Sau vụ cháy nhà khiến 4 người chết: Ai phải chịu trách nhiệm?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH SB Law đã có bài trả lời phỏng vấn liên quan đến vụ hỏa hoạn xảy ra tại Hà Nội. SB Law trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn bài phỏng vấn.

ANTD.VN – Như Báo ANTĐ đã đưa tin, rạng sáng 4-4, hỏa hoạn đã bất ngờ xảy ra tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội, khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng. Sau sự việc đau lòng này, điều được nhiều người quan tâm là trách nhiệm của cá nhân liên quan sẽ được xác định ra sao?

Vụ hoả hoạn bùng lên dữ dội khiến hai ngôi nhà bên cạnh cũng bị cháy lan. Được biết trong quá trình tìm kiếm nạn nhân trong vụ hỏa hoạn trên phố Tôn Đức Thắng, theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu gây cháy là do chập điện.

4 người trong gia đình không thể thoát thân là do tầng tum bị quây kín, có mái lợp tôn hàn sắt, nhà có lối ra vào duy nhất là cửa chính.

Đáng buồn, sự việc trên không phải hiếm gặp. Cách đây ít ngày, tại phường Cát Lái, Thành phố Thủ Đức đã xảy ra vụ cháy nhà khiến 6 người trong một gia đình phải bỏ mạng.

Căn nhà nơi xảy ra vụ cháy là bốn bức tường xi măng vây lại, mái nhà được lợp tôn kẽm bít bùng, không gian mở của căn nhà quá ít khiến các nạn nhân chết có thể do ngạt khói.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, vụ việc đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người và của. Việc các nạn nhân bị tử vong trong đó có một bà mẹ đang mang thai khiến nhiều người xót xa.

Trong những ngày tới, lực lượng chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm pháp lý của những người liên quan vụ việc.

Cũng theo Luật sư Thu, nơi xảy ra hỏa hoạn là nhà ở kết hợp kinh doanh dạng nhà ống, tích trữ nhiều hàng hóa và chỉ có một lối thoát nạn. Trước đây, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh không thuộc diện quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, kể từ 10/1, khi Nghị định 136 của Chính phủ có hiệu lực thì trách nhiệm quản lý và giám sát các cơ sở này thuộc về UBND cấp phường, xã.

Do tầng tum của ngôi ngà bị quây kín, nếu có đủ căn cứ xác định ngôi nhà được xây dựng, cải tạo, sửa chữa trái phép thì người xây dựng, cải tạo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng – Luật sư Thu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa tầng tum có được chính quyền địa phương phê duyệt không. Nếu xác định có cán bộ cấp sai phép cho việc xây dựng, cơi nới, sửa chữa, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý.

Mặt khác, cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ hỏa hoạn. Nếu nguyên nhân xuất phát từ việc cá nhân hút thuốc, sử dụng bếp hay thiết bị điện không đảm bảo an toàn, người đó sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người. Song do cả 4 người trong gia đình đã thiệt mạng nên điều này không được đặt ra.

“Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, mỗi gia đình cần thường xuyên kiểm tra đường điện, các thiết bị điện trong gia đình, hạn chế việc xếp hàng hóa dễ cháy tại những nơi gần nguồn điện, đồng thời quan tâm bố trí lối thoát hiểm phòng khi xảy ra hỏa hoạn” – Luật sư Nguyễn Thị Thu khuyến cáo.

Độc giả có thể xem thêm bài viết tại: https://anninhthudo.vn/sau-vu-chay-nha-khien-4-nguoi-chet-ai-phai-chiu-trach-nhiem-post462648.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan