Ngày 20/5/2010, chúng tôi đại diện cho một khách hàng Việt Nam nộp Đơn đăng ký nhãn hiệu “KỸ THUẬT CỦA NGƯỜI AN NAM, TECHNIQUE DU PEUPLE ANNAMITE TECHNIQUE Ò ANNAMESE PEOPLE” cho sản phẩm tạp chí.
Tuy nhiên, sau thời hạn thẩm định đơn, Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) đã có Thông báo dự định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (GCNĐKNH) trên cơ sở “Nhãn hiệu nêu trên không có khả năng phân biệt vì là dấu hiệu chỉ địa điểm, thời gian, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị, hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ,….” (trích Điều 74.2a Luật Sở hữu trí tuệ 2005)
Sau khi nhận được Thông báo nêu trên của Cục SHTT, chúng tôi cho rằng việc dự định từ chối đó là không có căn cứ, bởi nhãn hiệu nêu trên hoàn toàn không mang tính mô tả cho các sản phẩm là tạp chí. Nhãn hiệu trên sẽ được xem là mang tính mô tả nếu nhãn hiệu đó được đăng ký cho các sản phẩm hoặc dịch vụ liên quan đến máy móc, công nghệ, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc sản phẩm làm từ các nghề thủ công, nghề nông...
Đối với sản phẩm tạp chí được đăng ký cho nhãn hiệu nêu trên là những quyển tạp chí, ấn phẩm cung cấp các thông tin cho người đọc. Do vậy, khi nhìn vào nhãn hiệu nêu trên, người tiêu dùng sẽ không thể nào nhận biết được đó là dấu hiệu mô tả cho sản phẩm tạp chí.
Ngoài ra, cụm từ “An Nam” trong thành phần của nhãn hiệu là tên nước Việt Nam từ thời Bắc thuộc, hiện nay không còn địa danh hay quốc gia nào có tên là An Nam, do đó cụm từ này không mang tính mô tả, thể hiện về địa điểm sản xuất.
Từ những lập luận trên của chúng tôi, Cục SHTT sau đó đã chấp thuận bảo hộ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Đơn đăng ký nêu trên.
Đây là một trong những vụ việc điển hình mà chúng tôi đã giúp khách hàng tháo gỡ, vượt qua được dự định từ chối của Cục SHTT và cuối cùng đã nhận được sự bảo hộ cho nhãn hiệu nêu trên.