QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BIỂN QUẢNG CÁO

Nội dung bài viết

Ngày 13/04/2017, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã có buổi phỏng vấn với Truyền hình Quốc hội Việt Nam về quy định của pháp luật về biển quảng cáo.

Câu hỏi 1: Hiện trên các tuyến phố của thành phố Hà Nội, nhiều cửa hiệu buôn bán treo biển quảng cáo quá lớn, thậm chí trùm lên toàn bộ mặt tiền các tầng của cửa hàng. Vậy theo Luật sư những cơ sở kinh doanh này có sai phạm hay không? Và theo Luật sẽ bị xử lý ra sao?

Luật quảng cáo 2012 đã quy định các tiêu chuẩn, điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh tại Điều 34, cụ thể như sau:

“3. Kích thước biển hiệu được quy định như sau:

a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;

b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành”.

Ngoài ra, Thông tư 19/2013/TT – BXD ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời còn quy định cụ thể về cách đặt biển hiệu đối với các công trình là nhà ở riêng lẻ. Cụ thể như bảng quảng cáo treo, gắn, ốp vào mặt tường phải đảm bảo chiều cao tối đa 5m và chiều dài không vượt quá giới hạn mặt tường tại vị trí đặt bảng. Đối với nhà ở 4 tầng trở xuống thì chiều cao của bảng quảng cáo ốp vào mặt tường không được nhô lên quán sàn mái 1.5m. Đối với các bảng quảng cáo đặt tại mặt tiền nhà ở cũng phải đảm bảo số lượng, kích thước, loại bảng sao cho phù hợp với kết cấu của tòa nhà.

Như vậy, có thể thấy pháp luật đã có các quy định hết sức chi tiết, rõ ràng về vấn đề này. Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có hành vi lắp đặt các biển quảng cáo không phù hợp sẽ vi phạm quy định pháp luật và tùy vào tính chất, mức độ sẽ bị xử lý, thông thường là xử phạt hành chính.

Điều 60 Nghị định 158/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã quy định mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm về quảng cáo như sau:

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo vượt diện tích quy định của bảng quảng cáo, băng-rôn tại vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

b) Không tự tháo dỡ bảng quảng cáo, băng-rôn đã hết hạn ghi trong thông báo;

c) Không thông báo về nội dung quảng cáo trên mỗi bảng, mỗi băng-rôn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo.

…………………..

  1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 mét vuông trở lên mà không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.
  2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình có sẵn mà không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.
  3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 mét vuông trở lên mà không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo”.

Câu hỏi 2: Vừa qua một số vụ cháy lớn mà nguyên nhân là do biển quảng cáo lắp đặt sai quy định, nguy hiểm hơn là còn gây thiệt hại về người và tài sản. Theo Luật sư việc đặt biển quảng cáo sai quy định gây hậu quả nghiêm trọng như vậy có vi phạm Luật phòng cháy chữa cháy, luật Hình sự?

Hiện nay, Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy được quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 1999, theo đó người phạm tội có thể sẽ bị phạt tù lên tới 12 năm.

Tuy nhiên, để có thể kết luận một cá nhân có phạm tội theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 1999 hay không thì cần có căn cứ xác định cụ thể từ phía các cơ quan điều tra.

Tôi có thể lấy ví dụ cụ thể từ một số vụ cháy lớn trong thời gian vừa qua thì bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ việc lắp đặt sai quy định các biển quảng cáo thì còn có các nguyên nhân khác gây cháy nổ như sự chủ quan của chủ sở hữu khi không có giấy phép kinh doanh mà vẫn hoạt động; thiết kế cấu trúc của căn nhà không đảm bảm điều kiện về an ninh trật tự và PCCC….

Do đó, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội phạm này thì trước hết cần xem xét chủ sở hữu đã vi phạm quy định nào về phòng cháy, chữa cháy theo quy định pháp luật. Ngoài ra, cần xác định được nguyên nhân gây cháy nổ cũng như mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm về lắp đặt biển quảng cáo sai quy định với thiệt hại nghiêm trọng đã xảy ra.

Vì vậy, cần phải có căn cứ để xác định được nguyên nhân gây hậu quả nghiêm trọng để làm rõ vấn đề này.

Câu hỏi 3: Mặc dù thành phố Hà Nội đã ban hành quy chế quản lí hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn, nhưng đến nay vẫn tồn tại những biển quảng cáo sai quy định, nhất là về kích thước biển hiệu. Vậy theo Luật sư, trong Luật Quảng cáo cần có những quy định gì đối với trách nhiệm của cơ quan quản lí? cũng như cần có hình thức xử lí nào khác đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần?

Trên thực tế, Luật quảng cáo 2012 đã có quy định về trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch về quảng cáo ngoài trởi tại Điều 38, cụ thể UBND tỉnh có trách nhiệm:

  • Xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Luật này có hiệu lực;
  • Điều chỉnh quy hoạch quảng cáo theo các giai đoạn phù hợp với sự phát triển của địa phương;
  • Niêm yết văn bản quy hoạch và bản vẽ chi tiết quy hoạch tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương;
  • Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua các cơ quan tại địa phương chưa triển khai tốt công tác quản lý của mình, bên cạnh đó thủ tục hành chính trong vấn đề này vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh.

Do đó trong thời gian tới, tôi cho rằng các cơ quan quản lý cần nâng cao công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong phạm vi địa bàn của mình, ngoài ra cần tiến hành xử lý, tháo dỡ đối với các trường hợp lắp đặt biển quảng cáo sai quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tập trung nghiên cứu để cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo sự thuận lợi cũng như góp phần giúp cho việc quản lý hoạt động quảng cáo được hiệu quả.

Trường hợp cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh liên tục vi phạm sẽ được coi là vi phạm hành chính nhiều lần và theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì việc vi phạm hành chính nhiều lần sẽ là tình tiết tăng nặng. Trong trường hợp này, thì các cá nhân, tổ chức có thể phải chịu mức tiền phạt tăng lên do có tình tiết tăng nặng.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan