Quy định pháp luật xung quanh việc mạo danh người khác nhằm chiếm đoạt tài sản

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Bạn & Pháp luật về Quy định pháp luật xung quanh việc mạo danh người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà, rõ ràng tình trạng mạo danh các cơ quan chức năng gọi điện thoại chuyển tiền là thủ đoạn khá phố biến, nhưng nhiều người dân vẫn sập bẫy, ông có bình luận gì không, thưa ông?

Trả lời:

Hiện nay, dư luận đang xôn xao về hành vi của các đối tượng giả danh công an, lợi dụng phạt và thu tiền của người dân. Các đối tượng này thực hiện các thủ đoạn lừa đảo, thu lợi bất chính, phục vụ lợi ích cá nhân của mình. Hành vi này rất nghiêm trọng, không chỉ là việc lừa gạt tiền bạc của người dân noi riêng mà còn gây ảnh hưởng uy tín, hình ảnh của cán bộ Công an nhân dân trong mắt quần chúng nói chung. Do đó, hành vi này cần được xử lý nghiêm khắc, phòng ngừa chung cho toàn xã hội. Về phía người dân cũng cần đặc biệt cảnh giác đối với những loại tội phạm này.

Thủ đoạn gọi điện thoại, mạo danh người của cơ quan công quyền để lừa đảo không mới nhưng vì nhiều lý do số nạn nhân vẫn chưa dừng lại.

Mặc dù, người dân đã được các cơ quan có thẩm quyền cảnh báo về những thủ đoạn của những kẻ lừa đảo nhưng với chiêu lừa mới, cách làm mới, hầu như không ai nhận biết được những bất thường.

Đồng thời, gần đây các đối tượng đã thay đổi phương thức hoạt động, tập trung vào những gia đình có điều kiện về kinh tế và người cao tuổi.

Các đối tượng đánh trúng tâm lý thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, không đủ minh mẫn, lo sợ liên quan đến pháp luật của người cao tuổi. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn tới bẫy lừa đảo này là người dân - đặc biệt là người cao tuổi - ít quan tâm đến cảnh báo của cơ quan chức năng, nên dù phương thức cũ nhưng vẫn có nạn nhân mới.

Câu 2: Thế nào là lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật, mạo danh người khác nhằm chiếm đoạt tài sản có quy định cụ thể nào khác không, thưa ông?

Trả lời:

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của một người nào đó bằng cách sử dụng những thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, hành vi của người này chỉ cấu thành tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản khi thỏa mãn những yếu tố quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Câu 3: Mức xử lý vi phạm cao nhất đối với hành vi này là gì, thưa luật sư?

Trả lời:

Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, theo quy định này thì mức xử lý cao nhất đối với hành vi này là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Câu 4: Thưa Luật sư, Bộ Luật hình sự 2015, được áp dụng từ 1/1/2018 so với Luật cũ có những điểm gì mới khi quy định về hành vi mạo danh người khác nhằm chiếm đoạt tài sản?

Trả lời:

So với BLHS 1999, thì trong BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã xây dựng một số điểm mới thể hiện sự tiến bộ về kỹ thuật lập pháp của nước ta trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể như:

- Sửa đổi, bổ sung các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại khoản 1 Điều 174 BLHS 2015. Theo đó, sửa đổi và bổ sung thêm các dấu hiệu phạm tội mới thuộc trường hợp chiếm đoạt tài sản dưới 2.000.000 đồng:

+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Đây là sự bổ sung theo hướng cụ thể các tội có liên quan đến căn cứ “chiếm đoạt tài sản”, cụ thể hơn so với quy định tại khoản 1 Điều 139 BLHS 1999 (quy định chung chung), nhằm tránh trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng thiếu chuẩn xác trong việc nhận định như thế nào là “hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản” do hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản trong BLHS bao gồm nhiều tội danh.

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội (điểm c khoản 1 Điều 174 BLHS 2017).

+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ (điểm d khoản 1 Điều 174 BLHS 2017). Quy định này đã cụ thể hóa một số trường hợp xảy ra trên thực tế khi định giá tài sản bị thiệt hại (phương tiện kiếm sống chính của người bị hại) là rất thấp nhưng do BLHS 1999 chưa quy định nên không có căn cứ truy cứu TNHS, BLHS 2017 khắc phục vấn đề này nhằm tránh các trường hợp bỏ lọt tội phạm. Điều 174 BLHS 2017 bỏ tình tiết “tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” (quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 174 BLHS 2015) là phù hợp, vì sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng điều luật trong hoạt động điều tra – truy tố - xét xử, vì nhận thức khác nhau về việc áp dụng một số tình tiết đó, cũng như hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể cho một số tình tiết này và nội hàm của một số tình tiết đó trùng lắp với các tình tiết khác trong điều luật.

+ Khoản 2 Điều 174 BLHS 2017 đã bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” (điểm g khoản 2 Điều 139 BLHS 1999), việc loại bỏ tình tiết này là phù hợp, bởi căn cứ xác định “gây hậu quả nghiêm trọng” trong thực tế áp dụng rất khó khăn, mặc dù có quy định tại tiểu mục a mục 3.4 phần I Thông tư 02/2001 của BLHS 1999.

+ Khoản 3 Điều 174 BLHS 2015 đã bỏ tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng” (điểm b khoản 3 Điều 139 BLHS 1999);

Đồng thời, BLHS 2015 quy định mới thêm một tình tiết định khung khác là “Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh”, đây là quy định hợp lý, nhằm tránh các trường hợp phạm tội phát sinh trong những điều kiện khách quan đặc biệt mà chưa có quy định dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

+ Khoản 4 Điều 174 BLHS 2017 đã bỏ tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” (điểm b khoản 4 Điều 139 BLHS 1999).

Đồng thời, BLHS 2015 quy định mới thêm một tình tiết định khung khác là c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp…”, đây là sự bổ sung hợp lý, nhằm tránh bỏ lọt tội phạm trong một số trường hợp cụ thể, nhất là trong điều kiện chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì sự manh nha hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản gia tăng rất nhiều.

Câu 5:

Liên quan đến chủ đề: những quy định pháp luật liên quan tới hành vi mạo danh người khác nhằm chiếm đoạt tài sản nhiều thính giả đã gửi thư đến chương trình qua email phatthanhcand@gmail.com

Tôi xin trích đọc một bức thư của thính giả, để luật sư có thể tư vấn thêm. Thính giả Ngô Duyến, ở Quốc Oai, Hà Nội có gửi thư về chương trình với nội dung sau:

Con trai tôi có quen với một người bạn, hơn nó nhiều tuổi, được giới thiệu là đại úy quân đội, làm ở Tổng cục tỉnh báo và quen biết nhiều người và có thể xin việc cho con trai tôi. Sau nhiều lần đến nhà tôi chơi, người này còn mặc quân phục đàng hoàng. Nên gia đình tôi rất tin tưởng, đã đưa hơn 180 triệu cho người ta xin việc cho con trai. Ban đầu thì đối tượng tỏ ra rất đàng hoàng, còn dẫn con tôi đi gặp bên thứ ba, là một cán bộ của Bộ Công an đưa tiền trực tiếp. Nhưng một thời gian sau, qua thông tin đại chúng, tôi được biết, người ở bên thứ ba kia bị bắt, vì mạo danh công an. Con đối với anh bạn con trai tôi, tôi biết rằng mình đã bị lừa, ông này cũng là người mạo danh nốt. Nhưng tôi vừa muốn tố cáo, vừa sợ tố cáo thì không lấy lại được tiền. Luật sư cho tôi hỏi, Tôi mà khởi kiện thì có được pháp luật bảo vệ hay không? theo thông tin như vậy thì người này sẽ thuộc cung hình phạt nào, dân sự hay hình sự, mức án cao nhất là bao nhiêu năm, liệu tôi có thể được tòa xem xét để người này hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt của tôi hay không?

Trả lời:

Trong trường hợp này bạn nên lên cơ quan công an để tố cáo hành vi này của đối tượng và tất nhiên là bạn sẽ được pháp luật bảo vệ.

Việc giả mạo công an để lừa đảo, cụ thể là hơn 180 triệu, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt”.

Sau khi thu thập đủ chứng cứ để truy tố đối tượng này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự, vụ án này sẽ được đưa ra xét xử, từ đó cơ quan chức năng sẽ giúp bạn lấy lại số tài sản đã mất.

Câu 6: Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà, trở lại với các vụ việc mà chúng tôi đã nêu trong phản ánh trên, ở Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay phát hiện hàng loạt các vụ không chỉ mạo danh công an để chiếm đoạt tiền của cá nhân, mà nạn nhân còn là các tổ chức, các doanh nghiệp, để xảy ra tình trạng này, theo ông nguyên nhân vì sao?

Trả lời:

Có thể lý giải hiện tượng này là do các hành vi của các đối tượng này ngày càng tinh vi, từ đó doanh nghiệp khó có thể nhận diện được hành vi lừa đảo. Đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một số doanh nghiệp để thực hiện hành vi lừa đảo.

Thiết nghĩ, các cơ quan, tổ chức khi có điện thoại gọi đến xưng danh cơ quan tổ chức như: Công ty điện thoại, Công an, Tòa án... cần từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu có giấy mời hợp lệ, ghi rõ thông tin cơ quan mời làm việc.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như: số điện thoại, tài khoản, số CMND… cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai, sử dụng với mục đích gì. Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo để chiếm đoạt tài sản cần thông báo về cơ quan Công an để có biện pháp theo dõi, xử lý theo quy định của pháp luật.

Câu 7: Thưa chương trình, tôi có câu hỏi thế này, tôi và bạn bè của tôi đã từng bị ăn cắp facebook, rồi kẻ giả mạo nhắn tin đòi nạp thẻ điện thoại, đòi chuyển khoản… tôi muốn hỏi, nếu chỉ mạo danh trên mạng, không nhìn thấy thực tế, cũng không bắt được quả tang đối tượng thì pháp luật có xử lý không, và xử lý thế nào?

Trả lời:

Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, dường như không ai là không có ít nhất một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, mà phổ biến nhất là facebook. Và chuyện mạo danh người khác để phục vụ cho các mục đích xấu không còn là chuyện hiếm.

Tổ chức, cá nhân khi phát hiện giả mạo, người dùng nên gửi thông báo cũng như thông tin liên quan chứng minh trang của mình bị giả mạo cho facebook và đề nghị nhà cung cấp khóa trang giả mạo lại. Cùng với đó, cá nhân, tổ chức bị giả mạo khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan chức năng và lên tiếng trên trang chính thức của mình về việc bị giả mạo để ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại.

Luật Công nghệ thông tin ban hành từ năm 2006 nghiêm cấm hành vi giả mạo facebook. Việc giả mạo facebook có thể tùy mức độ sẽ được xử lý theo Bộ luật Hình sự. Nếu dùng facebook giả mạo nhằm mục đích thu lợi nhuận từ những hoạt động này thì quy vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Bộ luật Hình sự.

Dù luật đã quy định như vậy, rất rõ ràng, nhưng dường như chưa có mấy vụ bị xử nghiêm đúng theo quy định của luật. Mặc dù tình trạng giả mạo facebook ngày càng nhiều và tràn lan gây tổn hại, phiền phức cho rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Một trong những nguyên nhân khó có thể xử lý nghiêm, kịp thời các vụ giả mạo facebook chính là tính năng dễ xóa bỏ trên mạng xã hội. Khi bị phát hiện, kẻ mạo danh chỉ cần xóa tài khoản là xong, dù trước đó nó đã làm tổn hại rất nhiều đến người bị giả mạo.

Thêm vào đó, việc tìm ra kẻ mạo danh trên mạng xã hội thực chất vẫn chưa được các cơ quan thẩm quyền quan tâm đúng mức. Đấy chính là lý do vì sao mà tình trạng này mỗi lúc càng thêm phổ biến.

Thiết nghĩ, người sử dụng facebook nên suy nghĩ kỹ trước khi đưa một thông tin nào đó lên trang cá nhân của mình, hãy tự bảo vệ mình vì các cơ chế pháp lý để bảo vệ người dùng mạng xã hội hiện nay vẫn còn ít hiệu quả.

Câu 8: Thưa Luật sư, tôi thấy có rất nhiều các câu hỏi của thính giả xoay quanh việc pháp luật quy định thế nào đối với các hành vi giả mạo người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Còn tôi muốn được biết, nếu đã trở thành nạn nhân của một vụ việc rồi thì người bị hại được pháp luật bảo vệ ra sao? Họ cần phải đến đâu để khai báo và được bảo vệ quyền lợi, thưa ông?

Trả lời:

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (hay là để bạn có thể đòi lại số tiền trên) trong trường hợp này bạn có thể làm đơn hoặc tố giác trực tiếp về hành vi này với cơ quan có thẩm quyền.

Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tin tố giác gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Tuy nhiên để bảo vệ quyền và lợi ích của mình một cách nhanh nhất thì bạn có thể đến trực tiếp Cơ quan công an cấp huyện để tố giác hành vi này. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ lập biên bản, sau khi lập biên bản sẽ tiến hành xác minh và giải quyết theo quy định của pháp luật.

Câu 9: thưa luật sư theo ông thì pháp luật cần phải có thêm những điều khoản nào để có thể có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn nhằm xử lý, răn đe các đối tượng vì lợi ích vật chất trước mắt mà mạo danh người khác?

Trả lời:

Theo tôi, Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo các nhà mạng viễn thông lớn, nhắn tin đến các thuê bao điện thoại để cảnh báo thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm. Từ những tin nhắn này, sẽ kịp thời ngăn chăn được những vụ lừa đảo bởi người dân có thể nhận biết được tội phạm.

Bên cạnh đó, về phía các cơ quan pháp luật nên có sự phối hợp chặt trẽ với cơ quan báo chí để thông báo về các thủ đoạn phạm tội của loại tội phạm này để người dân đọc được và phòng tránh. Đây là việc hết sức quan trọng bởi như vậy khi người đọc được sẽ nâng cao nhận thức của người dân, từ đó các loại tội phạm sẽ hết cơ sở để tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Công an các địa phương có thể kết hợp với chính quyền cơ sở, tổ chức tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin tuyên truyền của phường thủ đoạn cảnh báo. Được biết là rất nhiều người già đã từng đọc được cảnh báo của chính quyền trên hệ thống loa phường đã rất tỉnh táo và không bị mắc bẫy của bọn tội phạm.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan