Sao y giấy tờ bị công an giữ, ta phải làm gì?

Nội dung bài viết

Câu chuyện một công dân đi sao y bằng tốt nghiệp bị nghi vấn và bị giữ lại công an phường nhiều tiếng đồng hồ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Luật sư Nguyễn Thanh Hà nói gì về điều này.

Mời quý vị đón đọc:

 

Sao y giấy tờ bị công an giữ, ta phải làm gì?

Bà Hà Thị Vân (bìa trái) - chủ tịch UBND P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - cùng đại diện Công an P.19, Q.Bình Thạnh nói lời xin lỗi người dân - Ảnh: Hữu Khoa

Nhiều người đặt câu hỏi việc giữ người có đúng hay không? Nếu chứng thực bằng tốt nghiệp là thật thì UBND phường và công an phường nơi tạm giữ công dân sẽ chịu trách nhiệm bồi thường ra sao?

Và quan trọng hơn cả là trong những trường hợp tương tự, người dân có thể làm gì để tự bảo vệ mình?

Nhiều câu hỏi về việc tạm giữ

Nhiều bạn đọc cùng có chung nhận định nếu cứ thấy nghi vấn là giữ người thì còn ai dám đi công chứng nữa.

Cho rằng đây là cách làm rất thiếu khoa học, bạn đọc Nguyễn Văn Phòng nêu quan điểm ngoài việc xin lỗi, đơn vị làm sai còn phải bồi thường thiệt hại nhân phẩm, danh dự cho công dân.

Đồng tình, độc giả C.T.H. cho rằng phải đặt mình vào vị trí người dân để hiểu cảm giác của họ khi phải bỏ cả ngày đi chứng thực giấy tờ mà còn chuốc phiền toái vào người.

Có ý kiến đặt câu hỏi có hay không sự lạm quyền ở đây vì người dân chỉ đi sao y bằng tốt nghiệp, sao lại bị tạm giữ như vậy.

“Tạm giữ giấy tờ hay tạm giữ người?”, bạn đọc Lam Ba hỏi.

Đồng tình, độc giả Vũ Thường nêu quyền thân thể bất khả xâm phạm là quyền cao nhất của công dân, sao có thể tùy tiện bắt bớ, giữ người như thế?

Ý kiến khác nhận được nhiều sự đồng thuận là sao phải phức tạp đến như vậy khi ở thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, chỉ cần vài phút là có thể kiểm tra được thông tin nếu có sự kết hợp của các đơn vị liên quan.

Mong mỏi khác của nhiều bạn đọc là nghiệp vụ cũng như hiểu biết, vận dụng kiến thức pháp luật của nhiều cán bộ công chức sẽ được nâng cao và kiểm tra thường xuyên để tạo thuận lợi cho công dân khi đến làm thủ tục hành chính.

“Nên tổ chức thi kiểm tra kiến thức pháp luật, luật định cho cán bộ, công an định kỳ và phổ biến rộng rãi cho người dân để người dân có thể phản kháng trường hợp vô lý”, một bạn đọc chia sẻ suy nghĩ của mình.

Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm là trong những trường hợp tương tự, công dân có quyền gì và có thể làm gì để tự bảo vệ mình?

“Qua chuyện này lại càng thấy quyền được im lặng quan trọng như thế nào. Nó giúp bảo vệ những người chủ của đất nước trước những công bộc của mình. Những người dân bình thường không rành về luật nên họ rất cần luật sư để bảo vệ mình trước công lý”, bạn đọc Kỳ Quang nói.

Cần phân biệt tạm giữ hành chính và tạm giữ hình sự

Tiến sĩ (TS), luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng cần phải có sự phân biệt rõ về tạm giữ hành chính và tạm giữ hình sự.

Trong trường hợp tạm giữ theo thủ tục hành chính, căn cứ điều 11 nghị định 112/2013/NĐ-CP quy định về biện pháp tạm giữ người vi phạm theo thủ tục hành chính không có quy định về trường hợp sao y giấy tờ giả bị tạm giữ hành chính.

Theo TS Nguyễn Hữu Thế Trạch, chỉ có ba trường hợp có thể bị tạm giữ hành chính, đó là gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác và người có hành vi vi phạm quy định theo Luật phòng chống bạo lực gia đình.

Mặt khác, trường hợp tạm giữ theo thủ tục hình sự phải thỏa mãn điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng việc tạm giữ phải có quyết định của người có thẩm quyền và phải công bố cho người bị tạm giữ biết.

Nêu quan điểm của mình, LS Lê Cao cho rằng theo pháp luật hiện hành, khi thực hiện việc chứng thực giấy tờ mà thấy có dấu hiệu nghi là giả mạo chẳng hạn thì cơ quan chứng thực chỉ có thể lập biên bản để giữ giấy tờ đó để xác minh chứ luật không cho phép tạm giữ người.

“Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tại điều 20 quy định rõ mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, không bị bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Trong trường hợp này, rõ ràng không có dấu hiệu gì đảm bảo điều kiện để có thể giữ người theo thủ tục hành chính”, LS Lê Cao phân tích.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, LS Hà Hải cho rằng khi chưa có đủ bằng chứng chứng minh chị V. vi phạm pháp luật thì lẽ ra Công an P.19, Q.Bình Thạnh không nên vội vàng câu lưu rất lâu khiến chị rất mệt mỏi, nhiều phiền muộn và tâm trạng bị ức chế.

“Do đó, trong tình huống này, chị V. bên cạnh việc hợp tác tích cực với cơ quan công an để có thể nhanh chóng tìm ra sự thật của vụ việc, nghiêm chỉnh chấp hành mọi yêu cầu do phía công an đưa ra thì có quyền yêu cầu luật sư để đảm bảo quyền lợi của mình”, LS Hà Hải nói.

Nên trang bị kiến thức cơ bản về quyền của mình

Lời khuyên của các chuyên gia là người dân nên trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật để ứng dụng, hành xử trong những trường hợp cần thiết.

Căn cứ điều 18 nghị định 112/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất, người dân trong trường hợp này có những quyền sau:

- Được thông báo về việc bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính

- Yêu cầu người ra quyết định tạm giữ thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc, học tập biết việc mình bị tạm giữ

- Được biết lý do tạm giữ, thời hạn tạm giữ và địa điểm bị tạm giữ; khiếu nại về việc tạm giữ

- Được bảo đảm tiêu chuẩn ăn uống

- Được điều trị, chăm sóc y tế khi bị bệnh.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

“Người dân cần nắm rõ là mọi người có quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, chỉ có thể bị tạm giữ hành chính trong những trường hợp mà chúng tôi đã nêu trên và khi tạm giữ thì phải đưa ra quyết định tạm giữ người bằng văn bản”, LS Lê Cao nhấn mạnh.

Do vậy, theo các chuyên gia, trong các trường hợp bị bắt giữ thì người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu người thẩm quyền cung cấp các cơ sở pháp lý, quyết định liên quan đến hành vi của người thi hành công vụ.

Trong trường hợp người có thẩm quyền không cung cấp, không đưa ra quyết định rõ ràng thì người dân phải ghi rõ trong các biên bản làm việc hoặc thực hiện các biện pháp khác để ghi lại nội dung này.

“Điều quan trọng là phải thật sự bình tĩnh, tránh mất bình tĩnh dẫn đến trình bày không rõ ràng, không yêu cầu giải thích về nội dung vụ việc dẫn đến nhiều kết quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến lợi ích của mình”, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch đưa ra lời khuyên.

Bên cạnh đó, theo LS Lê Cao, nếu không có các quyết định nêu trên thì người dân có quyền yêu cầu gặp lãnh đạo để khiếu nại ngay hành vi bắt giữ người trái luật; yêu cầu được liên hệ với người thân, yêu cầu được mời luật sư hỗ trợ pháp lý ngay lập tức để đảm bảo các quyền công dân của mình.

“Vì vậy, khi gặp trường hợp tương tự, người dân cần nắm được các quy định nêu trên, giải thích rõ cho những người thi hành pháp luật về quyền của mình, cương quyết yêu cầu các cơ quan chức năng phải bảo đảm quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, người dân cũng cần kiềm chế, không nổi nóng dẫn đến có các lời nói xúc phạm hoặc có hành động chống người thi hành công vụ", LS Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch Công ty luật Sblaw, nói thêm.

Về phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng cần phải nắm rõ về các quy định, trình tự thủ tục liên quan và cũng cần phải có sự xác minh rõ ràng về từng hành vi để bảo đảm pháp luật được thực thi theo đúng quy định.

Đặc biệt là không ảnh hưởng đến đời sống, niềm tin của nhân dân vào pháp luật và không dẫn đến việc bồi thường của cơ quan nhà nước khi nguồn tiền để bồi thường này được trích từ ngân sách nhà nước.

Bồi thường ra sao?

Căn cứ điều 44 nghị định 23/2015/NĐ-CP, người thực hiện chứng thực gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức do lỗi của mình thì sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường theo quy định của pháp luật

Việc bồi thường sẽ được giải quyết theo các quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Khi tiến hành yêu cầu bồi thường, người yêu cầu cần phải lưu ý:

- Phải có văn bản của cơ quan nhà nước về việc xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật

- Phải có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại

Ngoài ra, công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xin lỗi công khai về hành vi trái pháp luật của mình.

TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch

Tôi cho rằng người dân nên tự trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết, không chỉ riêng đối với các quy định về hành chính mà còn trong các lĩnh vực khác mới có thể chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đồng thời, khi phát hiện bị bắt giữ trái pháp luật, công dân có quyền tố cáo chủ thể thực hiện hành vi bắt giữ trái pháp luật theo quy định tại điều 15 Luật xử lý vi phạm hành chính.

LS Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

Mời bạn đọc nghe phát biểu của Luật sư Nguyễn Thanh Hà trong bài:

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan