Rút vốn khỏi doanh nghiệp: làm sao để thuận cho đôi bên?

Nội dung bài viết

Xin kính chào quý vị, Sức ép về cạnh tranh, thanh lọc ngày càng gia tăng cộng thêm cú sốc về kinh tế do Covid-19 gây ra đã khiến cho nhiều doanh nghiệp “chao đảo”.  Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Vì vậy với nhiều cổ đông, để bảo tồn nguồn vốn của mình, họ chọn cách rút vốn khỏi doanh nghiệp đã đầu tư. Doanh nghiệp khó – nhà đầu tư lại muốn rút vốn? Mối quan hệ vốn cần “hữu hảo” này làm thế nào để cho trọn vẹn? Chương trình hôm nay sẽ giúp quý vị tìm hiểu rõ hơn vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law trả lời phỏng vấn

Câu 1: Như vậy với cả 3 loại hình doanh nghiệp góp vốn, thì khi muốn rút vốn phải được công ty mua lại hoặc tìm được người khác mua lại cổ phần của mình đúng không thưa luật sư?

Trả lời:

Các hình thức và điều kiện rút vốn đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Theo quy định tại Điều 50 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên của Công ty TNHH hai thành viên không được rút vốn dưới bất kì hình thức nào, trừ trường hợp yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp và chuyển nhượng vốn góp của mình cho người khác và một số trường hợp đặc biệt.

Các hình thức và điều kiện rút vốn đối với Công ty Cổ phần

Theo quy định tại Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020, các cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức. Các cổ đông chỉ có thể rút vốn đầu tư của mình trong công ty cổ phần bằng các hình thức sau:

Công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông (khoản 5 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020)

Cổ đông chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác (trừ trường hợp khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020)

Cổ đông yêu cầu công ty mua lại cổ phần (Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2020)

Các hình thức và điều kiện rút vốn đối với Công ty Hợp danh

Trong công ty hợp danh, bên cạnh các thành viên hợp danh thì có thể có thêm các thành viên góp vốn.

Căn cứ theo Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên hợp danh có quyền rút vốn ra khỏi công ty. Thành viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Trường hợp này, thành viên muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất là 06 tháng trước ngày rút vốn; chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 187 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên góp vốn có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác. Hiện nay, luật doanh nghiệp không giới hạn hoạt động chuyển nhượng này như đối với thành viên hợp danh. Thành viên góp vốn có thể chuyển nhượng cho bất kì người nào mà không cần sự cho phép của công ty. Do đó, nếu thành viên góp vốn muốn rút vốn thì chuyển nhượng cho người khác và phải lập hợp đồng chuyển nhượng.

Câu 2: Trong các tình huống tranh chấp khi rút vốn, các vụ kiện phải mời đến luật sư thường liên quan đến vấn đề gì thưa luật sư?

Trả lời:

Tùy vào từng loại hợp đồng góp vốn mà các bên sẽ có thỏa thuận về các trường hợp được phép rút phần vốn góp hoặc chuyển nhượng phần vốn góp. Nếu các bên không quy định vấn đề này 1 cách cụ thể và phù hợp với loại hợp đồng góp vốn thì sẽ rất dễ phát sinh tranh chấp.

  • Tranh chấp liên quan đến vấn đề 1 bên đơn phương tự ý rút phần vốn góp làm ảnh hưởng đến các bên còn lại.
  • Tranh chấp liên quan đến giá cả do không thỏa thuận, đồng nhất với nhau về giá cả phần vốn góp được trả lại.
  • Tranh chấp liên quan đến vấn đề công ty không chấp nhận cho rút vốn dẫn đến tranh chấp.
  • Tranh chấp về vấn đề tỷ lệ.

Câu 3: Với trường hợp tìm được người khác mua lại, giá trị cổ phần sẽ do thương thảo 2 bên. Nhưng nếu bán lại cho công ty, thì giá trị ấy sẽ được xác định như thế nào? Xác định vào thời điểm góp vốn, hay giá trị hiện tại?

Trả lời:

Pháp luật quy định như sau:

Trường hợp mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông

Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc công ty mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông:

Cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình khi:

Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty.

Trình tự, thủ tục mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông:

  • Yêu cầu của cổ đông phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về một trong các vấn đề trên.
  • Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
  • Giá cổ phần mua lại được xác định dựa trên giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty.
  • Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá.
  • Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng

Trường hợp mua lại cổ phần theo quyết định của công ty

Theo quy định tại Điều 133 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc công ty mua lại cổ phần theo quyết định của công ty:

Các loại cổ phần của cổ đông mà công ty có thể mua lại:

  • Cổ phần phổ thông: công ty có thể mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán
  • Cổ phần ưu đãi cổ tức: công ty có thể mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán

Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại cổ phần như sau:

  • Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã bán trong thời hạn 12 tháng
  • Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần.
  • Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại, trừ trường hợp công ty mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty.
  • Đối với cổ phần loại khác, nếu Điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thỏa thuận khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường;
  • Đại hội đồng cổ đông có quyền quyết định mua lại cổ phần như sau:
  • Đại hội đồng cổ đông quyết định mua lại từ 10% tổng số cổ phần của từng loại đã bán.
  • Trình tự, thủ tục công ty mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong công ty:
  • Công ty phải được thông báo về quyết định mua lại cổ phần cho các cổ đông trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định đó được thông qua. Cổ đông đồng ý bán lại cổ phần phải gửi văn bản đồng ý bán cổ phần của mình đến công ty trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo.

Câu 4: Vậy nếu trong trường hợp cổ đông muốn thoái vốn, công ty không đồng ý. Thì theo quy định của pháp luật sẽ xử lý thế nào?

Trả lời:

Trong hợp đồng đầu tư, “thoái vốn” là điều khoản mang tính chất quan trọng, thể hiện được mục đích đầu tư của nhà đầu tư khi “bơm” vốn vào các công ty. Thoái vốn có thể diễn ra dưới một số hình thức: (i) Công ty mua lại số cổ phần mà nhà đầu tư đang nắm giữ theo mức giá đã thỏa thuận trước đó; (ii) nhà đầu tư chuyển nhượng lại số cổ phần đang nắm giữ cho một bên thứ ba và rút ra khỏi công ty; (iii) nhà đầu tư chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ cho một bên khác và nhận được khoản thanh toán tương ứng (thoái vốn về mặt nội dung).

Ở góc độ pháp lý giao dịch, các điều kiện để thoái vốn sẽ phát sinh căn cứ trên quy định pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa start-up và nhà đầu tư, thường sẽ là: (i) Sau một khoảng thời gian nhất định; (ii) Căn cứ trên tổng mức định giá công ty theo phương thức các bên đã thỏa thuận; (iii) Khi có vi phạm từ phía công ty; (iv) Khi công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO).

Căn cứ Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về nghĩa vụ của cổ đông công ty cổ phần như sau:

  1. Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua.
  2. Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra.
  3. Tuân thủ Điều lệ công ty và quy chế quản lý nội bộ của công ty.
  4. Chấp hành nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.
  5. Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.
  6. Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Theo đó, cổ đông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần.

Theo Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông như sau:

  1. Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.
  2. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.

Theo đó, cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Như vậy, bạn không được phép rút vốn khỏi công ty cổ phần dưới mọi hình thức bạn có quyền yêu cầu công ty mua lại nếu đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông. Tuy nhiên, nếu không thuộc trường hợp này thì việc yêu cầu công ty mua lại và việc công ty có mua lại cổ phần bạn đang giữ hay không tùy vào thỏa thuận của hai bên.

Điều kiện thanh toán và xử lý các cổ phần được mua lại là gì?

Căn cứ Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về điều kiện thanh toán và xử lý các cổ phần được mua lại như sau:

  • Công ty chỉ được thanh toán cổ phần được mua lại cho cổ đông theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật này nếu ngay sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
  • Cổ phần được mua lại theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật này được coi là cổ phần chưa bán theo quy định tại khoản 4 Điều 112 của Luật này. Công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần được công ty mua lại trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán mua lại cổ phần, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.
  • Cổ phiếu xác nhận quyền sở hữu cổ phần đã được mua lại phải được tiêu hủy ngay sau khi cổ phần tương ứng đã được thanh toán đủ. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại do không tiêu hủy hoặc chậm tiêu hủy cổ phiếu.
  • Sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại, nếu tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty giảm hơn 10% thì công ty phải thông báo cho tất cả chủ nợ biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thanh toán hết số cổ phần được mua lại.

Câu 5: Vậy theo luật sư, làm thế nào để việc thoái vốn diễn ra “êm đẹp” cho cả hai?

Trả lời:

Đối với tiềm năng về sự tăng trưởng nhanh chóng nhưng tỷ lệ rủi ro cao, việc thoái vốn đột ngột, ngoài kiểm soát của nhà đầu tư sẽ dễ dàng dẫn đến nhiều khó khăn và hệ lụy cho doanh nghiệp. Để giữ được tính ổn định của mình, doanh nghiệp cần đàm phán với nhà đầu tư về thời hạn thoái vốn. Việc thoái vốn quá đột ngột có thể sẽ mang lại những khó khăn nhất định của doanh nghiệp, đặc biệt là các trường hợp như khi: (i) Vốn chưa giải ngân hết; (ii) Không đủ khả năng tài chính  để mua lại hoặc thanh toán cho nhà đầu tư; (iii) Rủi ro từ việc tiết lộ thông tin và các kế hoạch kinh doanh trước đó cho nhà đầu tư.

Cũng có trường hợp doanh nghiệp chia nhỏ phần vốn huy động cho nhiều dự án hoặc mở rộng số lượng nhà đầu tư các vòng tiếp theo để tránh sự phụ thuộc bị động vào nhà đầu tư duy nhất, tránh dẫn đến sụp đổ dự án nếu nhà đầu tư bất ngờ thoái vốn.

Việc thoái vốn hay “từ bỏ” khoản đầu tư là quyền của nhà đầu tư, tuy nhiên, cần cân nhắc quyền sở hữu cũng tương ứng với trách nhiệm với phần sở hữu đó. Khi “chia tay” thì cũng quan tâm đến các vấn đề liên quan như thuế, quyền lợi của nhân viên và trách nhiệm với đối tác kinh doanh.

Cần thiết lập “luật chơi” rõ ràng ngay từ thời điểm mới bắt đầu về các cam kết cần thiết cho việc thoái vốn trong quá trình hợp tác. Từ đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nắm bắt và lường trước được những tình huống thoái vốn từ phía nhà đầu tư, có sự chuẩn bị chu đáo để hạn chế được rủi ro ở mức thấp nhất.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan