Quyền được chi trả cổ tức của cổ đông trong công ty cổ phần

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Cho mình hỏi: Nếu công ty bắt công nhân mua cổ phần, nhưng đến khi mua thì hàng tháng không nhận được tiền lời. Một thời gian sau thì công bố bán cổ phần để giả tiền công nhân, nhưng cứ tháng này hẹn tháng khác, được 3, 4 tháng, công nhân không thấy có, lên cơ quan lại chỉ nhận được những lời hứa hẹn, thậm trí khi lên làm việc với giám đốc thì giám đốc còn không đến. Mình nên giải quyết như thế nào? Công ty có vi phạm pháp luật không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Khi một công ty cổ phần tự huy động vốn thì số vốn cần huy động đó được chia thành nhiều phần nhỏ bằng nhau gọi là cổ phần. Người mua cổ phần được gọi là cổ đông. Cổ đông được cấp một Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần gọi là cổ phiếu. Theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 thì chỉ có công ty cổ phần mới được phát hành cổ phiếu. Có thể thấy, cổ phiếu (còn gọi là chứng khoán) chính là một chứng thư chứng minh quyền sở hữu của một cổ đông đối với một công ty cổ phần và cổ đông là người có cổ phần thể hiện bằng cổ phiếu.

Như vậy, khi công nhân mua cổ phần mà công ty chào bán thì họ đương nhiên trở thành cổ đông của công ty và trở thành chủ sở hữu đối với cổ phần mà mình đã mua đó. Quyền sở hữu cổ phiếu là một loại quyền tài sản được ghi nhận theo quy định tại Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015, là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành, được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử (Khoản 1 Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010).

Một trong những quyền mà chủ sở hữu cổ phiếu được thụ hưởng đó là quyền nhận cổ tức – "là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính” (Khoản 3 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014)

Về nguyên tắc, công ty cổ phần chỉ trả cổ tức cho các cổ đông khi công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, trích lập các quỹ của công ty và bù đắp đủ lỗ trước theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty. Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn phải bảo đảm thanh toán đầy đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản đến hạn (Khoản 2 Điều 132 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Bên cạnh đó, công ty phát hành phải thanh toán cổ tức cho chủ sở hữu cổ phiếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Hội đồng quản trị sẽ tiến hành lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Thông báo về trả cổ tức sẽ được gửi bằng phương thức bảo đảm đến cổ đông theo địa chỉ đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Như vậy, công ty phát hành cổ phiếu có nghĩa vụ phải trả khoản lợi nhuận ròng mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác cho công nhân từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật.

Từ những phân tích trên đây có thể thấy, nếu sau khoảng thời gian 6 tháng, kể từ ngày kết thúc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên mà công ty không tiến hành trả lợi nhuận cho công nhân thì trong trường hợp này phía công ty đã vi phạm nghĩa vụ của mình và hành vi vi phạm này là trái với quy định pháp luật. Khi đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình sau khi đã tiến hành kiến nghị, khiếu nại lên ban lãnh đạo công ty nhưng không được giải quyết thỏa đáng, những công nhân đó có thể làm đơn khởi kiện lên Tòa án nơi công ty đó đặt trụ sở để yêu cầu công ty chi trả cổ tức cho họ theo quy định tại Điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan