Trên báo An Ninh Thủ Đô, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa (Đoàn Luật sư Hà Nội,giám đốc công ty Luật TNHH SBLAW) đã nêu nên những quy đinh định về chế tài đối với hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả của đại gia Trịnh Sướng. Cùng với đó là những quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Sản xuất, buôn bán xăng giả có thể phải ngồi tù tới 15 năm
Đến thời điểm hiện tại, lực lượng công an đã tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại, trong đó gần 2,2 triệu lít đã trộn thành xăng giả, hơn 420.000 lít dung môi chứa chất pha…. Hiện đã có 23 bị can bị khởi tố để điều tra về hành vi sản xuất và buôn bán xăng giả. Vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, các đối tượng đã có hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả bằng thủ đoạn lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu, thực hiện hành vi pha trộn dung môi vào xăng kém chất lượng bán trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố với số lượng rất lớn và diễn ra trong thời gian dài, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Vụ việc trên đã gây chấn động dư luận. Hành vi pha trộn phụ gia, tạp chất vào xăng, dầu không chỉ gây tổn hại tới môi trường, làm giảm tuổi thọ phương tiện, tài sản của người tiêu dùng mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn cháy nổ cho người sử dụng.
Một trong những điểm kinh doanh xăng dầu của Petrol Mỹ Hưng
Về chế tài xử lý đối với đối tượng có hành vi sản xuất, kinh doanh xăng giả, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội, Điều 20 Nghị định 80/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi bán hàng hóa nhưng không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định.
Phạt tiền từ 3-5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với một trong các hành vi: Bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng…
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể xử lý hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 BLHS 2015. Cụ thể, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 1 điều này thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm…
Người phạm tội bị phạt tù từ 5 -10 năm nếu thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng giả trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Hàng giả có giá thành sản xuất 100 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên… thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt tiền từ 1-9 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Người mua phải xăng giả có quyền khởi kiện
Điều 8 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010 nêu rõ, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp và có quyền yêu cầu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả; trường hợp có phát sinh tranh chấp thì có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.
Như vậy, khi mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng người tiêu dùng nên giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng cứ liên quan để có thể liên hệ người đã bán hàng cho mình yêu cầu đổi hàng hoặc hoàn trả tiền hoặc bồi thường, đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý thị trường hoặc cơ quan công an nơi gần nhất – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa nhận định.
Khi mua phải xăng dầu giả, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và độ bền của phương tiện, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện chủ cây xăng tới TAND nơi đặt cây xăng để đòi bồi thường thiệt hại.
Tuy vậy, bên mua xăng phải cung cấp cho tòa án các chứng cứ chứng minh xăng giả là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hư hại xe như xuất trình hóa đơn đã mua xăng nhiều lần tại cây xăng đó, đưa xe đi giám định nguyên nhân hư hại để cung cấp cho tòa án. Tòa án sẽ căn cứ vào chứng cứ và giá trị thiệt hại thực tế về tài sản của người tiêu dùng để buộc chủ cây xăng phải bồi thường.
Nguồn: https://anninhthudo.vn/doi-song/sau-vu-dai-gia-trinh-suong-lam-xang-gia-nguoi-tieu-dung-co-quyen-kien-doi-boi-thuong/813699.antd