Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã tư vấn về một số Rủi ro khi mua nhà theo hợp đồng góp vốn trên báo Đầu tư bất động sản. Dưới đây là nội dung chi tiết:
(ĐTCK) Tôi được bạn giới thiệu về dự án xây nhà chung cư giá rẻ, hình thành trong tương lai, hiện nay dự án chưa hình thành, chủ đầu tư (quen với bạn tôi) giới thiệu và mời chào tôi mua căn hộ trong tương lai bằng hợp đồng góp vốn và tôi sẽ được quyền ưu tiên mua căn hộ này khi nó hoàn thành. Cho hỏi, tôi có nên đồng ý giao kết hợp đồng góp vốn cho dự án chung cư này để mua đất không, xin cảm ơn.
Trả lời:
Mục đích chính của Hợp đồng góp vốn kêu gọi vốn đầu tư của chủ đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh.
Hợp đồng này thể hiện quyền sở hữu của bên góp vốn đối với một phần của dự án và khẳng định hình thức, giá trị của phần vốn góp đó.
Do vậy, với việc mục đích thật sự của bạn là mua bán nhà ở, do đó, hình thức mua qua hợp đồng góp vốn có thể chứa đựng những rủi ro pháp lý, bao gồm:
- Thường mang bất lợi cho khách hàng
Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận của hai bên, tuy nhiên với hợp đồng này thường các chủ đầu tư sẽ soạn sẵn mẫu hợp đồng, người mua cũng gần như không có cơ hội thảo luận hay bàn bạc với chủ đầu tư về điều khoản hợp đồng. Khi soạn sẵn như vậy thì thường một là các điều khoản rất lỏng lẻo, hai là các điều khoản này thường có lợi cho các công ty bất động sản. Một khi tranh chấp xảy ra thì khách hàng hoàn toàn bất lợi
- Khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ
Khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bất động sản dưới hình thức ký kết các hợp đồng này chưa được hoàn chỉnh khiến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng chưa được chặt chẽ, đặc biệt là các cá nhân có nhu cầu đầu tư hoặc mua nhà để ở.
Hợp đồng góp vốn hay hợp đồng hợp tác đầu tư đối với việc mua bán bất động sản về bản chất là hình thức huy động vốn để thực hiện dự án. Nếu bất cẩn, khách hàng có thể bị chiếm dụng vốn, bị mất trắng vốn mà không thể ngờ tới.
- Không quy định nhiều về trách nhiệm của chủ đầu tư
Nó là một dạng hợp đồng hợp tác đầu tư nên sẽ theo dạng phân chia lợi nhuận là chính, do đó nếu có tranh chấp xảy ra toàn cũng xét theo hướng là bên chủ đầu tư chia lợi nhuận chứ không phải là bồi thường thiệt hại.
- Rủi ro khi hợp đồng vô hiệu
Theo Bộ luật Dân sự, một giao dịch dân sự vô hiệu khi có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật. Khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên hoàn trả những gì đã nhận và khôi phục lại tình trạng ban đầu. Vì vậy, một hợp đồng góp vốn hay hợp tác kinh doanh có nội dung và mục đích là một hợp đồng mua bán bất động sản có thu tiền ứng trước nhưng lại chưa có cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở quy định sẽ có khả năng vô hiệu.
Trong trường hợp này, chủ đầu tư phải hoàn trả lại khoản tiền ứng trước của khách hàng hay bên góp vốn và phải bồi thường thiệt hại nếu là bên có lỗi. Mặc dù khó có thể đo lường chính xác thiệt hại của các bên, nhưng có thể dễ dàng nhìn thấy tiến độ thực hiện dự án đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, khoản tiền mà người mua đầu tư vào sẽ không sinh ra lợi nhuận như mong muốn.
Để tránh rủi ro trong việc mua bán dự án nhà ở hình thành trong tương lai, bạn nên lựa chọn dự án của những doanh nghiệp bất động sản uy tín, có thương hiệu, nguồn lực tài chính dồi dào... Đặc biệt, trước khi xuống tiền đặt mua đất bạn cần đọc kỹ và hiểu rõ các điều khoản trong hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng đặt cọc...
Nguồn: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bds-phap-luat/rui-ro-gi-khi-mua-nha-theo-hop-dong-gop-von-210843.html