Câu 1: Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2017, tại khoản 3 Điều 19 quy định trường hợp Luật sư phải tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này và tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà luật sư biết rõ khi thực hiện việc bào chữa. Điều luật này có gây khó khăn gì cho các Luật sư trong quá trình hành nghề của mình không, thưa ông?
Luật sư trả lời:
Ví dụ luật sư thấy thân chủ chuẩn bị thực hiện việc khủng bố hoặc tham gia kế hoạch khủng bố, đặt bom ở đâu đó sẽ gây thiệt hại cho cộng đồng xã hội và nhà nước, trong trường hợp đó đương nhiên luật sư có trách nhiệm tố giác tội phạm, vì đây là trách nhiệm công dân. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự ngoài quy định về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia thì có tới 70 điều quy định về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác (liệt kê theo Điều 389). Điều này rất dễ dẫn đến “tai nạn nghề nghiệp” cho luật sư.
Câu 2: Về nội dung này, thính giả Nguyễn Văn Linh ở Hà Nội bày tỏ băn khoăn:
“Luật sư là người đại diện pháp luật của thân chủ. Bây giờ có đến 87 tội bắt buộc Luật sư phải tố giác thân chủ của mình. Vậy quan hệ giữa luật sư và thân chủ sẽ như thế nào? Liệu còn ai tin tưởng để tìm đến luật sư nữa không?”
Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Luật sư trả lời:
Nhìn vào các hệ thống luật pháp trên thế giới hiện nay thì việc quy định người bào chữa (phần lớn là luật sư) phải tố cáo hành vi phạm tội của thân chủ tỏ ra rất lạc lõng, nhưng cũng có một số ngoại lệ rất hiếm hoi.
Khoản 3 của Điều 19 Bộ luật hình sự năm 2015 sẽ gây ra ảnh hưởng đến công việc của các luật sư, và có thể khiến họ không thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong các vụ kiện. Vì:
Thứ nhất, nghĩa vụ im lặng của luật sư xuất phát từ quyền im lặng của bị can, bị cáo. Vốn dĩ bị can, bị cáo không phải khai báo bất kỳ điều gì về bản thân, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra. Bị can, bị cáo cần luật sư, trong hầu hết các trường hợp là thuê luật sư, để bảo vệ quyền của mình, chứ không phải để luật sư đem thông tin đi nói cho người khác biết.
Thứ hai, mối quan hệ giữa luật sư và thân chủ được bảo vệ bởi đặc quyền về bảo mật thông tin (confidentiality), bất kể là vụ án hình sự hay dân sự. Đây
cũng là vấn đề nguyên tắc đạo đức của nghề luật sư, được các luật sư đoàn quy định. Luật sư và thân chủ cần có đặc quyền về bảo mật thông tin, vì đó chính là điều kiện tối cần thiết để thiết lập sự tin tưởng tuyệt đối giữa họ.
Đặc biệt, trong các vụ án hình sự, nghi phạm sẽ không thể nào tin tưởng nhân viên điều tra để chia sẻ tất cả thông tin, vì họ sợ sẽ có thông tin gây bất lợi cho họ. Vì thế, luật sư biện hộ chính là người mà nghi phạm phải tin tưởng nhất.
Vậy thì làm thế nào để khiến một người tin tưởng và chia sẻ tất cả với luật sư, kể cả những thông tin mang tính bất lợi hay có thể gây ra tranh cãi?
Trong các hệ thống tư pháp trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ, thông tin trao đổi giữa luật sư và khách hàng được bảo vệ bởi “đặc quyền của mối quan hệ giữa luật sư và thân chủ” (attorney-client relationship). Đặc quyền này bắt buộc luật sư phải bảo vệ thông tin của người khách một cách tuyệt đối.
|