cắm cờ thế giới” có nội dung không phù hợp. Cụ thể, sản phẩm đồ chơi có “đường lưỡi bò” ở khu vực Biển Đông được thể hiện khá rõ, sản phẩm được in bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và không có nhãn phụ tiếng Việt.

Theo đó, gian hàng cung cấp sản phẩm đồ chơi có “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên sàn giao dịch điện tử Shopee sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo mức độ vi phạm của hành vi, có thể là xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm.

Thứ nhất, xử phạt hành chính:

Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP còn quy định, người có hành vi buôn bán hàng cấm còn có thể bị xử phạt từ 500.000 -100 triệu đồng tùy theo giá trị của hàng cấm đó. Người có hành vi vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Nếu ở mức độ nghiêm trọng, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm quy định tại Điều 190 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

2/ Vậy, trong vụ việc này trách nhiệm này thuộc về ai, thưa luật sư?

Trả lời:

Theo Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử thì Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó”.

*Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử:

1. Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Mục 2 Chương IV Nghị định này và công bố các thông tin đã đăng ký trên trang chủ website.

2. Xây dựng và công bố công khai trên website quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Điều 38 Nghị định này; theo dõi và bảo đảm việc thực hiện quy chế đó trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

3. Yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 29 Nghị định này khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

4. Có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ.

5. Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.

6. Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này nếu website có chức năng đặt hàng trực tuyến.

7. Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.

8. Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

9. Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

10. Công bố công khai cơ chế giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Khi khách hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử phát sinh mâu thuẫn với người bán hoặc bị tổn hại lợi ích hợp pháp, phải cung cấp cho khách hàng thông tin về người bán, tích cực hỗ trợ khách hàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

* Trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử:

1. Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định này cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.

2. Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định này khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

3. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

4. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

5. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.

6. Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

7. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, về nguyên tắc, sản phẩm do ai bán ra thì người đó phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, trách nhiệm của sàn là phải gỡ bỏ sản phẩm đó khi bị phản ánh. Trừ khi sàn giao dịch không gỡ sản phẩm sẽ bị xử phạt.

3/ Vậy, trong trường hợp này, khi Shopee để bên thứ 3 bán bản đồ có nội dung về “đường lưỡi bò” phi pháp trên website mà không có kiểm soát, thì cơ sở này phải chịu trách nhiệm gì thưa luật sư?

Trả lời:

Như tôi đã trình bày ở trên, trách nhiệm của sàn là phải gỡ bỏ sản phẩm đó khi bị phản ánh. Trừ khi sàn giao dịch không gỡ sản phẩm sẽ bị xử phạt.

4/ Luật sư có giải pháp gì để những vụ việc tương tự như thế này không xảy ra?

Trả lời:

Trung Quốc luôn tìm mọi cách để biện minh cho đường lưỡi bò là của họ mặc dù Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 đã ra phán quyết đường lưỡi bò không có giá trị nhưng Trung Quốc vẫn muốn biến nó thành sự thật. Điều này cho thấy Trung Quốc chỉ muốn lợi cho mình nên tìm mọi cách để quảng bá, tuyên truyền.

Bởi vậy, trong đồ chơi nhập của Trung Quốc mà xuất hiện đường lưỡi bò như vậy cũng là 1 chiến lược của họ nên chúng ta càng phải hết sức nhạy bén và tỉnh táo trong những việc như vậy.

Các sàn thương mại điện tử hay các cơ sở kinh doanh cần tăng cường thêm nhân viên thuộc đội ngũ chuyên trách để mở rộng rà soát, kiểm tra nội dung, thông tin sản phẩm trước khi nhập và phân phối hàng hóa, đồ chơi.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan