Trong bài "Sập bẫy" khi đi làm đẹp cuối năm, đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Từ khách hàng trở thành con nợ
Gọi điện đến đường dây nóng Báo ANTĐ, chị Nguyễn Thị Yến ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội phản ánh, cách đây mấy tháng, một người phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên của một spa nằm trên phố Nguyễn Đình Thi, quận Tây Hồ, Hà Nội gọi điện cho chị mời tham gia chương trình “trải nghiệm lần đầu”, miễn phí soi da trị giá 1,5 triệu đồng.
Nghe bùi tai, chị Yến đã đến spa soi da và được nhân viên tại đây tư vấn, “do da quá xấu, lỗ chân lông to nên để cải thiện làn da, chị cần dùng 1 bộ sản phẩm chăm sóc da trị giá trên 70 triệu đồng nhưng đang được giảm giá hơn 50%, chỉ còn 35 triệu đồng”.
Bộ chăm sóc da này được giới thiệu gồm 10 sản phẩm chăm sóc da mặt toàn diện như kem dưỡng da, nước hoa hồng, kem dưỡng ban đêm, mặt nạ… có nguồn gốc từ Trung Đông. Để đạt được hiệu quả, chị Yến phải dùng hàng ngày tại nhà và mỗi tháng đến spa trị liệu 1 lần với thời gian từ 30-40 phút. Spa này còn cam kết như đinh đóng cột, nếu da không đẹp lên, không được cải thiện rõ rệt thì sẽ hoàn lại tiền cho chị Yến.
Thấy chương trình khuyến mại khá hấp dẫn, lại mong muốn có làn da đẹp để đón Tết, chị Yến đã đồng ý mua bộ sản phẩm chăm sóc da. Nhưng do không đủ tiền trả 1 lần nên chị Yến đã ký với spa giấy trả góp trong thời gian 18 tháng, mỗi tháng thanh toán 2 triệu đồng.
Cũng theo chị Yến, điều đáng nói là, mặc dù bộ mỹ phẩm có giá trên 70 triệu đồng nhưng những dòng chữ ghi trên đó là tiếng nước ngoài, không có tiếng Việt, không hướng dẫn sử dụng. Trong quá trình tư vấn, khi khách hàng hỏi, nhân viên liền viết tay cho khách hàng hướng dẫn sử dụng trên tờ giấy khổ A4 khá lem nhem.
Sau khi sử dụng sản phẩm được 5 tháng với số tiền đã thanh toán là 10 triệu đồng, chị Yến thấy da mặt không những không được cải thiện mà mọc mụn khá nhiều, một số chỗ bị sưng tấy, mẩn đỏ kèm theo bong tróc nên chị đã ngừng dùng sản phẩm, đến spa đề nghị chấm dứt hợp đồng, trả lại hàng. Song đại diện spa này kiên quyết không cho chị Yến thanh lý hợp đồng, bắt chị mang sản phẩm về tiếp tục dùng đến hiết liệu trình và thanh toán đủ tiền.
“Đến nước này thì tôi thất vọng thực sự. Hàng đã mua rồi đành vứt bỏ, số tiền còn nợ thì không biết xoay đâu để trả, đúng là vừa mất tiền vừa rước bệnh vào người” – chị Yến thở dài.
Bùng nổ spa, tràn lan vi phạm
Không chỉ chị Yến mà thời gian qua, nhiều khách hàng khác đi làm đẹp cuối năm cũng bị vớ phải quả đắng. Khi phát hiện bị lừa, họ tìm đến spa trả lại sản phẩm thì bị làm khó đủ cách. Thậm chí có khách hàng chưa sử dụng mỹ phẩm vẫn bị phạt từ 5-10% giá trị sản phẩm.
Ngoài chiêu giảm giá, tặng voucher làm đẹp có spa còn tung ra “chiêu” nhắn tin trúng thưởng “làm đẹp miễn phí” để thu hút khách. Sau khi khách hàng “cắn câu”, nhân viên của các spa này lập tức gọi điện hoặc đến tận nhà tư vấn cho khách hàng mua trả góp mỹ phẩm với số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Từ “trúng thưởng” làm đẹp miễn phí, chỉ sau một thời gian ngắn, không ít khách hàng đã tự đẩy mình vào vị trí “con nợ”. Bên cạnh đó, một số spa sau khi đã bán ra hàng loạt phiếu giảm giá chăm sóc do, massage cho khách…thì bỗng dưng một ngày đẹp trời đột ngột đóng cửa và lặn mất tăm khiến khách hàng đã ôm một loạt phiếu này chưa kịp sử dụng đã thành mớ giấy lộn.
Có thể nói, một trong những phương thức tiếp cận khách hàng phổ biến nhất của các spa là…bám dai như đỉa. Sau khi đã có trong tay số điện thoại của khách hàng, những spa này cho nhân viên tiếp cận, gọi điện mời chào, quấy nhiễu khách bất kể giờ giấc nào.
Về các quy định liên quan đến hoạt động của các spa, cơ sở làm đẹp, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, kinh doanh thẩm mỹ viện, spa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và bắt buộc phải có giấy phép hành nghề, phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật khám bệnh, chữa bệnh…và các thông tư, nghị đinh liên quan.
Mặc dù hệ thống pháp luật hiện hành đã quy định tương đối đầy đủ về quản lý loại hình dịch vụ này, song do điều kiện cấp phép hoạt động còn thiếu chặt chẽ, chế tài xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm còn nhẹ so với lợi nhuận khủng của dịch vụ này mang lại nên tình trạng “bùng nổ spa, tràn lan vi phạm” vẫn diễn ra.
“Để tránh “tiền mất, tật mang”, bên cạnh việc tăng cường quản lý của các cơ quan chức năng, mỗi cá nhân khi đi làm đẹp cần lưu ý lựa chọn những cơ sở có uy tín, chất lượng, đã được cấp phép. Trước khi ký hợp đồng sử dụng dịch vụ hoặc mua sản phẩm từ các cơ sở này phải đọc kỹ các điều khoản, nếu phát hiện thấy dấu hiệu lừa đảo cần nhanh chóng trình báo với cơ quan công an để được giải quyết kịp thời” - Luật sư Nguyễn thị Thu khuyến cáo.
Nguồn:http://anninhthudo.vn/doi-song/sap-bay-khi-di-lam-dep-cuoi-nam/754369.antd