Quy định về Lao động Trẻ em tại Việt Nam

Nội dung bài viết

Vấn đề lao động trẻ em vẫn là một vấn đề toàn cầu cấp bách, và Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đối mặt với những thách thức trong việc thiết lập quy định và quản lý chặt chẽ lao động trẻ em một cách nghiêm ngặt trong khi cân bằng sự phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội.

Quy định về Lao động Trẻ em tại Việt Nam

Việt Nam đã thiết lập một khung pháp lý để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, chủ yếu được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động, Luật Trẻ em và các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, như Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ em (UNCRC) và các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Theo quy định tại Điều 1 Luật trẻ em năm 2016, trẻ em là người dưới 16 tuổi. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định tuổi làm việc tối thiểu là 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này. Như vậy, có thể hiểu người lao động dưới 15 tuổi làm việc theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của NSDLĐ thì được xem là lao động trẻ em.

Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, NSDLĐ phải tuân theo quy định tại Bộ luật Lao động và Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên, ví dụ như: bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ; bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi; khi sử dụng lao động chưa thành niên, NSDLĐ phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; …

Đồng thời, Luật Trẻ em đề ra các biện pháp toàn diện để ngăn chặn bóc lột trẻ em, bảo vệ quyền của trẻ em và cung cấp hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Luật nhấn mạnh sự quan trọng của chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, các chương trình, hoạt động xã hội, câu lạc bộ tuyền truyền về các ván đề về trẻ em để nâng cao nhận thức nhằm ngăn chặn trẻ em tham gia lao động khi chưa đủ điều kiện.

Quy định về lao động trẻ em tại Việt Nam
Quy định về lao động trẻ em tại Việt Nam

Những thách thức trong việc chấm dứt lao động trẻ em

Mặc dù có các quy định pháp luật chi tiết, nhưng vẫn tồn tại những thách thức trong việc chấm dứt lao động trẻ em một cách hiệu quả tại Việt Nam. Việc tuân thủ các luật về lao động trẻ em vẫn không nhất quán đồng đều, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn nơi việc quản lý và giám sát còn hạn chế. Khó khăn về kinh tế thúc đẩy nhiều gia đình phải phụ thuộc vào các em nhỏ để kiếm thêm thu nhập, duy trì chu kỳ lao động trẻ em. Ở các khu vực nông thôn nơi tỷ lệ nghèo cao hơn, trẻ em thường làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc ngành công nghiệp không chính thức để bổ sung thu nhập gia đình, khiến trẻ em không thể dành thời gian cho việc học hành cũng như phát triển cá nhân. Sự hạn chế trong việc tiếp cận giáo dục càng làm trầm trọng hơn tình trạng lao động trẻ em tại Việt Nam. Tuy đã có nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng trường học và khuyến khích, nâng cao tỷlệ nhập học, nhưng sự bất cập vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.

Để giải quyết những thách thức này và tăng cường hiệu quả của các quy định về lao động trẻ em tại Việt Nam, một số biện pháp thực tế có thể được xem xét. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng nặng hình phạt cho người vi phạm, đồng thời tổ chức các chiến dịch tăng cường nhận thức, có thể ngăn chặn bóc lột lao động trẻ em và đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành. Thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội dành cho các gia đình khó khăn có thể giảm bớt áp lực kinh tế đẩy trẻ em vào thị trường lao động. Các chương trình tài trợ, hỗ trợ các gia đình tiếp cận với các dịch vụ y tế và cơ hội đào tạo nghề có thể nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình tự nuôi sống mình mà không cần thêm lao động trẻ em. Cải thiện tỷ lệ tiếp cận giáo dục, giảm các chi phí liên quan đến việc đi học và giải quyết các rào cản như giao thông và ngôn ngữ có thể tăng cường cơ hội giáo dục cho tất cả trẻ em.

Luật sư Hồng Duyên

Công ty luật SBLAW

Tham khảo thêm dịch vụ >> Luật sư Tư vấn luật lao động

5/5 (1 Review)

Bài viết liên quan