Sẽ có hàng loạt hợp đồng BT được các Bộ, ngành, UBND địa phương rà soát lại theo yêu cầu Chính phủ.
Đây là nội dung của Nghị quyết 160/NQ-CP vừa được ban hành và nhiều khả năng sẽ được quy định cụ thể tại Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư BT đang được Chính phủ đốc thúc hoàn thiện.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT).
Gian nan khoảng trống pháp lý
Thực tế, trong nhiều hội nghị của bộ, ngành cũng như trong cuộc họp của Chính phủ, vấn đề này nổi lên rất… thời sự. Nhiều nhà đầu tư BT và các tỉnh, thành dù biết là sẽ khó khăn, nhưng cũng ít dám… lên tiếng. Còn Bộ Tài chính thì cho rằng, có một “khoảng trống pháp lý” do Luật Quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 01/1/2018 đã chi phối các văn bản quy định chi tiết. Tuy vậy, hệ thống pháp luật vẫn đang thiếu “Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT”.
Tuy vậy, không hiểu tại sao Nghị định này chậm được ban hành? Trong cuộc họp báo về “khoảng trống pháp lý” đối với BT hồi tháng 7/2018, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: “Đây là Nghị định rất khó vì liên quan đến nhiều luật khác nhau: Đầu tư, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để đảm bảo theo giá thị trường, tránh thất thoát. Chính phủ rất thận trọng trong việc hoàn thiện Nghị định này trước khi ban hành”.
Và phương án tình thế là Chính phủ cuối năm 2018 đã ban hành Nghị quyết 160 về việc dùng tài sản công thanh toán các dự án BT. Nhưng nên nhớ rằng, để ra được Nghị quyết này cũng là một chặng đường gian nan. Nó là kết quả của “tranh cãi” giữa các bộ, ngành và địa phương về vấn đề này.
Nhưng xét cho đến cùng, lý do có lẽ nằm ở cách hiểu khác nhau giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành địa phương khác. Nếu xem xét các lý do mà Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương dừng dùng tài sản công thanh toán các dự án BT, thì cơ sở pháp lý có lẽ nằm ở việc Luật quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Nhưng nếu hiểu đúng, thì luật sẽ chi phối những dự án BT phát sinh sau ngày luật đó có hiệu lực.
Do đó, đã có những ý kiến trong các cuộc họp liên quan quan đến vấn đề này khi cho rằng: nguyên tắc hồi tố là không phù hợp đối với những công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính và kể cả Nghị quyết 160.
Rà soát lại có phải hồi tố?
Như một nguyên tắc, cái gì tồn tại, phát sinh đều có lý do của nó. Dễ hiểu khi trong lý giải của mình, Bộ Tài chính đề cập đến việc phải chấn chỉnh công tác dùng tài sản công, mà chủ yếu là đất đai, để thanh toán cho các dự án BT nhằm tránh thất thoát. Tuy vậy, mục đích không thể biện minh cho phương tiện bởi pháp luật dù được sinh ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội cũng phải có tính thời điểm của nó.
Thật ra, lo ngại của Bộ Tài chính không phải là không có lý khi thực tế quá nhiều dự án BT ở các địa phương đang làm nên những “con đường kim cương”, những “con đường đắt nhất hành tinh”. Và rõ ràng một thực tế đã lộ ra: BT ở ta có quá nhiều vấn đề.
Chính vì vậy Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các địa phương rà soát lại các Hợp đồng BT đã ký kết và đang thực hiện, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.
Nói thế để thấy rằng, gỡ khó cho BT thực ra không nằm ở Nghị quyết hay Nghị định của Chính phủ, cũng không nằm ở Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Mà có lẽ, nó nằm ở những vấn nạn có tính hệ thống liên quan tới tài sản quốc gia và nguyên tắc công khai, minh bạch. Sẽ rất khó có thể giải quyết được vấn đề một cách căn cơ nếu như các dự án BT cứ “tù mù” mà không chịu sự giám sát của công chúng. Lúc đó, dù luật pháp có đầy đủ, nghiêm minh tới đâu, thì những “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam: Rà soát sẽ tạo hiệu ứng tốt Chúng ta cần đánh giá, rà soát lại năng lực các doanh nghiệp đã tiếp quản dự án công tại nhiều địa phương trên cả nước nhưng triển khai không hiệu quả. Nhiều địa phương đã có tình trạng lợi dụng việc rà soát để thu hồi dự án từ các chủ đầu tư chân chính, có năng lực tài chính tốt (nhưng vì lý do nào đó chưa triển khai) để giao cho các chủ đầu tư có năng lực kém hơn. Do đó, theo tôi việc thanh tra, rà soát tại các tỉnh, địa phương là nên làm nhưng cần thực hiện nghiêm, đúng mục đích để làm sao các dự án được phát triển đúng mục tiêu, đúng đối tượng, đúng năng lực của nhà đầu tư và tạo ra hiệu quả tốt nhất cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw: Làm rõ khái niệm thất thoát Vấn đề ranh giới giữa chưa gây thất thoát tài sản nhà nước và đã gây thất thoát tài sản nhà nước cũng cần phải làm rõ. Bởi các tài sản công để thanh toán thường là đất, mà đất thì vẫn còn đó và hoàn toàn có thể thu hồi. Đây là một vấn đề tương đối khó, khái niệm chưa gây thất thoát và gây thất thoát cần phải được định nghĩa rõ trong dự thảo Nghị định. Ngoài chế tài thu hồi dự án, Ban soạn thảo nên mở một hướng nữa là với những dự án sai phạm nhỏ, cần tiến hành điều chỉnh hợp đồng theo hướng chủ đầu tư sẽ nhận được phần đất ít hơn so với hơp đồng đã ký. |
Nguồn: http://enternews.vn/se-ra-soat-lai-nhieu-du-an-bt-145805.html