Quy định về cấp giấy phép môi trường: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn

Nội dung bài viết

Giấy phép môi trường được quy định lần đầu tại Luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14. Giấy phép môi trường là một công cụ quản lý có tính thống nhất và pháp lý cao để giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động bảo vệ môi trường đối với các dự án trong giai đoạn thực hiện (xây dựng, vận hành thử nghiệm, vận hành thương mại) và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SBLaw đã có những ý kiến đóng góp cho Tạp chí Luật sư Việt Nam trong Tọa đàm với chủ đề: “Quy định về cấp giấy phép môi trường: Những vấn đề pháp lý và thực tiễn”. Dưới đây là nội dung chi tiết

Chuyên đề 1: Cơ sở pháp lý của những quy định pháp luật về hồ sơ cấp, xin cấp giấy phép môi trường

Môi trường là một trong những vấn đề nóng luôn được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế công nghiệp, môi trường cũng ngày càng bị đe dọa bởi các hoạt động của con người. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 (“Luật BVMT”) có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã đưa ra nhiều quy định mới về thời điểm, thời hạn nộp hồ sơ xin cấp phép môi trường, chi phí thẩm định cấp giấy phép môi trường cho các loại dự án. Đây là điều kiện cần và đủ, bảo đảm các cơ sở trước khi đi vào vận hành, hoạt động phải thực hiện đúng các quy định của luật để phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ ô nhiễm môi trường.

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật BVMT, giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Đối tượng phải có giấy phép môi trường được quy định tại Điều 39 Luật BVMT, cụ thể như sau:

  1. Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.
  2. Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
  3. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.

Trong đó, Dự án đầu tư nhóm I là những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao như: dự án sử dụng đất, biển có quy mô lớn hoặc có yếu tố nhạy cảm về môi trường; các dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên có quy mô lớn; … Theo đó những dự án này bắt buộc phải lập đánh giá sơ bộ tác động môi trường và đánh giá tác động môi trường.

Dự án đầu tư nhóm II là những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường như: dự án sản xuất, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường; dự án sử dụng đất, nước có quy mô nhỏ, dự án yêu cầu di dân quy mô trung bình, …

Dự án đầu tư nhóm III là những dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Mặc dù Luật BVMT được đánh giá có nhiều điểm mới về việc cấp giấy phép môi trường nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, nhưng quá trình triển khai thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc. Cụ thể:

Thứ nhất, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường, quy định các doanh nghiệp phải hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường rồi mới làm hồ sơ xin Giấy phép môi trường (Điểm c Khoản 1 Điều 28). Ở đây tiềm ẩn một rủi ro, đó là khi doanh nghiệp bỏ tiền, thậm chí là rất nhiều tiền để hoàn thành công trình bảo vệ môi trường xong cơ quan quản lý vẫn không duyệt Giấy phép môi trường. Doanh nghiệp nào rơi vào hoàn cảnh đó sẽ thiệt hại rất lớn, vì vậy phải cân nhắc thật kỹ trước khi làm các thủ tục xin Giấy phép môi trường.

Thứ hai, Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành còn thiếu những hướng dẫn chi tiết, cụ thể về đánh giá sức chịu tải của môi trường trong mối liên hệ với việc cấp giấy phép môi trường để bảo đảm cấp giấy phép này phù hợp với sức chịu tải của môi trường nhằm góp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, việc phân định đối tượng thực hiện thủ tục hành chính về giấy phép môi trường căn cứ theo nội dung dự án, quy mô công suất; yếu tố nhạy cảm về môi trường còn gặp khó khăn. Nhiều dự án đã và đang bắt đầu lập hồ sơ nhưng lại bị lúng túng trong quá trình thực hiện khiến giấy phép môi trường bị trễ, không đúng như thời gian dự kiến ban đầu.

Ngoài ra, hiện nay còn thiếu quy định chi tiết, cụ thể về điều kiện cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát với các trường hợp doanh nghiệp xin cấp các loại giấy phép môi trường vượt quá quy mô, tính chất của dự án hoạt động cũng như yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án.

Chuyên đề 2: Giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường đối với các cấp quản lý, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở vật chất, …

Để khắc phục những vướng mắc, khó khăn trên, trước tiên, cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm.

Thứ hai, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải phân tích, đánh giá được hiện trạng các thành phần môi trường, sự tác động của hoạt động kinh doanh tới môi trường một cách khách quan để từ đó đánh giá đúng sức chịu tải của môi trường, làm cơ sở cho việc cấp giấy phép môi trường được hợp lý nhất, đáp ứng một cách hiệu quả về yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, phân cấp, phân quyền thêm cho các địa phương trong việc phân định nhóm dự án thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; hướng dẫn rõ đánh giá sơ bộ tác động môi trường; phân định rõ tiêu chí xác định nội thành, nội thị làm cơ sở xác định dự án có yếu tố nhạy cảm môi trường.

Đồng thời, cần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý giấy phép môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng giấy phép môi trường.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan