Quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực điện lực

Nội dung bài viết

  1. Ngày 17/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 134 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực điện lực. Ông/bà có thể chia sẻ cụ thể nghị định 134 quy định về xử phạt như thế nào trong lĩnh vực điện lực?

Trả lời:

Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục và thẩm quyền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mà không phải là tội phạm, bao gồm: Vi phạm trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cụ thể, thời hiệu xử phạt vi phạm trơng lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là 01 năm; đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.

Các hình thức xử phạt bao gồm:

(1) xử phạt chính: cảnh cáo, phạt tiền:

- Mức phạt tiền trong lĩnh vực điện lực tối đa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân, 100.000.000 đồng đối với tổ chức hoặc Đơn vị điện lực;

- Mức phạt tiền trong lĩnh vực an toàn đập thủy điện tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức; công trình đập thủy điện từ cấp II trở lên thì áp dụng 100%, từ cấp III trở xuống áp dụng 70% mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm an toàn đập thủy điện quy định tại Nghị định này;

- Mức phạt tiền trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

(2) hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng làm phương tiện vi phạm; Đình chỉ có thời hạn hoạt động tích nước hồ chứa thủy điện; Tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ có thời hạn.

Ngoài các hình thức xử phạt chính và xử phạt bổ sung, cá nhân, tổ chức hoặc Đơn vị điện lực có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Chương II Nghị định này.

  1. Có thể thấy những quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều quy định pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng, từ đó gây khó khăn trong việc áp dụng vào thực tiễn. Ông/ bà có thể phân tích rõ hơn về điều này?

Trả lời: Mặc dù đã có những biện pháp xử lý cho những vi phạm trong lĩnh vực điện lực, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số điểm bất cập khiến những quy định này khó đi vào thực tiễn. Cụ thể:

Thứ nhất, quy định về đối tượng bị xử phạt trong Nghị định số 134/2013/NĐ-CP:

Khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2012 quy định: Xử phạt VPHC là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi VPHC theo quy định của pháp luật về xử phạt VPHC”.

Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý VPHC, đối tượng bị xử phạt VPHC chỉ có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Tuy nhiên, theo quy định của Điều 3 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP thì đối tượng bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực điện lực không chỉ là cá nhân, tổ chức mà còn có thể là đơn vị điện lực.

Điều 3 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP quy định: “mức phạt tiền trong lĩnh vực điện lực tối đa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân, 100.000.000 đồng đối với tổ chức hoặc đơn vị điện lực”. Căn cứ theo quy định này, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP đã khẳng định đơn vị điện lực là một tổ chức và bị xử phạt gấp hai lần mức tiền phạt của cá nhân đối với cùng một hành vi vi phạm. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 3 Luật Điện lực năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) cho thấy, đơn vị điện lực có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Cụ thể như sau:

“Đơn vị điện lực là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan”.

Như vậy, căn cứ vào chủ thể tham gia, có thể chia đơn vị điện lực thành hai loại: i) đơn vị điện lực là tổ chức thực hiện hoạt động liên quan đến điện lực; ii) đơn vị điện lực là cá nhân thực hiện hoạt động liên quan đến điện lực.

Do đó, trong một số trường hợp, đơn vị điện lực có thể được hiểu là cá nhân chứ không đơn thuần chỉ là tổ chức. Trường hợp đơn vị điện lực là một cá nhân có hành vi VPHC trong lĩnh vực điện lực thì các cơ quan nhà nước sẽ xử phạt như thế nào? Nếu xử phạt như tổ chức thì không công bằng vì trường hợp này đơn vị điện lực là một cá nhân. Ngược lại, nếu xử phạt như một cá nhân thì lại mẫu thuẫn với quy định của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP.

Thứ hai, Khoản 10 Điều 12 Nghị định này quy định, trong trường hợp có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án của cơ quan có thẩm quyền hoặc trả lại hồ sơ thì cơ quan nhà nước sẽ áp dụng mức tiền phạt quy định tại Điểm k Khoản 9 Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP (phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng) và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm d Khoản 12 Điều 12 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP (buộc bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại do hành vi trộm cắp điện gây ra). Thời hạn xử phạt trong trường hợp này căn cứ theo quy định của Điều 63 Luật Xử lý VPHC.

Theo quy định của Điều 63 Luật Xử lý VPHC, đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự (TTHS) thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu VPHC, thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành TTHS phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt VPHC đến người có thẩm quyền xử phạt VPHC.

Trong trường hợp này, thời hạn ra quyết định xử phạt VPHC là 30 ngày, kể từ ngày nhận được các quyết định kể trên kèm theo hồ sơ vụ vi phạm. Trường hợp cần xác minh thêm thì thời hạn tối đa không quá 45 ngày.

Tuy nhiên, quy định về thời hạn xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực điện lực do cơ quan tiến hành TTHS chuyển đến có thể bị “vô hiệu hóa” bởi các quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm trong lĩnh vực điện lực là 01 năm kể từ thời điểm “chấm dứt hành vi vi phạm” hoặc “thời điểm phát hiện hành vi vi phạm”

Bên cạnh đó, việc Nghị định số 134/2013/NĐ-CP còn quy định về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại” là chưa thật sự hợp lý.

Điều 46 Luật Điện lực quy định về quyền của khách hàng sử dụng điện được bồi thường thiệt hại do bên bán điện gây ra và có nghĩa vụ bồi thường khi gây thiệt hại cho bên bán điện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cơ chế bồi thường này phải được thực hiện thông qua thủ tục tố tụng dân sự chứ không phải thông qua thủ tục hành chính. Cụ thể, trong trường hợp này, bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động điện lực.

Do đó, thẩm quyền “buộc bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại” sẽ do Tòa án quyết định thông qua thủ tục tố tụng chứ không thể thông qua thủ tục hành chính bằng biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, việc Nghị định số 134/2013/NĐ-CP quy định nhiều chủ thể, thậm chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chánh Thanh tra Sở Công thương, Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền áp dụng “buộc bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại” như một biện pháp khắc phục hậu quả là không phù hợp với quy định của Luật Điện lực.

  1. Hiện tại các hành vi về vi phạm an toàn trong luật điện lực vẫn chưa được xử lý nghiêm, chúng ta mới chỉ dừng ở mức vận động, vẫn có những trường hợp xây dựng vi phạm khoảng cách an toàn, (xây dựng, thả diều, trộm cắp điện..) theo ông cần phải có những hình thức nào để nâng cao yếu tố răn đe đến người dân hơn?

Trả lời:

Chính bởi các bất cập vẫn còn tồn tại trong quy định hiện hành về lĩnh vực điện lực đã khiến cho việc áp dụng vào thực tế khó khăn, chưa hiệu quả và kết quả là các hành vi vi phạm vẫn chưa được hạn chế nhiều. Đầu tiên, chúng ta cần có những thay đổi để tránh được các mâu thuẫn và bất cập trong quy định và để tránh bỏ lọt các hành vi vi phạm hành chính chưa có chế tài để áp dụng.

Mặc dù vận động và giáo dục pháp luật cho người dân là cần thiết, tuy nhiên bên cạnh đó, chúng ta cũng vẫn cần một khung pháp lý với những quy định chặt chẽ hơn và các mức xử phạt nghiêm hơn. Điều 3 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP quy định:

“- Mức phạt tiền trong lĩnh vực điện lực tối đa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân, 100.000.000 đồng đối với tổ chức hoặc Đơn vị điện lực;

- Mức phạt tiền trong lĩnh vực an toàn đập thủy điện tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức; công trình đập thủy điện từ cấp II trở lên thì áp dụng 100%, từ cấp III trở xuống áp dụng 70% mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm an toàn đập thủy điện quy định tại Nghị định này;

- Mức phạt tiền trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức”. Trong khi các vi phạm trong lĩnh vực điện lực có thể gây ra nhiều hậu quả lớn, mức ảnh hưởng rộng thì mức phạt này có phần chưa tương xứng dẫn đến tình trạng chủ thể hành vi sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm vì lợi nhuận mang lại nhiều hơn số tiền bị xử phạt.

Ngoài ra, các chế tài răn đe phải được đảm bảo thực thi nghiêm chỉnh trong thực tế thì mới có thể mang đến hiệu quả phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật tiềm năng được. Rõ ràng là chúng ta cần có cơ chế xử lý vi phạm trong lĩnh vực này một cách hiệu quả hơn.

  1. Ngành điện đã cũng có chia sẻ về việc khó khăn trong xử lý, ví dụ như chính quyền địa phương thì còn hạn chế về chuyên môn và đơn vị điện lực thì không có thẩm quyền, về phía cá nhân, ông/bà thấy cần phải điều chỉnh, hoặc thay đổi điều gì để phù hợp hơn?

Trả lời:

Nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước của ngành thì chúng ta cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đơn vị điện lực. Thậm chí là cần có tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng và chuyên môn cũng như bổ sung thêm các cá nhân có chuyên môn cao về điện lực vào bộ máy chính quyền địa phương, bổ sung thêm các thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực điện lực.

Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra trong thực tế cũng nên được thực hiện một cách thường xuyên hơn để có thể phát hiện được các hành vi vi phạm kịp thời và ngăn chặn hậu quả tới mức tối đa.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan