2 ngày sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại Rạng Đông, công ty cho biết đã sử dụng amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng từ năm 2016. Tuy nhiên, sau quá trình Tổng cục Môi trường đấu tranh với lãnh đạo Rạng Đông, công ty đã phải thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam).

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa

-Với sự thừa nhận như trên, theo ông, trong trường hợp này, Rạng Đông đã vi phạm như thế nào, chế tài xử lý ra sao?

Vụ việc cháy tại Công ty Rạng Đông vào ngày 28/08/2019 đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và những người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy, phóng viên...

Tính đến hôm nay, đã có khoảng hơn 600 người dân trong khu vực ảnh hưởng của vụ cháy tại Công ty Rạng Đông được khám tại Trạm Y tế phường Hạ Đình và Trạm Y tế phường Thanh Xuân Trung. Hơn 200 người được chuyển tới bệnh viện. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa là con số cuối cùng cũng như chưa thống kê được thiệt hại về tài sản.

Điều đáng nói, thông tin về mức độ nguy hiểm của sự cố này không chính xác, không kịp thời làm gia tăng những thiệt hại, mối nguy hiểm cho người dân. Những thông tin này khiến nhiều người dân không kịp thời sơ tán, không thực hiện các biện pháp để bảo vệ sức khỏe bản thân, làm giảm lòng tin của người dân trước các cơ quan tổ chức Nhà nước,...

Không loại trừ khả năng xem xét dấu hiệu hình sự của các cá nhân có liên quan để xảy ra vụ cháy, trong việc thông tin thiếu trung thực, đầy đủ, không ứng phó, khắc phục sự cố môi trường cụ thể là tại Điều 237 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, nếu hành vi gian dối trong việc cung cấp thông tin có dấu hiệu vi phạm về phòng ngừa sự cố môi trường hoặc vi phạm về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thiệt hại đến tài sản từ 1.000.000.000 đồng thì có thể bị phạt tiền đồng thời phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù tùy theo mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ sai phạm có yêu tố cá nhân và làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa sai phạm này đối với hậu quả gây ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người dân để có hình thức xử lý cho phù hợp.

- Vậy, với những vi phạm như vậy, doanh nghiệp sẽ phải chịu những trách nhiệm gì, thưa ông?

Ngoài việc xác định làm rõ nguyên nhân vụ cháy để xem xét trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng sẽ được đặt ra và cần phải được giải quyết để đảm bảo quyền lợi của người lao động, người dân.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể tại Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS). Theo đó, nếu hậu quả từ vụ cháy gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe của người dân xung quanh khu vực đám cháy thì Công ty phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường sẽ là thiệt hại thực tế đã gây ra đối với người bị hại, trừ trường hợp người bị hại có lỗi.

Tính đến thời điểm này, tuy chưa thống kê được thiệt hại về tài sản và sức khỏe của người dân nhưng cũng có thể nhận thấy rõ ràng kể cả công ty có lỗi hay không có lỗi vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp có lỗi của công ty thì còn có thể bị xem xét về trách nhiệm về hành vi vô ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác.

Theo quy định của pháp luật thì thiệt hại về sức khỏe bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại...

Nội dung bồi thường thiệt hại về sức khỏe được quy định chi tiết, cụ thể tại Điều 590 BLDS. Do đó, những người bị thiệt hại về sức khỏe có thể căn cứ vào quy định pháp luật này để yêu cầu công ty phải bồi thường. Ngoài ra công ty còn phải bồi thường một khoản thiệt hại về tinh thần cho người bị tổn hại sức khỏe. Mức bồi thường do hai bên thỏa thuận, không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quyết định nhưng không quá 50 tháng lương tối thiểu.

Ngoài việc phải bồi thường thiệt hai về tính mạng, tài sản và sức khỏe của cá nhân, tổ chức khác, Công ty Rạng Đông còn phải bồi thường thiệt hại cho môi trường tự nhiên. Công ty Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm môi trường. Điều 602 BLDS quy định: Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả khi chủ thể đó không có lỗi. Tức là, kể cả khi Công ty Rạng Đông có chứng minh được là họ không cố ý, không vô ý để xảy ra cháy thì họ vẫn phải bồi thường.

- Vậy, những người chịu ảnh hưởng trong khu vực có thể khởi kiện công ty này không, thưa ông?

Người dân trong vùng bị ảnh hưởng từ vụ cháy nếu không được bồi thường hoặc không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện Công ty Rạng Đông để đòi quyền lợi, đây là quyền của công dân.

Tuy nhiên, nếu muốn khởi kiện, người dân sống trong vùng ảnh hưởng phải chứng minh có sự thiệt hại (có thể là thiệt hại về sức khỏe, tinh thần, tài sản...). Ngoài ra, cũng phải chứng minh được những thiệt hai này có liên quan đến vụ cháy tại Công ty Rạng Đông.

Trong vụ việc này, có thể thấy Công ty Rạng Đông đã lựa chọn phương thức không hành động, như: Không báo cáo đúng, kịp thời với các cơ quan quản lý nhà nước về việc sử dụng thủy ngân trong sản xuất bóng đèn; không cảnh báo đến người dân xung quanh liên quan đến việc thủy ngân có thể đã phát tán ra môi trường; không hỗ trợ người dân trong việc di dời khỏi nơi bị ảnh hưởng của thủy ngân...

Như trong thông tin mới nhất được Tổng cục Môi trường công bố, Công ty Rạng Đông đã thừa nhận 480.000 bóng đèn bị cháy có thủy ngân lỏng (có độc tính cao hơn viên amalgam). Nguyên nhân vụ cháy vẫn đang tiếp tục được làm rõ nhưng không thể phủ nhận trách nhiệm của Công ty Rạng Đông bởi nguồn nguy hiểm thủy ngân xuất phát từ đơn vị này.

Sau khi xảy ra cháy, Công ty này không công bố thông tin có hóa chất độc hại, sau đó lại công bố thông tin mơ hồ, không chuẩn xác, không hỗ trợ người dân, điều này là đáng lên án.

- Xin cảm ơn ông!