Quy định pháp luật về chế tài đối với vi phạm về động vật hoang dã

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law trả lời phỏng vấn trên Truyền hình quốc hội về chế tài xử phạt vi phạm về động vật hoang dã.

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 đã có một số thay đổi trong việc định tội và xử phạt với các hành vi liên quan đến buôn bán động vật hoang dã. Ông có thể phân tích những thay đổi này có tác động tích cực như thế nào đối với công tác xét xử cũng như đời sống không?

Trả lời:

Liên quan đến hành vi buôn bán động vật hoang dã, Bộ luật Hình sự năm 2015(được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về các tội danh như: Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã tại Điều 234 và Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm tại Điều 244.

Điều 234 quy định hành vi xâm phạm động vật hoang dã thuộc nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) còn Điều 244 đề cập đến hành vi xâm phạm động vật thuộc nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES.

Hai điều luật này đều có sự thay đổi rất lớn so với Điều 190 điều chỉnh cùng vấn đề trong Bộ luật Hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) khi đã tăng mức hình phạt, cụ thể hóa các trường hợp, hành vi vi phạm. Với Bộ luật Hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), mức phạt cao nhất cho Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là 07 năm tù thì trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm mức phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù, gấp đôi so với Bộ luật Hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Còn đối chiếu với Bộ luật Hình sự năm 2015 thì sau khi sửa đổi, Điều 234 có sự thay đổi đáng kể khi phạm vi tội phạm đã rộng hơn nhiều. Ví dụ với Điểm a Khoản 1 của tội này, nếu như Bộ luật Hình sự 2015 quy định phải “Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc thuộc Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp có giá trị từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; động vật hoang dã thông thường khác có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng” mới có thể bị khởi tố hình sự thì sau khi sửa đổi năm 2017, Bộ luật đã giảm mức giá trị có thể bị khởi tố xuống còn 150 triệu đến dưới 500 triệu với động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và 300 triệu đến 700 triệu với loại động vật hoang dã khác. Bên cạnh đó, Điểm a Khoản 1 trên đã bổ sung trường hợp có thể bị khởi tố hình sự là “thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”.Có thể thấy lúc này, việc cá nhân, tổ chức vi phạm có bị khởi tố hình sự hay không không còn phụ thuộc vào giá trị của loại động vật mà tùy vào lợi ích mà người vi phạm thu được.

Ngoài ra, quy định mới cũng đã làm rõ một số cụm từ còn gây khó hiểu tại Điều 234 Bộ luật Hình sự 2015 như: từ “phạm tội” (Điểm c Khoản 1) đã được cụ thể hóa bằng các từ chỉ hành vi “Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép”.

Những thay đổi trên đóng vai trò to lớn trong việc hạn chế, phòng ngừa nạn buôn bán động vật hoang dã. Bên cạnh đó, với việc cụ thể hóa các quy định thì những chủ thể áp dụng pháp luật cũng đã có thể dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định xử lý vi phạm.

Có thể thấy, trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc phạm tội liên quan đến động vật hoang dã được xét xử với mức phạt lên đến 13,14 năm và số tiền lên đến cả tỷ đồng. Đây liệu có được coi là một bước tiến trong việc thay đổi chế tài xử phạt hay không?

Trả lời:

Nếu như trước đây, theo Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã chỉ được quy định chung với hành vi bảo vệ rừng, thì BLHS năm 1999 đã có riêng một điều luật về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý, hiếm; đến nay, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là BLHS năm 2015) đã có hai điều luật quy định về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, đó là: Điều 234 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã) tại Chương XVIII BLHS năm 2015 (Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế), Điều 244 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm) tại Chương XIX BLHS năm 2015 (Các tội phạm về môi trường).

Với những quy định nghiêm khắc hơn, BLHS là căn cứ pháp lý vững chắc và công cụ hữu hiệu để xử lý, ngăn ngừa tội phạm về động vật hoang dã nếu được áp dụng nghiêm túc tại các địa phương trên cả nước.

Mặc dù nhiều bước tiến đã được ghi nhận, Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài để hạn chế đến mức thấp nhất hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. Tuy vậy, việc Tòa án xử phạt nặng những tội phạm liên quan đến động vật hoang dã trong những năm gần đây đã thể hiện sự thay đổi trong nhận thức tầm quan trọng cấp bách của việc bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Điều đó sẽ trở thành một bước đệm để thay đổi chế tài xử phạt.

Theo ông, với chế tài xử phạt như hiện nay cho các tội danh liên quan đến động vật hoang dã đã đáp ứng được thực tế chưa? Và giải pháp nào để có thể ngăn chặn các hành vi liên quan đến động vật hoang dã bằng chính sách pháp luật?

Trả lời:

“Động vật hoang dã” là một lĩnh vực có phạm vi rộng, đòi hỏi chuyên môn riêng biệt, các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã vô cùng đa dạng, vì thế, việc bảo vệ động vật hoang dã được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau tuỳ theo chủng, loại động vật hoang dã.

Hiện nay, khung pháp lý về xử lí vi phạm các hành vi liên quan đến động vật hoang dã tại Việt Nam đã tương đối đầy đủ và hoàn thiện. Cụ thể, tuỳ theo loài động vật hoang dã, hành vi và mức độ hành vi, việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến động vật hoang dã có thể bị xử lý về hành chính theo quy định tại:

  • Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp;
  • Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản;
  • Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
  • Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo.

Bên cạnh đó, việc vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã có thể bị xử lý hình sự theo Bộ Luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo đó, các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã chủ yếu sẽ bao gồm: (i) Vi phạm liên quan đến động vật sống: săn bắt (hoặc khai thác), giết, nuôi, nhốt, buôn bán và vận chuyển; (ii) Vi phạm liên quan đến động vật chết, bộ phận và sản phẩm của động vật: buôn bán, vận chuyển và tàng trữ; (iii) Vi phạm liên quan đến quảng cáo trái phép động vật hoang dã.

Nhìn chung, quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay đã xác định tốt các hành vi, tội danh phù hợp với thực tế, hỗ trợ cho công tác bảo vệ động vật hoang dã trên thực tế. Nhưng, xét về tổng thể, hệ thống quy định pháp luật về động vật hoang dã lại thiếu tính thống nhất, tản mạn ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

Ngoài ra các quy định khác trong công tác bảo vệ động vật hoang dã còn nhiều vướng mắc như quy định về định giá tang vật vi phạm …

Vì thế, để ngăn chặn các hành vi liên quan đến động vật hoang dã hiện nay cần hệ thống hoá các quy định hiện hành, giải quyết chồng chéo, vướng mắc; và đặc biệt cần tăng cường chuyên môn về động vật hoang dã cho các cán bộ quản lý trong lĩnh vực này.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan