Quy định về hàng hóa vận chuyển qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời kênh truyền hình ANTV về các quy định về hàng hóa vận chuyển qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh.

Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Quy định về hàng hóa vận chuyển qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh? Cần bổ sung những quy định nào?

Trả lời: Theo Điều 25 Chương 1 Phần 2 Công ước bưu chính thế giới thì:

Điều 25: Các bưu gửi không được chấp nhận. Cấm gửi

1- Bưu gửi không đáp ứng được các điều kiện đã nêu trong Công ước và các thể lệ sẽ không được chấp nhận.

2- Trừ các trường hợp ngoại lệ nêu trong các thể lệ, cấm chứa các nội dung sau trong tất cả các loại Bưu gửi.

2.1- Các chất ma tuý và kích thích thần kinh.

2.2- Các chất dễ nổ, dễ cháy hoặc các chất nguy hiểm khác hay chất phóng xạ.

2.2.1- Những nội dung sau không tuân theo điều cấm trên:

2.2.1.1- Các chất sinh học được gửi trong bưu phẩm quy định tại Điều 44.

2.2.1.2- Các chất phóng xạ được gửi trong bưu phẩm hay bưu kiện được nêu ở Điều 26.

2.3- Các vật phẩm dâm ô, đồi bại.

2.4- Động vật sống trừ một số loại đã được quy định ở đoạn 3.

2.5- Các vật phẩm bị cấm nhập và cấm lưu hành trong nước nhận.

2.6- Các vật phẩm do bản chất hoặc do cách gói bọc có thể gây nguy hiểm cho nhân viên hoặc làm hỏng các vật phẩm khác hoặc các thiết bị bưu chính.

2.7- Các tài liệu có tính chất thông tin hiện thời và riêng tư trao đổi giữa những cá nhân không phải là người gửi, người nhận hay những người ở cùng với họ.

3- Tuy nhiên, các trường hợp sau được chấp nhận.

3.1- Trong bưu phẩm trừ bưu phẩm khai giá.

3.1.1- Ong, đỉa, tằm

3.1.2- Các vật ký sinh và các nhân tố diệt trừ sâu bọ có hại dùng vào việc kiểm soát các loại sâu bọ đó trao đổi giữa các Viện nghiên cứu được chính thức công nhận.

3.2- Trong bưu kiện: động vật sống, nếu pháp luật của các nước liên quan cho phép vận chuyển qua đường bưu điện;

4- Cấm chứa những vật phẩm sau đây trong bưu kiện:

4.1- Tài liệu có tính chất thông tin hiện thời và riêng tư trao đổi giữa người gửi và người nhận hay những người ở cùng với họ.

4.2- Thư từ các loại trao đổi giữa các cá nhân không phải là người gửi và người nhận hoặc những người ở cùng với họ.

5- Cấm không được đưa các loại tiền kim loại, tiền giấy, chứng khoán, các loại séc du lịch bạch kim, vàng hoặc bạc đã được gia công hoặc chưa, các loại đá quý, đồ trang sức hoặc các vật phẩm có giá trị khác vào:

5.1- Trong bưu phẩm không khai giá, tuy nhiên, nếu luật pháp nước gửi và nước nhận cho phép thì những vật phẩm trên vẫn có thể được gửi trong phong bì dán kín như một Bưu gửi ghi số;
5.2- Trong bưu kiện không khai giá được trao đổi giữa hai nước chấp nhận mở dịch vụ bưu kiện khai giá; ngoài ra, bưu chính các nước có quyền cấm gửi vàng nén trong các bưu phẩm khai giá hoặc không khai giá đi hoặc đến lãnh thổ nước mình hoặc quá giang gửi rời qua nước đó. Các nước có quyền giới hạn giá trị thực tế đối với các loại vật phẩm này.

6- Ấn phẩm và học phẩm người mù:

6.1- Không được chứa các tài liệu có tính chất thông tin hiện thời và riêng tư cá nhân;
6.2- Không được chứa các tem cước phí hoặc các ấn phẩm trả cước cho dù những ấn phẩm này đã sử dụng hay chưa hoặc bất kỳ loại giấy tờ có giá trị về mặt tiền tệ.

7- Việc xử lý các vật phẩm được chấp nhận nhằm quy định trong các Thể lệ. Tuy nhiên những vật phẩm có chứa nội dung đề cập trong điểm 2.1, 2.2, và 2.3 sẽ không được chuyển tới nước nhận, phát cho người nhận hoặc chuyển hoàn lại nước gốc trong bất kỳ trường hợp nào.”

Điều 12 Luật Bưu chính năm 2010 quy định về những vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính gồm:

Điều 12. Vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính

1. Vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật của Việt Nam quy định cấm lưu thông.

2. Vật phẩm, hàng hoá từ Việt Nam gửi đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu.

3. Vật phẩm, hàng hoá từ các nước gửi về Việt Nam mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu.

4. Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình tiếp nhận hàng hóa, nhiều nhân viên bưu cục hay bưu điện vẫn phớt lờ quy định, cho qua. Hoặc do đa số khách hàng đóng gói sẵn trong thùng carton, hoặc trong túi nilon màu kín mang ra bưu cục, bưu điện bằng đường bộ hay tàu hỏa, nếu nhân viên bưu cục, bưu điện không kiểm tra kỹ sẽ không phát hiện ra.

Và đây cũng chính là kẽ hở, mảnh đất màu mỡ của các đối tượng hoạt động tội phạm, buôn lậu triệt để lợi dụng "canh tác". Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung văn bản qui định về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước; sửa đổi, bổ sung những văn bản còn bất cập đang bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, ….

trách nhiệm của đơn vị vận chuyển hàng hoá
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời kênh ANTV

2. Hình thức xử lý ra sao đối với các vụ việc vận chuyển hàng hóa là hàng cấm, hàng không có giấy tờ hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ?

Trả lời: Thứ nhất, về xử phạt hành chính:

Điều 7 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quy định như sau:

“Điều 7. Vi phạm các quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa từ Việt Nam đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu;

b) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm sử dụng hoặc cấm lưu thông theo quy định của pháp luật;

c) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

d) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển hoặc phát bưu gửi chứa văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Gửi tài liệu, vật mang bí mật nhà nước không qua doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được nhà nước chỉ định;

b) Chấp nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước không đúng thẩm quyền.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b và d Khoản 1 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy vật phẩm đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Buộc tái xuất vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này;

c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này”.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Nếu bị phát hiện thì tùy vào hành vi và mức độ của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu (Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015),

Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250 Bộ luật hình sự năm 2015),

Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191 Bộ luật hình sự năm 2015), …

3. Trách nhiệm của đơn vị vận chuyển được quy định như thế nào?

Trả lời: Nếu khách hàng đã được đơn vị vận chuyển khuyến cáo về quy định hàng hóa cấm vận chuyển nhưng khách hàng vẫn không tuân thủ thì khi xảy ra sự việc, khách hàng buộc phải có trách nhiệm với đơn vị vận chuyển.

Theo đó, trong trường hợp hàng hóa bị cơ quan chức năng bắt giữ, đơn vị vận chuyển sẽ hoàn toàn không chịu trách nhiệm.

Công ty vận chuyển hàng hóa sẽ hợp tác với cơ quan chức năng cung cấp tên người gửi để cơ quan chức năng làm việc trực tiếp với khách hàng sử dụng dịch vụ.

Đồng thời khách hàng sẽ phải bồi thường những thiệt hại phát sinh nếu có cho đơn vị vận chuyển.

Trong trường hợp, đơn vị vận chuyển biết Khách hàng vận chuyển hàng hóa cấm vận chuyển nhưng vẫn cố tình che giấu, vận chuyển cho Khách hàng nhằm hưởng lợi thì đơn vị vận chuyển hoặc người trực tiếp thực hiện công việc của đơn vị vận chuyển sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ phạm tội với vai trò là đồng phạm.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan