Quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những giải đáp về khung pháp lý đối quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trên Tạp chí Nông thôn mới. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật NLĐVNĐLV ở NN) có hiệu lực thi hành, Tạp chí Nông thôn mới đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khi đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;… Chúng tôi xin trích đăng một số câu hỏi và giải đáp của luật.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà.

Bạn đọc Nguyễn Văn Hà (Nghệ An): Để được đi xuất khẩu lao động cần có điều kiện gì?

Theo quy định tại Điều 44. Luật NLĐVNĐLV ở NN thì: Người lao động do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đưa đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng điều kiện sau:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài.

3. Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.

4. Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.

5. Có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng.

6. Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bạn đọc Đoàn Ngọc Đích (Đồng Nai): Tôi có nguyện vọng được ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài trực tiếp với doanh nghiệp ở nước ngoài có được không?

Điều 5, Luật NLĐVNĐLV ở NN quy định các hình thức Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó khoản 3 Điều này quy định: “3. Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.” Căn cứ quy định này, bạn được trực tiếp giao kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp ở nước ngoài.

Bạn đọc Hoàng Văn Tuấn (Thái Bình): Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quyền, nghĩa vụ gì?

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, tránh bị người sử dụng lao động chèn ép, gây lên những bất lợi cho mình… đồng thời để người lao động thấy rõ trách nhiệm của mình, tránh những rủi ro, vi phạm pháp luật của nước sở tại…, Điều 6, Luật NLĐVNĐLV ở NN quy định rất chi tiết về “Quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Theo đó:

- Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có các quyền: Được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách, pháp luật và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động có liên quan đến người lao động; quyền, nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hưởng tiền lương, tiền công, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động và quyền lợi, chế độ khác theo hợp đồng lao động; chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;…

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có các nghĩa vụ: Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động; đoàn kết với người lao động tại nước tiếp nhận lao động; làm việc đúng nơi quy định; chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân thủ sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận lao động; về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề;…

Bên cạnh quyền, nghĩa vụ trên, Luật NLĐVNĐLV ở NN còn quy định quyền, nghĩa vụ của người lao động trong từng trường hợp cụ thể như: Quyền, nghĩa vụ của người lao động do doanh nghiệp dịch vụ đưa đi làm việc ở nước ngoài (Điều 46): Quyền, nghĩa vụ của người lao động do doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài hoặc tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đưa đi làm việc ở nước ngoài (Điều 47)…

Xuất khẩu lao động năm 2021: Nâng cao chất lượng lao động sẵn sàng xuất  cảnh | VOV.VNXuất khẩu lao động. Ảnh minh họa

 

Bạn đọc Hoàng Văn Hải ( T.p Hồ Chí Minh): Không ít trường hợp người lao động bị lừa đảo; khi gặp rủi ro bị đơn vị đưa người lao động ra nước ngoài làm việc bỏ rơi,... Vậy pháp luật quy định thế nào về trách nhiệm của đơn vị đưa người ra nước ngoài làm việc để tránh tình trạng này?

Điều 7 Luật NLĐVNĐLV ở NN quy định rõ “Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” như: Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật; Cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài… Bên cạnh đó, Chương II, Luật này còn quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đơn cử, khoản 2, Điều 26, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ như sau: Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài; bồi thường cho người lao động về những thiệt hại do doanh nghiệp hoặc chi nhánh của doanh nghiệp gây ra theo quy định của pháp luật…

Bạn đọc Nguyễn Văn Bảy (Nghệ An): Chính sách hỗ trợ người lao động sau khi về nước được quy định thế nào?

Chính sách hỗ trợ người lao động sau khi về nước được quy định tại Điều 60, Điều 61 Luật NLĐVNĐLV ở NN, gồm: Hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp; Hỗ trợ hòa nhập xã hội.

Còn rất nhiều câu hỏi như: Quy định việc thu tiền dịch vụ? tiền ký quỹ?… Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ giải đáp một số câu hỏi mang tính phổ quát. Các bạn cần nghiên cứu kỹ luật trên để trang bị cho mình kiến thức cần thiết, để vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, vừa tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Lê Chiên (Ghi)

Nguồn: https://m.tapchinongthonmoi.vn/quyen-nghia-vu-cua-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-17616.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan