Quy định ngặt nghèo, đầu ra lỏng lẻo

Nội dung bài viết

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người và môi trường. Người sản xuất VietGap còn được hưởng những ưu đãi của Nhà nước. Vậy quy trình sản xuất VietGap ra sao? Tại sao đến nay nông dân chưa mặn mà với sản xuất VietGap…Dưới góc nhìn pháp lý, TTV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà ( Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, Hà Nội). Luật sư Hà cho biết:

Quy trình sản xuất VietGap là thực hiện các quy định về: quản lý giống, nguồn nước, sử dụng thuốc, phân bón, hóa chất, thức ăn, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm; các qui định về địa điểm, vùng sản xuất, thiết kế bố trí các khu vực sản xuất, quản lý việc di chuyển, tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, kiểm soát động vật gây hại để đảm bảo an toàn sinh học trong nuôi trồng và các quy định về quản lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.

Quy trình sản xuất VietGAP do Bộ Nông Nghiệp và PTNT ban hành. Mỗi đối tượng sản phẩm thì có quy trình tương ứng. Sản phẩm trồng trọt có quy trình: VietGAP rau quả, chè, lúa…; sản phẩm chăn nuôi có quy trình: VietGAP chăn nuôi lợn, gia cầm, bò sữa, ong; sản phẩm thủy sản có quy trình: VietGAP nuôi trồng thủy sản: đối với cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Để tìm hiểu cụ thể quy trình này, các bạn có thể tra cứu trên trên trang WEB của Bộ NN&PTNN, Tổng cục Thủy sản, Cục trồng trọt, cục chăn nuôi ….hoặc liên hệ trực tiếp với phòng Nông nghiệp địa phương.

Thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP không những tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, mà còn chống ô nhiễm môi trường. Đặc biệt nông dân còn nhận được sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước về đầu tư xây dựng…

Một quy trình trình sản xuất có nhiều tính ưu việt, nhưng tại sao được triển khai từ năm 2008, đến nay đã gần 8 năm vẫn không thu được hiệu quả mong muốn?

Việc này theo tôi có ba nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất: Có những quy trình VietGap ban hành vào năm 2008, được căn cứ dựa trên những quy định của Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ, do đó quy trình trên có những điểm không còn phù hợp với những quy định của Luật an toàn thực phẩm. Hơn nữa quy trình này còn cần phải căn cứ dựa trên những quy định của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật thì mới đáp ứng được yêu cầu.

Thứ hai: Để thực hiện quy trình sản xuất VietGap người sản xuất phải thực hiện quá nhiều tiêu chí. Không những thế có những tiêu chí đòi hỏi phải có sự trợ giúp của những chuyên gia trong trong lĩnh vực phân bón, hóa chất thì mới có thể thực hiện được việc kiểm chứng - đó là khó khăn lớn với nông dân. Ví dụ: Để sản xuất rau quả an toàn thực phẩm, rau quả theo tiêu chuẩn VietGap, ban hành kèm theo Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN thì người sản xuất phải thực hiện tới 93 tiêu chí. Chỉ riêng đối với hóa chất đã có đến 19 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí mà nông dân rất khó thực hiện. Đơn cử như trong quy trình quy định: “ 6.17. Nếu phát hiện dư lượng hóa chất trong rau quả vượt quá mức tối đa cho phép phải dừng ngay việc thu hoạch…”. Để phát hiện được dư lượng hóa chất vượt ngưỡng tối đa cho phép; hóa chất đó là hóa chất nào thì chỉ có những chuyên gia tại thực hiện phòng thí nghiệm chứ nông dân làm sao có thể làm được việc này.. .

Thứ ba: Người tiêu dùng chưa có khái niệm phân biệt sản phẩm VietGap với sản phẩm truyền thống, giá cả không chênh với sản phẩm thường là bao nhiêu. Trong khi sản xuất theo chuẩn VietGAP giá thành sản phẩm khá cao. Nông dân vẫn phải tự xoay xở tìm đầu ra cho sản phẩm, luôn đối mặt với sự bấp bênh của thị trường. Trong hoàn cảnh khó khăn đó nông dân lại còn phải đối mặt với sự gian lận; rồi vụ rao bán Giấy chứng nhận ViệtGap khiến người tiêu dùng thêm hoang mang niềm tin vào sản phẩm này càng bị giảm sút. Thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm VietGap, nông dân đã khó lại càng khó khăn hơn.

Thời gian qua, xuất hiện tình trạng cấp khống, rao bán Giấy chứng nhận VietGap. Hành vi đó bị xử lý thế nào thưa luật sư?

Việc cấp giấy chứng nhận VietGAP phải trải qua trình tự và nội dung đánh giá của tổ chức chứng nhận VietGAP. Cụ thể theo hướng dẫn tại Thông tư 48/2012- TT-BNN PTNT ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất sơ chế phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Theo đó, trình tự nội dung đánh giá được quy định tại Điều 16 của thông tư này: Phải đánh giá quá trình sản xuất theo các tiêu chí đánh giá và hướng dẫn đánh giá có trong VietGAP của từng loại sản phẩm; lấy mẫu môi trường (đất, nước, không khí), vật tư đầu vào, chất thải hoặc mẫu điển hình của sản phẩm và xác định chỉ tiêu phân tích theo quy định tại VietGAP; các tổ chức chứng nhận VietGAP xây dựng hướng dẫn chi tiết về hồ sơ đăng ký; trình tự và nội dung đánh giá, thời gian đánh giá, cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho từng sản phẩm cụ thể và thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký chứng nhận VietGAP

Việc cấp khống chứng nhận VietGap là vi phạm quy trình trên, tổ chức chứng nhận VietGap đó sẽ bị xử lý theo quy định tại điều 20, Thông tư 48/2012- TT-BNN PTNT. Theo đó căn cứ kết quả giám sát hoặc kết quả kiểm tra, thanh tra, cơ quan chỉ định ra quyết định xử lý vi phạm đối với tổ chức chứng nhận VietGAP bằng các hình thức: cảnh cáo, đình chỉ hiệu lực của quyết định chỉ định, hoặc hủy bỏ quyết định chỉ định.

Trường hợp cơ sở sản xuất được cấp Giấy chứng nhận VietGap vi phạm, không tuân thủ đúng quy định, quy trình sản xuất VietGap thì bị xử lý thế nào?

Trách nhiện của cơ sở sản xuất được cấp Giấy chứng nhận VietGap được quy định tại khoản 1, Điều 21, Thông tư 48/2012- TT-BNN PTNT. Căn cứ kết quả giám sát hoặc kết quả kiểm tra, thanh tra, nếu phát hiện cơ sơ sở sản xuất đó vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, tổ chức chứng nhận ra quyết định xử lý vi phạm bằng các hình thức: cảnh cáo, đình chỉ hiệu lực, hủy bỏ giấy chứng nhận VietGAP

Cơ quan nào có thẩm quyền chỉ định và giám sát hoạt động của tổ chức chứng nhận VietGAP? Khi phát hiện sai phạm của tổ chức chứng nhận VietGAP như trên cơ quan đó có trách nhiệm xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điều 4, Thông tư số: 48/2012/TT-BNNPTNT thì có 3 cơ quan có thẩm quyền chỉ định và giám sát hoạt động của tổ chức chứng nhận VietGAP, gồm:Tổng cục Thuỷ sản là cơ quan chỉ định và giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP lĩnh vực thuỷ sản; Cục Trồng trọt là cơ quan chỉ định và giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP lĩnh vực trồng trọt; Cục Chăn nuôi là cơ cơ quan chỉ định và giám sát hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP lĩnh vực chăn nuôi.

Khi có thông tin cho rằng tổ chức chứng nhận VietGAP có vi phạm trong quy trình đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP thì cơ quan quan chỉ định và giám sát hoạt động của tổ chức chứng nhận VietGAP có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động đánh giá, cấp giấy chứng nhận của tổ chức cấp giấy chứng nhận VietGap. Nếu có sai phạm thì có trách nhiệm xử lý vi phạm theo quy định nêu trên và thông báo cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và công bố trên Website hoặc phương tiện thông tin đại chúng danh sách tổ chức chứng nhận VietGAP được chỉ định bị cảnh cáo, đình chỉ, hủy bỏ Quyết định chỉ định.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan