Quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp: Nhiều vướng mắc cần phải sửa đổi

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SB Law đã trả lời về những mâu thuẫn trong quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp 2014 trên báo Pháp lý. Dưới đây là nội dung chi tiết:

(Pháp lý) – Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều – Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam cho biết, thời điểm trước khi Luật Doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung năm 2014, một số doanh nghiệp đã xảy ra tình trạng tê liệt toàn bộ hoạt động, khi lãnh đạo doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật bị bắt giam, khởi tố.

Hàng loạt quy định mâu thuẫn, vướng mắc

Tình huống này đã chỉ ra những bất cập trong quy định về doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật của Luật Doanh nghiệp năm 2005. Và để giải quyết thực trạng trên, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bổ sung quy định Công ty TNHH và Công ty cổ phần (CTCP) có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam

Tuy nhiên, Luật sư Kiều cho rằng, quy định mới cho phép doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật, có thể sẽ xảy ra nhiều vướng mắc, nhất là khi có sự tranh chấp giữa các nhóm cổ đông. “Việc tồn tại song song từ hai người đại diện theo pháp luật trở lên sẽ là vướng mắc rất lớn cho doanh nghiệp nếu xảy ra tình trạng mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu xảy ra tình trạng hôm nay, một người đại diện theo pháp luật ký văn bản với nội dung A, gửi cho các bên có liên quan và cả cơ quan quản lý; ngày mai, người đại diện theo pháp luật khác gửi một văn bản với nội dung hoàn toàn trái ngược, thì các bên sẽ tin ai?”, Luật sư Kiều lý giải.

Luật sư Kiều phân tích, điều lệ doanh nghiệp phải quy định chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, nhưng việc giao kết hợp đồng với doanh nghiệp của các đối tác sẽ có nguy cơ gặp rủi ro nếu người đại diện không ký đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại chưa có văn bản quy định rõ ràng, không công khai chi tiết phân quyền, không lường hết những tình huống phát sinh dẫn tới tình trạng doanh nghiệp dù có nhiều người đại diện theo pháp luật, nhưng lại không thể ký kết được các hợp đồng.

Bàn thêm về những mâu thuẫn trong quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp 2014, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho biết, một số quy định trong Luật này chưa đảm bảo tính hợp lý và logic so với các văn bản luật khác, một trong những tồn tại hiện nay là sự mâu thuẫn về khái niệm người quản lý doanh nghiệp với các quy định còn lại. Theo Luật sư Hà, Luật Doanh nghiệp năm 2014, quy định người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm: chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh (TVHD), Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT,… có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

 Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật sư SBLAW
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật sư SBLAW
Quy định này cho thấy, mọi thành viên hội đồng đều là người quản lý doanh nghiệp. Trong khi đó, cơ cấu HĐTV của Công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm tất cả các thành viên của công ty và trong công ty hợp danh (CTHD), HĐTV là cơ quan có quyền quản lý cao nhất, bao gồm mọi thành viên của công ty và thành viên góp vốn cũng nằm trong cơ cấu của HĐTV. “Trong cuộc họp của HĐTV, thì thành viên góp vốn chỉ được tham gia và thảo luận, chỉ có quyền biểu quyết về các nội dung có liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn; về tổ chức lại và giải thể công ty và các nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ”, Luật sư Hà phân tích.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định thành viên góp vốn không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty. Điều này đồng nghĩa với việc thành viên góp vốn không thể trở thành người quản lý doanh nghiệp như định nghĩa tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Như vậy, khái niệm người quản lý doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp có sự mâu thuẫn với cơ cấu tổ chức quản lý Công ty TNHH hai thành viên trở lên và quy định về nghĩa vụ của thành viên góp vốn trong CTHD.

Bên cạnh đó, Luật sư Hà cũng chỉ ra sự mâu thuẫn trong quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp năm 2014 đang không phù hợp với Bộ Luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Vị luật sư này dẫn chứng, quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 đối với Công ty TNHH có hai thành viên trong trường hợp nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, trốn thuế, kinh doanh trái phép… thì thành viên còn lại sẽ làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của HĐTV về người đại diện theo pháp luật của công ty. Quy định này cho thấy, đối với Công ty TNHH có hai thành viên trở lên có thể có “thành viên là tổ chức” làm người đại diện theo pháp luật của công ty, trong khi đó khái niệm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì chỉ có “cá nhân” mới được làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

“Luật Doanh nghiệp đã liệt kê cụ thể các tội như: buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng để dễ dàng khi áp dụng, trong khi đó Bộ Luật Hình sự bổ sung năm 2017 đã bỏ tội “kinh doanh trái phép”. Dó đó, việc liệt kê các tội danh như trên sẽ không còn phù hợp”. Còn đối với “tội khác theo quy định của Bộ Luật Hình sự” thì đó có phải là các tội phạm còn lại được quy định trong Bộ Luật Hình sự không, nếu đúng như vậy thì có vẻ việc liệt kê các tội danh như trên lại tỏ ra thừa trong khi đã có quy định “quét” tất cả các tội danh. Có thể lý giải cho quy định này là nhằm mục đích nhấn mạnh các hành vi mà doanh nghiệp thường vi phạm, nhưng dù sao đi nữa việc quy định như vậy vẫn là một sự hạn chế của điều luật.

Chuyên gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật

Về trường hợp có nhiều người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, theo Luật sư Kiều, nên quy định trong Luật Doanh nghiệp về việc bắt buộc phải công bố, công khai bằng văn bản nội dung phân công quyền và nghĩa vụ của từng người đại diện trước pháp luật trong doanh nghiệp, khi thành lập doanh nghiệp hoặc khi thay đổi người đại diện trước pháp luật của doanh nghiệp.

Luật sư Kiều cũng cho rằng, cần có quy định “doanh nghiệp phải công bố thông tin cho bên thứ ba biết về việc thay đổi, chấm dứt tư cách người đại diện của người đại diện theo pháp luật liên quan đến giao dịch tại thời điểm xác lập”. Đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, thì người đại diện theo pháp luật còn lại sẽ thực hiện việc công bố thông tin.

Đối với doanh nghiệp có một người đại diện theo pháp luật thì cấp phó phụ trách mảng hành chính sẽ thực hiện việc công bố thông tin. Tuy nhiên, để đảm bảo việc công bố thông tin được kịp thời, trước hết cần phải công bố ngay trên Cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp, sau khi ban quyết định về việc thay đổi, chấm dứt tư cách của người đại diện theo pháp luật.

“Trong trường hợp có nhiều người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, quyền hạn và nghĩa vụ của những người này được quy định trong Điều lệ của doanh nghiệp. Cho nên, nếu bên thứ ba không xem xét kỹ Điều lệ của doanh nghiệp trước khi xác lập giao dịch, có thể giao dịch với người không có thẩm quyền đại diện hoặc khi thông tin về việc phân công trách nhiệm chỉ giới hạn trong nội bộ doanh nghiệp”, Luật sư Kiều phân tích.

image003Bên cạnh đó, nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng không ghi nhận phạm vi được đại diện và các thông tin về chức danh quản lý, quyền hạn, nghĩa vụ của từng người đại diện chỉ được thể hiện trong Điều lệ công ty, nhưng Điều lệ công ty không phải là nội dung phải được thông báo công khai.

Vì vậy, Luật sư Kiều cho rằng, nên quy định theo hướng: “Mọi quy định hạn chế của doanh nghiệp về phân công thẩm quyền giữa những người đại diện theo pháp luật trong cùng một doanh nghiệp chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi họ biết được về sự hạn chế đó”. Quy định này sẽ tạo cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc công bố thông tin về người đại diện theo pháp luật với bên thứ ba, từ đó hạn chế được những rủi ro do những giao dịch vô hiệu mang lại và đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 179 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Đối với những trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật, Luật sư Kiều kiến nghị, Luật Doanh nghiệp cần có quy định bắt buộc: “Doanh nghiệp phải công bố thông tin cho bên thứ ba biết về việc thay đổi, chấm dứt tư cách người đại diện của người đại diện theo pháp luật liên quan đến giao dịch tại thời điểm xác lập”. Đối với doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, thì người đại diện theo pháp luật còn lại sẽ thực hiện việc công bố thông tin. Trường hợp doanh nghiệp có một người đại diện theo pháp luật thì cấp phó phụ trách mảng hành chính thực hiện việc công bố thông tin. Tuy nhiên, để đảm bảo việc công bố thông tin được kịp thời, trước hết cần phải công bố ngay trên Cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp sau khi ban quyết định về việc thay đổi, chấm dứt tư cách của người đại diện theo pháp luật.

Đối với khái niệm người đại diện theo pháp luật, để thống nhất, Luật sư Hà cho rằng, cần sửa đổi thuật ngữ “người quản lý doanh nghiệp” để không mâu thuẫn với quy định tại Điều 55 và Điều 182 Luật Doanh nghiệp năm 2014 như đã phân tích trên. Trong thời gian tới, khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2014, các nhà làm luật cần xây dựng khái niệm người quản lý doanh nghiệp sao cho phù hợp với cơ cấu tổ chức của từng mô hình doanh nghiệp và không mâu thuẫn với các điều luật còn lại của Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để thống nhất với khái niệm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và phù hợp với quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cũng như khi Bộ Luật Hình sự có thay đổi sẽ dẫn đến tình trạng không còn phù hợp khi liệt kê các tội danh cụ thể như hiện nay và phù hợp với các hành vi xảy ra trên thực tế của doanh nghiệp. Theo Luật sư Hà, trong thời gian tới cần sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014 theo hướng: “Đối với CTTNHH hai thành viên trở lên, nếu có thành viên làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội theo quy định tại Chương XVIII và Chương XIX của Bộ Luật Hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của HĐTV về người đại diện theo pháp luật của công ty”.

Giang Nguyễn

Trích nguồn:http://phaply.net.vn/quy-dinh-ve-nguoi-dai-dien-theo-phap-luat-cua-doanh-nghiep-nhieu-vuong-mac-can-phai-sua-doi/?fbclid=IwAR1iB8LPSPsNGxnkcf44GmPX5k-NO5-Qi25IyZuiucKjYy_MM9SNC1_bAy0

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan