Sau giai đoạn khủng hoảng thị trường TPDN, sàn giao dịch TPDN riêng lẻ được thành lập vào tháng 7 vừa qua kỳ vọng sẽ góp phần “phá băng” cho thị trường này.
Kỳ vọng "phá băng" cho thị trường trái phiếu
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP, sau khi hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ đi vào hoạt động, tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ phải được đưa vào giao dịch tập trung trên hệ thống giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX trong vòng 3 tháng kể từ khi hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch TPDN riêng lẻ chính thức vận hành. Tuy vậy, hiện tại, số lượng trái phiếu "có mặt" trên sàn vẫn tương đối khiêm tốn.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLAW cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch trái phiếu là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao minh bạch, thanh khoản và hiệu quả của thị trường TPDN riêng lẻ. Đồng thời, tạo ra một sân chơi riêng cho các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có thêm thông tin và cơ hội giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Theo ông Hà, một số ưu điểm của trái phiếu riêng lẻ như rủi ro thấp hơn so với đầu tư vào chứng khoán, vì người mua trái phiếu có quyền nhận lại số tiền gốc và lãi suất cố định khi trái phiếu đáo hạn, trong khi cổ phiếu có thể biến động giá trị theo tình hình kinh doanh của công ty phát hành.
Tiếp đến, ưu điểm nữa là tính linh hoạt. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thường có giá trị phát hành nhỏ với số lượng người mua ít, nên có thể thương lượng được các điều khoản phù hợp với nhu cầu và khả năng của cả hai bên, như lãi suất, kỳ hạn, điều kiện mua lại, bảo đảm, chuyển đổi…
“Những ưu điểm đó của thị trường TPDN không chỉ giúp doanh nghiệp trong việc huy động vốn mà còn là chất xúc tác tốt cho thị trường cổ phiếu”, ông Hà nêu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn FiinGroup cho rằng, việc đưa vào vận hành kênh kê khai và giao dịch tập trung là một bước tiến của thị trường TPDN.
Theo đó, việc kê khai thông tin về tổ chức phát hành và về lô trái phiếu đó sẽ góp phần cải thiện minh bạch thông tin cho thị trường. Đồng thời, làm cơ sở cho nhà đầu tư trong việc ra quyết định và chịu trách nhiệm về khoản đầu tư theo quy định hiện nay; giải quyết vấn đề thanh khoản khi cần thiết; tạo thuận lợi hơn trong việc quản lý cũng như xử lý tranh chấp.
Việc kê khai và giao dịch tập trung này sẽ góp phần tạo đường cong lãi suất cho từng trái phiếu (tùy theo mức xếp hạng tín nhiệm hay đánh giá chất lượng trái phiếu của thị trường và tùy theo kỳ hạn của trái phiếu).
“Việc giao dịch và hình thành đường cong lãi suất trái phiếu sẽ giải quyết vấn đề định giá trái phiếu theo thông lệ quốc tế khi đầu tư vào các công cụ nợ”, ông Thuân nói.
Mặc dù vậy, ông Thuân cũng cho rằng khi hơn 1.300 lô TPDN riêng lẻ được đưa vào giao dịch, cũng không thể kỳ vọng hệ thống này có thanh khoản cao.
“Giá trị giao dịch trên sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ có thể cao, nhưng chúng tôi đánh giá số lượng giao dịch sẽ thấp và không thể sôi động như thị trường cổ phiếu bởi bản chất của kênh đầu tư trái phiếu là đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư tổ chức chủ yếu mua nắm giữ đến ngày đáo hạn”, ông Thuân chia sẻ.
Ít mã trái phiếu được đưa lên sàn chứng khoán
Sau gần 2 tháng kể từ khi sàn giao dịch TPDN riêng lẻ vận hành, đến nay mới có khoảng 60 mã trái phiếu của các doanh nghiệp và ngân hàng được đưa lên sàn. Trong khi theo quy định khoảng 1.300 mã trái phiếu sẽ phải lên sàn trong 3 tháng tính từ khi sàn giao dịch TPDN riêng lẻ đi vào vận hành.
Các báo cáo cho thấy, về thanh khoản, đến hết phiên giao dịch ngày 08/09, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu toàn thị trường đạt hơn 49.8 triệu trái phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 12,835 tỉỷđồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt hơn 1 triệu trái phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 267 tỷ đồng/phiên.
Xét theo nhóm ngành, tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng giao dịch 71%, bất động sản là 3.6%, sản xuất chiếm 0.8% và xây dựng là 0.5%, còn lại lĩnh vực khác 24%.
Lý giải điều này, luật sư Nguyễn Thanh Hà nói rằng, phải cần thời gian để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để đưa TPDN lên sàn giao dịch tập trung.
Hiện tại, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng đang phối hợp các cơ quan tuyên truyền để sớm đưa khoảng 1.000 mã TPDN riêng lẻ của 500 doanh nghiệp phát hành với dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng lên giao dịch trên sàn. Sau khi các mã TPDN được đưa vào giao dịch tập trung, thanh khoản sẽ cải thiện, thị trường sẽ phục hồi dần và số lượng mã trái phiếu sẽ được đưa lên sàn nhiều hơn.
Ông Hà cho rằng, nguyên nhân, vướng mắc khiến các mã trái phiếu lên sàn khiêm tốn như vậy gồm thủ tục đăng ký, lưu ký và giao dịch trái phiếu riêng lẻ lại khá phức tạp và tốn thời gian. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải cung cấp nhiều thông tin và tài liệu liên quan đến trái phiếu, như báo cáo tài chính, báo cáo đánh giá tín nhiệm, báo cáo đánh giá tác động môi trường, xã hội và quản trị.
“Nhiều doanh nghiệp chưa có sẵn những thông tin này hoặc chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và yêu cầu của cơ quan quản lý”, ông Hà nêu.
Ông Hà cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng việc lên sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ làm giảm giá trị của trái phiếu, do sự biến động của thị trường và sự cạnh tranh của các trái phiếu khác. Hơn nữa, việc lên sàn cũng có thể làm lộ ra những thông tin nhạy cảm hoặc bất lợi của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của họ.
“Nhiều nhà đầu tư chưa quen với việc giao dịch trái phiếu riêng lẻ trên sàn, do thiếu thông tin và kiến thức về thị trường này. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng chưa có nhu cầu bán trái phiếu riêng lẻ, mà chỉ muốn giữ trái phiếu đến hạn để nhận lãi suất cao”, ông Hà nói.
Vị luật sư cũng cho biết, nguyên nhân còn xuất phát từ việc thị trường TPDN còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư do các sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý và việc một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Tháo gỡ rào cản khôi phục lại niềm tin
Theo quan điểm của ông Nguyễn Thanh Hà, sàn giao dịch TPDN riêng lẻ có thể thúc đẩy nhu cầu TPDN phục hồi, đặc biệt là từ các nhà đầu tư tổ chức với nguồn vốn dồi dào và nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, để khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân, vẫn cần thêm nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề về rủi ro, chất lượng và sức khỏe tài chính của các nhà phát hành trái phiếu.
Do đó, để thúc đẩy sự phát triển của sàn giao dịch TPDN nói riêng và thị trường TPDN nói chung, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát và kiểm tra của cơ quan chức năng đối với việc phát hành, lưu ký, giao dịch, thanh toán và báo cáo trái phiếu riêng lẻ, đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp và an toàn cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, có thể nới lỏng một số điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, như giá trị tối thiểu, kỳ hạn tối đa, số lượng người mua tối thiểu, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn.
“Khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ đảm bảo chất lượng tốt, có xếp hạng tín nhiệm, có báo cáo tài chính kiểm toán, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, xã hội và quản trị. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tổ chức, như các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm, các tổ chức tài chính, tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ, đa dạng hóa nguồn cầu và cung cấp thông tin, dữ liệu, định giá cho thị trường”, ông Hà nói.
Luật sư Hà cũng cho rằng, cần nâng cao nhận thức và kiến thức của các nhà đầu tư cá nhân về thị trường trái phiếu riêng lẻ, cung cấp các kênh thông tin, tư vấn, hỗ trợ, giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Từ đó các nhà đầu tư sẽ dần làm quen với loại hình này và dần dần sẽ thúc đẩy sàn TPDN phát triển mạnh mẽ hơn.
Ông Hà cũng đề cập, một giải pháp cũng khá quan trọng là cần học hỏi kinh nghiệm nước ngoài trong việc xây dựng và vận hành thị trường. Đặc biệt, cần có những điều chỉnh kịp thời và chính sách linh hoạt để thị trường được phát triển ổn định, đào tạo nhân lực, áp dụng công nghệ để vận hành thị trường; các cơ quan liên quan giám sát, kiểm toán trái phiếu riêng lẻ, để nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ.
Ông Nguyễn Quang Thuân đề xuất, nên mở rộng sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức vào thị trường, xem xét tháo gỡ hoặc áp dụng điều kiện đầu tư vào TPDN.
Theo đó, các tổ chức tín dụng vẫn là nhóm nhà đầu tư lớn, nên nên xem xét mở rộng điều kiện tham gia việc mua bán TPDN theo hướng kiểm soát tỷ lệ an toàn vốn ngoài việc áp dụng tiêu chí đơn lẻ là phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% như hiện nay.
Ngoài ra, việc tổ chức tín dụng tham gia đầu tư TPDN có thể áp dụng hệ số rủi ro được xác định theo chất lượng tín dụng với việc tham chiếu đến kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập thay vì áp dụng hệ số rủi ro như tín dụng thông thường hiện nay.
Với các công ty bảo hiểm, ông Thuân cho hay, ngành này đang quản lý số tiền đầu tư khoảng 30 tỉ USD. Tuy nhiên, phần lớn tài sản này hiện được phân bổ chủ yếu vào trái phiếu Chính phủ và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Chỉ một phần rất nhỏ (dưới 15%) trên tổng tài sản đầu tư của họ được phân bổ vào TPDN tại thời điểm 31/12/2022.
“Với quy định mới theo Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa đi vào hiệu lực đầu năm 2023 không cho phép đầu tư vào TPDN được phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ đã làm hạn chế sự tham gia của nhóm nhà đầu tư này vào kênh TPDN. Dĩ nhiên, kinh doanh bảo hiểm thì yếu tố đảm bảo an toàn được đặt lên hàng đầu và cơ quan quản lý có thể xem xét tiếp tục duy trì hoặc thay đổi chính sách phân bổ tài sản vào các TPDN có mức độ rủi ro cao”, ông Thuân nêu.
Với nhóm các quỹ đầu tư, ông Nguyễn Quang Thuân khuyến nghị, Chính phủ có thể cân nhắc có các giải pháp khuyến khích sự phát triển của quỹ đầu tư trái phiếu qua việc xem xét miễn thuế cho quỹ, bao gồm thuế cổ tức và thuế bán chứng chỉ quỹ. Thay vào đó, xem xét đánh thuế trên trái tức nhận được và khi bán trái phiếu cao hơn đối với nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Ngoài ra, ông Thuân cũng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cơ chế tái cấp vốn cho các quỹ nếu đạt một số tiêu chí nhất định trong điều kiện thanh khoản khó khăn như giai đoạn quý 4 năm ngoái, tương tự như tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại.