Khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, một trong những vấn đề mà họ quan tâm là vấn đề vốn đầu tư vào dự án.
Theo quy định của pháp luật về đầu tư, vốn đầu tư bằng vốn điều lệ cộng với vốn vay. Bên cạnh đó, môt số ngành nghề đăng ký kinh doanh hiện nay yêu cầu phải có vốn pháp định như kinh doanh bất động sản, kinh doanh một số lĩnh vực tài chính, còn lại, hầu hết các lĩnh vực pháp luật không yêu cầu vốn pháp định.
Tuy nhiên, khi thẩm tra dự án đầu tư, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng sẽ thẩm tra về vốn đầu tư vào dự án. Nếu thấy vốn đầu tư không hợp lý, cơ quan chức năng Việt Nam có thể yêu cầu nhà đầu tư giải trình về năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Vì vậy, khi nhà đầu tư dự định đầu tư vào Việt Nam, họ cần có bản giải trình đáp ứng năng lực về tài chính để triển khai dự án trên thực tế.
Việc giải trình về năng lực tài chính sẽ phụ thuộc vào từng loại dự án khác nhau, quy mô và ngành nghề. Ví dụ là đối với một dự án về sản xuất, nhà đầu tư nên giải trình các điều kiện sau:
- Chi phí đầu tư cho nhà xưởng và nhà văn phòng, dự định của đầu tư là tiến hành thuê hay đầu tư xây mới để xác định lượng vốn cần thiết cho hoạt động này;
- Chi phí dự kiến mua sắm máy móc, trang thiết bị để vận hành sản xuất;
- Chi phí mua và nhập khẩu nguyên vật liệu, đầu vào của sản phẩm.
- Chi phí thuê nhân công.
- Chi phí quản lý, chi phí cho việc bán hàng, marketing …
- Nhà đầu tư phải tính cho được tất cả các chi phí cần thiết cho đến khi kinh doanh có nguồn thu và đảm bảo cho hoạt động bình thường của dự án đầu tư.
- Tất cả các chi phí này phải không vượt quá VỐN ĐIỀU LỆ.
- Vậy mức vốn đầu tư/vốn điều lệ tối thiểu phải bằng tổng chi phí dự kiến cho dự án.
Trên đây là một số gợi ý liên quan tới việc giải trình đáp ứng điều kiện năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Khi nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, họ nên nhờ các luật sư, chuyên gia về tài chính để tư vấn cho họ về các vấn đề nêu trên để dự án có thể được sớm cấp phép.