Quyền lợi nhà đầu tư khi cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết

Nội dung bài viết

Trước thông tin gần 710 triệu cổ phiếu FLC vừa bị hủy niêm yết, nhiều người băn khoăn nhà đầu tư cầm cổ phiếu sẽ ra sao?

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa ban hành quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC từ ngày 20/02/2023. Nguyên nhân là do tập đoàn này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán xét thấy cần cần hủy niêm yết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP về trường hợp bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc. Chia sẻ với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW đã có những phân tích về việc này. Cụ thể:

Cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết, quyền lợi nhà đầu tư sẽ ra sao? - 1

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, ngay sau khi thông tin được công bố, nhiều nhà đầu tư cá nhân nắm giữ cổ phiếu này tỏ ra hết sức hoang mang, lo lắng khi mà số cổ phiếu có giá trị hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng của họ có nguy cơ biến thành “giấy lộn” vì không thể mua bán được.

Việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán. Nói cách khác, số cổ phiếu này sẽ bị "đóng băng", không thể chuyển đổi thành tiền mặt được.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán, khi cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thì phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM để nhà đầu tư có thể tiếp tục mua bán cổ phiếu tại đây.

Về quyền sở hữu, khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu, vì doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, việc giao dịch vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn và không tránh khỏi việc tài khoản của mình bị thua lỗ bởi trên thực tế mức giá giao dịch tại UPCOM thường thấp hơn khá nhiều so với sàn HOSE và HNX.

Khoản 1 Điều 122 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán quy định: “Tổ chức có cổ phiếu bị hủy niêm yết theo quy định tại Điều 120, Điều 121 Nghị định này chỉ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu 02 năm trên hệ thống giao dịch Upcom.”

Theo đó, các tổ chức có cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc có thể Đăng ký niêm yết cổ phiếu lại sau ít nhất 2 năm hoạt động trên hệ thống giao dịch UPCOM theo thủ tục mà pháp luật quy định.

“Vậy nên, có thể thấy rằng việc hủy niêm yết không có nghĩa là các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu FLC mất trắng, quan trọng hơn hết quyền lợi nhà đầu tư được đảm bảo như thế nào vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp sắp tới sẽ ra sao, kế hoạch kinh doanh có ổn không? Nếu công ty thua lỗ thì nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng còn công ty khởi sắc, doanh thu và lợi nhuận tăng thì nhà đầu tư sẽ được đảm bảo. Việc đó thì sẽ phụ thuộc nhiều vào nội tại doanh nghiệp cũng như bản lĩnh của Ban lãnh đạo mới của FLC” – Luật sư Nguyễn Thanh Hà lưu ý.

Được biết, ngày 13/2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố thông tin về việc hủy niêm yết đối với mã cổ phiếu FLC của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Cụ thể, gần 710 triệu cổ phiếu FLC với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết. Như vậy, giá trị chứng khoán bị hủy niêm yết là hơn 7.099 tỷ đồng.

Quyết định do ông Trần Anh Đào, Tổng giám đốc HoSE ký và ngày hủy niêm yết có hiệu lực là 20/2/2023.

Trước đó, HoSE đã ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9/2022. Theo HoSE, FLC đã tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch theo quy định tại điểm C khoản 1 điều 41 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.

 HoSE cho hay FLC chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên dù đã quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.

Ngày 4/3 tới, FLC dự tính tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2023. Nội dung chính của cuộc họp bất thường lần này vẫn là để thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của ông Đặng Tất Thắng - người đã có đơn từ nhiệm phó chủ tịch tập đoàn từ cuối tháng 7/2022 cũng như rời ghế chủ tịch kiêm tổng giám đốc Bamboo Airways. Đồng thời, tại đại hội đồng cổ đông bất thường này, FLC cũng sẽ bầu bổ sung thành viên HĐQT mới cho nhiệm kỳ 2021-2026.

Hiện HĐQT FLC nhiệm kỳ 2021-2026 chỉ bao gồm 4 thành viên là Chủ tịch Lê Bá Nguyên, Phó chủ tịch thường trực Bùi Hải Huyền, Phó chủ tịch Doãn Hữu Đoàn và Thành viên HĐQT độc lập Lê Thái Sâm.

Nguồn:https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/quyen-loi-nha-dau-tu-khi-co-phieu-flc-bi-huy-niem-yet-30541.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan