Quy tắc xuất xứ trong FTA: Lưu ý dành cho doanh nghiệp

Nội dung bài viết

Toàn cầu hóa mang đến cho Việt Nam cơ hội tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, ba hiệp định thương mại lớn mà Việt Nam đã ký kết trở thành thành viên là: CPTPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực) và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam).

Các nước tham gia khu vực thương mại tự do kỳ vọng sẽ thúc đẩy tự do hóa thương mại thông qua cắt giảm thuế quan đối với những mặt hàng xuất xứ từ các nước thành viên. Tuy nhiên quá trình tự do hóa cắt giảm thuế phụ thuộc vào việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ (ROO). Bài viết sau sẽ làm rõ thế nào là quy tắc xuất xứ? So sánh sự khác nhau về quy tắc xuất xứ giữa ba hiệp định CPTPP, RCEP, EVFTA và những lưu ý dành cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thế nào là quy tắc xuất xứ?

Theo định nghĩa của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), Quy tắc xuất xứ là tập hợp các tiêu chí cần thiết nhằm đảm bảo xác định được nguồn gốc quốc tịch của hàng hóa.

Tại Việt Nam, quy tắc xuất xứ được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa; Thông tư số 05/2018/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về xuất xứ hàng hóa trong pháp luật Việt Nam.

Mục đích của quy tắc xuất xứ

Quy tắc xuất xứ là một công cụ kỹ thuật, công cụ chính sách thương mại để thực thi FTA, áp dụng quy tắc xuất xứ cho hàng nhập khẩu nhằm những mục đích sau:

– Xác định hàng hoá nhập khẩu thuộc diện được hưởng ưu đãi thương mại (ưu đãi thuế quan, các biện pháp phi thuế quan…): Quy tắc xuất xứ được hiểu như “quốc tịch” của hàng hóa, giúp cơ quan hải quan xác định được hàng hóa đến từ đâu, có “xứng đáng” được hưởng ưu đãi thuế quan hay không. Quy tắc xuất xứ trong FTA nhằm đảm bảo rằng hàng hóa được coi là “có xuất xứ” trong FTA đó sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan và hàng hóa có xuất xứ bên ngoài FTA đó sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan.

– Để thực thi các biện pháp hoặc công cụ thương mại, như thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng, biện pháp tự vệ…(đối với hàng hoá có xuất xứ từ một số nước nhất định là đối tượng của các biện pháp và công cụ thương mại này);

– Để phục vụ công tác thống kê thương mại (như xác định lượng nhập khẩu và trị giá nhập khẩu từ từng nguồn khác nhau);

– Để phục vụ việc thực thi các quy định pháp luật về nhãn và ghi nhãn hàng hoá;

– Để phục vụ các hoạt động mua sắm của chính phủ theo quy định của pháp luật quốc gia đó và pháp luật quốc tế.

Vấn đề xuất xứ hàng hóa trở thành một vấn đề chủ chốt trong các FTA khi đây là yếu tố quyết định hàng hóa có được hưởng ưu đãi hay không. Nếu không có quy tắc xuất xứ, hiện tượng thương mại chệch hướng (trade deflection) sẽ rất khó ngăn chặn được khi hàng hóa nhập khẩu từ các nước không tham gia FTA sẽ vào khu vực FTA thông qua nước thành viên áp dụng mức thuế thấp nhất đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước không tham gia FTA.

Xuất xứ hàng hóa được xác định như thế nào?

Các loại quy tắc xuất xứ đều dựa trên hai tiêu chí xác định nguồn gốc hàng hóa: tiêu chí xuất xứ thuần túy (Wholly Obtained) và tiêu chí chuyển đổi cơ bản (Substantial Transformation).

– Tiêu chí xuất xứ thuần túy quy định hàng hóa sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ một nước thành viên xuất khẩu duy nhất (xuất xứ nội địa hoàn toàn) được xác định có xuất xứ.

– Tiêu chí chuyển đổi cơ bản xác định hàng hóa xuất xứ trong trường hợp quá trình chuyển đổi xảy ra tại một quốc gia hoặc khu vực. Việc xác định nguồn gốc khá phức tạp vì các bộ phận, phụ tùng của sản phẩm sản xuất tại nhiều quốc gia hoặc có nguyên vật liệu đầu vào không rõ xuất xứ.

Để thực hiện các cam kết về thương mại hàng hóa, đặc biệt trong lĩnh vực cắt giảm thuế quan, hàng hóa sản xuất tại các nước thành viên phải đáp ứng những quy tắc xuất xứ trong các hiệp định FTA. Trong các hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết, về cơ bản, các quy tắc xuất xứ trong các hiệp định này đều có cấu trúc tương đối giống nhau về cấu trúc đó là:

Hàng hóa có xuất xứ thuần túy, bao gồm các hàng hóa được hình thành một cách tự nhiên trong lãnh thổ các bên tham gia FTA như: khoáng sản, động vật thực vật được hình thành tự nhiên; và sản phẩm của các loại động thực vật…

Hàng hóa có xuất xứ cộng gộp, bao gồm các hàng hóa được hình thành từ nguyên liệu có xuất xứ một phần hoặc toàn bộ; được chế biến hoặc sản xuất tại nước tham gia FTA.

Hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại nước tham gia FTA, sử dụng một phần nguyên liệu không có xuất xứ hàng hóa nhưng các nguyên liệu này thỏa mãn các yêu cầu cụ thể về quy trình sản xuất được quy định tại Hiệp định

Tuy nhiên, do đặc thù của từng đối tác, đồng thời cùng với những cam kết cắt giảm khác nhau, quy tắc xuất xứ trong mỗi FTA cũng có những khác biệt nhất định.

Sự khác nhau về quy tắc xuất xứ giữa ba hiệp định CPTPP, RCEP, EVFTA

Tiêu chí xuất xứ chung:

CPTPP quy định, đối với tiêu chí xuất xứ chung, hàng hóa phải có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước, toàn bộ từ các nguyên phụ liệu có xuất xứ hoặc được sản xuất toàn bộ từ nguyên phụ liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó thỏa mãn các quy tắc của Phụ lục 3-D (Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng)

Đối với RCEP, hàng hóa phải có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước thành viên, điều này khác với tiêu chí của CPTPP. Bên cạnh đó, hàng hóa có thể được sản xuất tại một nước thành viên có sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng phải đáp ứng quy định tại Phụ lục 3A Hiệp định RCEP về quy tắc cụ thể mặt hàng.

Giống như RCEP, Hiệp định EVFTA cũng quy định về hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên, đối với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được tạo ra tại một nước thành viên từ nguyên liệu không có xuất xứ thì có điều kiện là nguyên liệu đó phải trải qua các công đoạn gia công hoặc chế biến đầy đủ khi đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ quy định tại Phụ lục II của Nghị định thư 1.

Tiêu chí cộng gộp:

Hiệp định CPTPP quy định về xuất xứ cộng gộp như sau:

Hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu hàng hóa được sản xuất tại lãnh thổ của một hoặc nhiều nước thành viên bởi một hoặc nhiều người sản xuất, với điều kiện hàng hóa đáp ứng các quy định của Điều 3.2 (Hàng hóa có xuất xứ) và tất cả các quy định khác của Chương này.

Hàng hóa hoặc nguyên phụ liệu có xuất xứ của một hoặc nhiều nước thành viên được sử dụng để sản xuất hàng hóa khác tại lãnh thổ của nước thành viên khác được coi là có xuất xứ tại lãnh thổ của nước thành viên đó khác đó.

Quá trình sản xuất đối với nguyên phụ liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hoặc nhiều nước thành viên bởi một hoặc nhiều người sản xuất có thể được tính vào thành phần có xuất xứ của hàng hóa khi xác định xuất xứ của hàng hóa đó, không tính đến quá trình sản xuất đó đã trải qua chuyển đổi cơ bản đủ để nguyên phụ liệu đó trở thành có xuất xứ.

Đối với RCEP, các quy định về cộng gộp hàng hóa hoặc nguyên liệu đáp ứng quy định về hàng hóa có xuất xứ gồm: Trừ khi có quy định khác tại Hiệp định này, hàng hóa hoặc nguyên liệu đáp ứng quy định tại Điều 3.2 (Hàng hóa có xuất xứ) và được dùng để sản xuất tại nước thành viên khác như nguyên vật liệu để sản xuất ra hàng hóa hoặc nguyên vật liệu khác, được coi là có xuất xứ của nước thành viên nơi sản xuất hoặc chế biến ra hàng hóa cuối cùng.

Ngoài các trường hợp cộng gộp xuất xứ của hai bên gồm Việt Nam và 28 nước viên EU, EVFTA còn cho phép cộng gộp xuất xứ mở rộng trong hai trường hợp là cộng gộp xuất xứ với Hàn Quốc đối với hàng dệt may và cộng gộp xuất xứ với ASEAN đối với hàng hải sản (mực và bạch tuộc).

Quy định về ngưỡng De minimis (tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa)

Hiệp định CPTPP quy định về ngưỡng De minimis như sau:

Ngoại trừ theo quy định tại Phụ lục 3-C (Ngoại lệ đối với Điều 3.11 (De Minimis)), mỗi Bên quy định rằng hàng hóa có chứa nguyên phụ liệu không có xuất xứ không đáp ứng được quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa được quy định tại Phụ lục 3-D (Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng) cho hàng hóa đó vẫn được coi là hàng hóa có xuất xứ nếu trị giá của tất cả các nguyên phụ liệu nói trên không vượt quá 10% trị giá của hàng hóa, được định nghĩa tại Điều 3.1 (Các định nghĩa), và hàng hóa đó đáp ứng tất cả các quy định khác của Chương này.

Quy định trên chỉ áp dụng khi sử dụng nguyên phụ liệu không có xuất xứ trong quá trình sản xuất hàng hóa khác.

Trong trường hợp hàng hóa được mô tả trên cũng có quy tắc hàm lượng giá trị khu vực, trị giá của các nguyên phụ liệu không có xuất xứ đó sẽ được tính vào trị giá nguyên vật liệu không có xuất xứ khi tính hàm lượng giá trị khu vực của hàng hóa.

Đối với hàng dệt may, sẽ áp dụng Điều 4.2 (Quy tắc xuất xứ và các vấn đề liên quan).

Hiệp định RCEP quy định ngưỡng De minimis quy định hàng hóa không đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa theo (Quy tắc cụ thể mặt hàng) nhưng vẫn được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

+ Đối với hàng hóa thuộc từ Chương 01 đến Chương 97, trị giá của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ để sản xuất ra hàng hóa và không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa không vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa đó. Trị giá của nguyên liệu không có xuất xứ được tính theo khoản 3 Điều 3.5 Hiệp định này về hàm lượng giá trị khu vực.

+ Đối với hàng hóa thuộc từ Chương 50 đến Chương 63, trọng lượng của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ để sản xuất ra hàng hóa và không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa không vượt quá 10% tổng trọng lượng của hàng hóa.

Trị giá nguyên liệu không có xuất xứ theo quy định trên sẽ được coi là trị giá nguyên liệu không có xuất xứ khi áp dụng công thức tính hàm lượng giá trị khu vực.

Hiệp định EVFTA áp dụng mức linh hoạt De minimis với:

+ Đa số mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp, hàng dệt may được phép sử dụng khoảng 10% nguyên liệu không đáp ứng xuất xứ.

+ Đối với những mặt hàng khác, tỷ lệ cho phép thậm chí có thể lên đến 20%-50% tùy mặt hàng

Quy định về những công đoạn gia công chế biến đơn giản:

CPTPP: CPTPP không quy định công đoạn gia công chế biến đơn giản vì thống nhất quan điểm trong khi đàm phán PRS đã tính đến và loại trừ các công đoạn gia công chế biến đơn giản. Danh mục PSR trong CPTPP được quy định đủ chi tiết, đủ chặt để tránh “công đoạn gia công chế biến đơn giản” có thể diễn ra nhằm gian lận xuất xứ thực chất của hàng hóa.

RCEP và EVFTA giống nhau trong quy định về những công đoạn gia công, tuy nhiên EVFTA quy định cụ thể thêm về các công đoạn như: là, ủi, là hơi vải với sản phẩm dệt may; công đoạn tạo màu hoặc tạo hương cho đường hoặc tạo khuôn cho đường cục; nghiền nhỏ một phần hay hoàn toàn đường tinh thể.

Cơ chế và thủ tục chứng nhận xuất xứ

CPTPP: CPTPP quy định bắt buộc sử dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo một lộ trình và sau một thời gian nhất định.

RCEP và EVFTA: Cho phép sử dụng song hành cả cơ chế tự chứng nhận xuất xứ và cơ chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

Những lưu ý dành cho doanh nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, các số liệu thống kê của cho thấy, sự hiểu biết và nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về FTA còn rất hạn chế. Nghiên cứu của VCCI đã chỉ ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn chưa biết hoặc chưa hiểu rõ về các FTA thế hệ mới. Cụ thể, đối với Hiệp định CPTPP, có 12% doanh nghiệp chưa biết và tới 40% chưa hiểu rõ về nội dung. Tỷ lệ này với EVFTA tương ứng là 17% và 56%... việc nắm bắt và tham gia vào FTA không chỉ tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, mà còn góp phần đưa Việt Nam gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là dệt may và nông thủy sản khi xuất khẩu đến một số thị trường chủ lực như Trung Quốc, EU, Mỹ…. Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về những cơ hội, thách thức FTA mang lại, hiểu rõ và đáp ứng những quy tắc xuất xứ để doanh nghiệp Việt được hưởng thuế quan ưu đãi, đấy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Thứ hai, doanh nghiệp cần lưu ý các vấn đề liên quan tới Sở hữu trí tuệ, loại tài sản vô hình bao gồm các quyền về nhãn hiệu, bí mật kinh doanh hay kiểu dáng công nghiệp…Việc mất quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường nước ngoài khiến cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ bị giảm sút thậm chí dẫn tới mất luôn nguồn thị trường tiềm năng. Doanh nghiệp có thể đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ nhân lực về sở hữu trí tuệ hoặc tăng cường sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp mình.

Thứ ba, doanh nghiệp cần tăng năng lực cạnh tranh để hạn chế các vụ kiện phòng vệ thương mại bằng cách hình thành một bộ phận riêng về Phòng vệ thương mại nắm rõ quy tắc, theo đuổi các vụ kiện để tránh bị mât thị trường xuất khẩu. Khi thuế đưa về 0%, phòng vệ thương mại được xem như là biện pháp cuối cùng để doanh nghiệp sử dụng. Doanh nghiệp sẽ phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh khi chính phủ đã dỡ bỏ hàng rào thuế quan.

Cuối cùng, mỗi hiệp định FTA quy định những quy tắc xuất xứ khác nhau, chính vì vậy mà tính ưu đã dành cho mỗi loại sản phẩm cũng khác nhau. Doanh nghiệp cần lưu ý để lựa chọn quy tắc xuất xứ tại các FTA có lợi nhất cho mình.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan