Sau những cơn bão "họ", hàng trăm gia đình tán gia bại sản

Nội dung bài viết

Trong bài "Sau những cơn bão "họ", hàng trăm gia đình tán gia bại sản" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

ANTD.VN - Mặc dù đã có rất nhiều bài học từ các vụ vỡ nợ do chơi “họ”, đi “phường”, nhưng dường như hình thức huy động vốn theo kiểu “hợp tác xã” ở các vùng quê ngoại thành Hà Nội chưa bao giờ dừng lại.

Không giấy tờ, cũng chẳng có cam kết, những người nông dân chân chất dốc hết vốn liếng ki cóp một đời giao cho kẻ khác, ngõ hầu mong đến kỳ hạn có một khoản tiền lo việc lớn trong gia đình. Chỉ tới khi đường dây bị vỡ, con nợ bặt tăm thì tất cả đã thành quá muộn.

Đòn trả thù tuyệt vọng

Có thể nói năm 2011 là thời điểm những cơn bão vỡ nợ vì huy động vốn đã càn quét khốc liệt khắp Hà Nội. Trong hàng loạt những vụ việc đình đám năm ấy, cần nhắc đến câu chuyện vỡ nợ của vợ chồng bà Nguyễn Thị D, trú tại phường Quang Trung, quận Hà Đông.

Sở dĩ vụ việc này đứng hàng “top” vì nó quá dai dẳng, quá ồn ào khi diễn ra suốt 1 tháng trời khiến báo chí lúc đó tốn khá nhiều giấy mực. Tình hình căng đến mức, chính quyền địa phương phải huy động cả lực lượng dân phòng túc trực 24/24 tại cửa căn nhà này để đảm bảo an toàn cho chính gia đình bà D trước cơn lôi đình của hàng trăm chủ nợ chân chất - những người đã phải cầm cố cả “sổ đỏ” để lấy tiền giao cho bà ta.

Chúng tôi vẫn còn nhớ quang cảnh trước nhà bà D lúc đó luôn có không dưới 20 chủ nợ thường xuyên “canh gác”. Bà D đóng cửa ở trong nhà không tiếp bất kỳ ai. Và để cho con nợ hết đường bỏ trốn, những chủ nợ nảy ra “sáng kiến” đổ bê tông vào cửa khiến không ai có thể mở ra được.

Mặt tiền ngôi nhà 7 tầng của bà D trước đây vốn khá khang trang, nhưng lúc ấy chẳng khác nào một bức tranh biếm họa. Ngoài đòn “trả thù miệng” bằng cách suốt ngày đứng bên ngoài chửi rủa, thì sự uất hận của những người bỗng dưng tay trắng còn được trút cả vào bức tường vô tri vô giác.

Cửa kính bị ném vỡ, cửa chính bằng sắt cũng cong vệnh vì gạch đá ném vào. Sơn màu xanh, đỏ xịt tứ tung lên tường. Phân gio, rác rưởi, mắm tôm, nhớt thải.. đều được các chủ nợ dùng để gây áp lực với suy nghĩ vợ chồng bà D sẽ không chịu nổi mà phải “ngoi” ra tiếp khách.

Kinh hãi nhất là ai đó còn vẩy cả máu chó, đặt vòng hoa, bát hương nghi ngút khói trước cửa ngôi nhà khiến ai nhìn vào cũng rùng mình, khiếp sợ. Đối diện bên đường là hàng chục chủ nợ ngồi như tượng với nét mặt giận giữ đến lạnh lùng suốt ngày này qua ngày khác.

Những câu chuyện không cũ

Trong số những “đại gia” vỡ nợ cùng năm 2011 cần nhắc đến vụ Nguyễn Thị C ở Phú Xuyên (Hà Nội). Lúc còn ở trên “đỉnh cao” thì “đại gia” này đã nổi danh là ăn chơi. Cách huy động tiền của bà C lúc ấy cũng chẳng giống ai. Những người ít tiền dù có năn nỉ gẫy lưỡi C cũng chẳng thèm vay mà chỉ huy động với những “đầu nậu” có tiếng là cho vay lớn.

Hàng chục “đầu nậu” đã đứng ra gom tiền rồi cho C, khi C vỡ nợ thì người gom tiền cũng vỡ theo, kế đến là hàng trăm cá nhân ăn theo khác. Khi chúng tôi tìm về xã Văn Nhân và thị trấn Phú Minh, nơi C cư ngụ, mọi người ở đây bảo, dân buôn bán ở thị trấn hầu hết “dính đòn” của bà ta. Tìm đến thôn Văn Minh, xã Văn Nhân, chúng tôi được chị V, một chủ nợ cho bà C vay 3 tỷ tiếp chuyện.

Chị V bảo, vợ chồng chị vốn làm nghề vận tải, cũng có chút tiền và đang xây dở ngôi nhà 3 tầng. Tháng 6-2011, vợ chồng chị được anh M trong xóm đến rỉ tai: “Cho vay tiền sẽ trả lãi suất cao”. Thấy lãi suất lớn, vợ chồng chị V đã huy động anh em họ hàng cho M vay với số tiền 3 tỷ đồng.

Khi biết C vỡ nợ, chị V tìm anh M thì anh ta cũng bặt tăm. Đến khi biết chắc anh M cũng vỡ nợ bởi gom tiền cho bà C thì chị như chết đứng. Với kiểu huy động vốn theo hình thức “đa cấp” nên một người vỡ nợ đã kéo theo hàng trăm người khuynh gia bại sản.

Vụ vỡ nợ ở Phú Xuyên vừa dứt thì tiếp tục đến vụ vỡ nợ của vợ chồng ‘đại gia Nguyễn Văn T và Nguyễn Thị H ở xã Văn Khê, huyện Mê Linh. Sau Tết Nguyên đán 2011, cư dân nơi đây đã “sốt sình sịch” vì cặp vợ chồng này đã… bỗng dưng “mất tích” cùng số nợ bà con nông dân lễn tới hàng chục tỷ.

Ông Nguyễn Văn Như - Phó chủ tịch UBND xã Văn Khê khi đó cho biết, không chỉ có vợ chồng T-H mà trên địa bàn xã lúc ấy còn có từ 5-7 “đại gia” khác có hình thức “huy động vốn” trong bà con nhân dân cũng đang trong tình trạng cầm đèn đỏ về khả năng thanh toán.

Và để đòi được tiền, có người còn phản ứng bằng cách đổ cả xe gạch vỡ vào trước cửa nhà “đại gia” để gây áp lực. Thậm chí, khi các “đại gia” không có tiền, nhiều chủ nợ đã đành chấp nhận kiểu thanh toán bằng cách định giá đồ đạc, tài sản của “đại gia” với giá trên trời nhằm vớt vát số tiền đã cho vay theo cách nghĩ “méo mó có hơn không”.

Khó thu hồi tài sản

Phân tích về khả năng thu hồi tài sản của những vụ vỡ nợ do huy động vốn bằng hình thức vay nợ cá nhân hoặc chơi “họ”, “phường”, “hụi”... Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng: Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27-11-2006 về họ, hụi, biêu đã có các điều khoản quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia”.

Người tham gia, dù ở hình thức nào nếu đảm bảo các nghĩa vụ của mình cũng đều được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp. Cũng theo Nghị định này, trong trường hợp có tranh chấp phát sinh thì được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia; tranh chấp được giải quyết tại Toà án theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự.

Với những quy định nêu trên, có thể thấy Việt Nam đã có hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động chơi “họ”. Nếu có hành vi lừa đảo xảy ra, thì các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, đại đa số người dân khi tham gia chơi “họ”, “phường”... lại thường tin tưởng lẫn nhau và các biên bản, cam kết khi giao nhận tiền là rất sơ sài. Thậm chí, việc giao dịch chủ yếu bằng miệng. Vì thế rất khó có cơ sở để giải quyết. Mặt khác, các chủ đường dây chơi “họ” cũng đã tiêu tán số tiền mà người chơi gửi gắm cho mình vào các mục đích khác nhau nên việc thu hồi được tài sản là rất thấp.

Nguồn: http://anninhthudo.vn/doi-song/sau-nhung-con-bao-ho-hang-tram-gia-dinh-tan-gia-bai-san/751279.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan