Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời về quy trình kiểm tra doanh nghiệp. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Con Cưng vừa gửi thư cho lãnh đạo Bộ Công Thương bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng sớm có kết luận kiểm tra để doanh nghiệp này tập trung vào hoạt động kinh doanh của mình.
1/ Theo quy định về quy trình kiểm tra doanh nghiệp bao lâu?
Trả lời:
Điều 22 Pháp lệnh số 11/2016/UBTVQH13 về quản lý thị trường có quy định về thời hạn kiểm tra như sau:
“2. Thời hạn kiểm tra được quy định như sau:
a) Thời hạn một cuộc kiểm tra tại nơi kiểm tra không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra;
b) Trường hợp vụ việc kiểm tra phức tạp thì thời hạn một cuộc kiểm tra có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 05 ngày làm việc, kể từngày công bố quyết định kiểm tra. Việc kéo dài thời hạn một cuộc kiểm tra do người đã ban hành quyết định kiểm tra quyết định bằng văn bản.
3. Thời gian không được tính vào thời hạn kiểm tra quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm:
a) Thời gian thẩm tra, xác minh để kết luận việc kiểm tra;
b) Thời gian tổ chức, cá nhân được kiểm tra trì hoãn hoặc trốn tránh việc kiểm tra”.
Như vậy, thời hạn một cuộc kiểm tra là không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.
Trường hợp vụ việc kiểm tra phức tạp thì thời hạn một cuộc kiểm tra có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.
Lưu ý: Thời gian không được tính vào thời hạn kiểm tra bao gồm:
- Thời gian thẩm tra, xác minh để kết luận việc kiểm tra;
- Thời gian tổ chức, cá nhân được kiểm tra trì hoãn hoặc trốn tránh việc kiểm tra.
2/ Nếu chậm, thì phải chịu trách nhiệm thế nào khi gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp?
Trả lời:
Trong trường hợp này, nếu việc ra quyết định chậm của cơ quan có thẩm quyền (không phải do nguyên nhân khách quan) mà gây thiệt hại đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì người phụ trách sẽ phải bồi thường cho doanh nghiệp.