Ngày 11/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2024/NĐ-CP quy định về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trường hợp tổ chức tín dụng phân bổ lãi phải thu phải thoái. Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý:
- Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 5 của tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tài chính vi mô), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể là: Nhóm 1: 0%; Nhóm 2: 5%; Nhóm 3: 20%; Nhóm 4: 50%; Nhóm 5: 100%.
- Mức trích lập dự phòng đối với tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tài chính vi mô), chi nhánh ngân hàng nước ngoài: được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ được phân loại từ nợ nhóm 1 đến nợ nhóm 4, trừ các khoản sau đây: Tiền gửi tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật và tiền gửi tại TCTD ở nước ngoài; khoản cho vay, mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
- Thời điểm trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng: Trong 07 ngày đầu tiên của tháng, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập dự phòng cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề căn cứ nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn giữa:
- Nhóm nợ theo kết quả tự phân loại nợ cho thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; và
- Nhóm nợ đã được điều chỉnh theo nhóm nợ của danh sách khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cung cấp theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm gần nhất.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 11/7/2024.