Quy định về việc mang thai hộ tại Việt Nam

Nội dung bài viết

Vừa qua phóng viên của INFOTV đã có cuộc trao đổi với Luật sư của công ty Luật SB LAW về những quy định đối với việc mang thai hộ (MTH), cụ thể:

Câu hỏi: Luật sư có thể chia sẻ cụ thể về quy định MTH?

Trả lời:

Mang thai hộ là việc một người phụ nữ mang thai và sinh con thay cho người khác. Người nhận con là cha mẹ của đứa trẻ, chứ không phải người mang thai hộ. Cha mẹ có thể vì nhiều lý do, như điều kiện sức khỏe không cho phép, mà phải thuê người khác để sinh con hộ mình. Nhiều ca mang thai hộ thực hiện bằng cách cấy trứng và tinh trùng đã thụ tinh của cặp cha mẹ vào trong tử cung của người mang thai hộ.

Dựa trên tiêu chí mục đích của hành vi, mang thai hộ có thể được chia thành hai trường hợp: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và Mang thai hộ vì mục đích thương mại. Hiện nay, pháp luật mới chỉ công nhận việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là hợp pháp.

Đối với mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:

Căn cứ Luật Hôn nhân gia đình 2014, Điều kiên để mang thai hộ theo Điều 95, 96 là:

- Trên cơ sở tự nguyện giữa các bên.

- Người nhờ mang thai hộ phải đủ điều kiện: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; Vợ chồng đang không có con chung; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý

- Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

- Có thỏa thuận về mang thai hộ mục đích nhân đạo, gồm các nội dung như: Thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan quy định tại Điều 95 của Luật HNGĐ; Cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ; Việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan; Thỏa thuận này phải lập thành văn bản và được công chứng.

- Điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (Theo Điều 13 Nghị Định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo)

- Hồ sơ và thủ tục đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Điều 14 Nghị Định 10/2015/NĐ-CP được quy định như sau:

1. Cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này, gồm:

a) Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;

d) Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;

đ) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

e) Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này và đã từng sinh con;

g) Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;

h) Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.

i) Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;

k) Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;

l) Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;

m) Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ sở được cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.

Câu hỏi: Việc công khai trao đổi dịch vụ MTH trên MXH vi phạm quy định MTH như thế nào?

Trả lời:

Dù hiện nay luật pháp không cho phép mang thai hộ vì mục đích thương mại, nhưng trên thực tế dịch vụ này vẫn âm thầm diễn ra. Điều đáng nói là từ ý nghĩa nhân đạo đúng với nghĩa của của mang thai hộ là giúp đỡ những người hiếm muộn không thể mang thai có con, việc làm này đã trở thành một “dịch vụ ngầm” mà nhiều người vẫn gọi là “đẻ thuê” hay “cho thuê tử cung”. Người nhờ mang thai và người mang thai hộ chỉ có thỏa thuận miệng về điều kiện và thù lao, sau đó tiến hành thông qua một dịch vụ y tế “chui”, người mang thai hộ phải tuyệt đối giữ bí mật và bị cách ly với đứa trẻ ngay sau khi sinh ra. Vì nhiều gia đình hiếm muộn sẵn sàng trả số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng cho một ca sinh hộ như thế nên không ít người đã hành nghề… đẻ thuê với nhiều lần mang thai cho người khác. Dù vậy, về mặt pháp lý, dịch vụ MTH (hay còn có thể gọi là MTH vì mục đích thương mại) trên MXH là vi phạm pháp luật.

Do trao đổi dịch vụ MTH vì mục đích thương mại trái với Điều 5 Khoản 2 Luật HNGĐ 2014, đây là một trong những hành vi bị pháp luật cấm.

Câu hỏi: Giao dịch MTH “chui” sẽ gặp phải những nguy cơ phiền phức nào? ( chẳng hạn người mang thai sau khi sinh không trả lại con cho người thuê dù đã nhận hết tiền xong hoặc có những tranh chấp, dọa nạt, vòi vĩnh, đòi thêm tiền… của người nhờ mang thai hộ )

Trả lời:

Vì là giao dịch chui, không được pháp luật bảo vệ nên rủi ro là điều không thể tránh khỏi của việc MTH chui. Ngoài những rủi ro về mặt pháp lý, các bên cũng như đứa trẻ còn có thể gặp những nguy cơ khác, cụ thể:

- Rủi ro về thanh toán. Do không được đảm bảo về mặt pháp lý, các tổ chức hay những người đứng ra giao dịch chui rất dễ bỏ trốn mà không thực hiện nghĩa vụ hay thực hiện không đầy đủ thỏa thuận giữa hai bên. Mặt khác đối với bên nhận MTH, có khả năng không được thanh toán khi đứa trẻ sinh ra bị dị tật, sức khỏe không mong muốn, khiên cho người thuê MTH không muốn nhận con.

- Rủi ro về mặt y tế: Không có một hình thức đảm bảo cho tổ chức hay người thực hiện hoạt động MTH chui này có thể chắc chắn việc MTH bảo đảm sức khỏe, hay bảo đảm nguồn phôi chính xác cho khách hàng, dẫn tới nhiều rủi ro về sức khỏe sau này cho cả đứa trẻ và người nhận MTH.

- Rủi ro khi xảy ra tranh chấp: Vì pháp luật không bảo vệ cho MTH nên không có hình thức giải quyết tranh chấp nào khi xảy ra. Do vậy, khi có tranh chấp, các bên đều tự thỏa thuận, mặc dù rất khó có thể giải quyết bằng phương pháp này.

- Ngoài ra còn có thể xảy ra những vấn đề liên quan tới mặt tình cảm, do đứa trẻ sinh ra không bởi người mẹ nhận mà do người MTH. Hơn nữa không thể xác định được cha mẹ trong trường hợp này do pháp luật không quy định.

Câu hỏi: Pháp luật sẽ xử phạt ra sao với việc thương mại hóa dịch vụ MTH?

Trả lời:

Đối với trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 100 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“Các bên trong quan hệ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vi phạm điều kiện, quyền, nghĩa vụ được quy định tại Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự”.

Như vậy, hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị xử lý vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại, nếu có. Thậm chí, hành vi này còn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, Điều 187 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) quy định về Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại như sau:

“Điều 187. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Như vậy, hình phạt cao nhất mà người có hành vi vi phạm pháp luật có thể phải chịu theo quy định này có thể lên tói 5 năm tù giam.

Phóng viên: Xin cảm ơn Luật sư !

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan