Chính phủ ban hành Nghị định 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 5 năm 2024. Nhằm giúp ngư dân có thông tin mới, tránh vi phạm để bị xử lý và quan trọng hơn là gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Bài phỏng vấn trên báo Tạp chí nông thôn mới của Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW) đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cùng với sự tự giác chấp hành của ngư dân, tình trạng vi phạm quy định khai thác thủy sản đã được hạn chế, tuy nhiên, vẫn còn những vi phạm quy định về khai thác thủy sản xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Sau đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023, EC đã có công thư chính thức về kết quả chống khai thác IUU tại Việt Nam. Theo đó, EC khuyến nghị Việt Nam cần rà soát lại quy trình xử lý đối với việc ngắt kết nối thiết bị hành trình (VMS). Đặc biệt, cơ quan chức năng phải xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm quy định về VMS, vi phạm quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài... Vì vậy, Chính phủ ban hành Nghị định 38 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, trong đó có vi phạm các quy định về khai thác thủy sản.
Hiện nay việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, trong đó có vi phạm các quy định về khai thác thủy sản đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số: 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019. So với Nghị định này thì quy định việc xử phạt vi phạm các quy định về khai thác thủy sản tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP có điểm gì mới, thưa luật sư?
Vi phạm các quy định về khai thác thủy sản được quy định tại Mục V, Nghị định 38/2024/NĐ-CP: Quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử phạt đối với vi phạm về giấy phép khai thác thủy sản; về hạn ngạch khai thác thủy sản; về vùng khai thác thủy sản; về sử dụng ngư cụ, thiết bị khai thác thủy sản; về sử dụng điện để khai thác thủy sản; về sử dụng chất độc, thực vật có độc tố để khai thác thủy sản; về ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản; về đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản ở vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực; về hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân nước ngoài có tàu cá hoạt động trong vùng biển Việt Nam; về chuyển tải hoặc hỗ trợ tàu cá đã được xác định có hành vi khai thác bất hợp pháp; về treo Quốc kỳ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên tàu cá.
- Đối với nhóm hành vi nghiêm trọng, bổ sung các hành vi vi phạm như sau: Cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định; cung cấp kẹp chì hoặc kẹp chì thiết bị giám sát hành trình tàu cá không đúng quy định; không có thiết bị VMS trên tàu khi đang hoạt động, đây là những hành vi có tác động lớn đến hoạt động khai thác bất hợp pháp. Trong thời gian qua các hành vi này được phát hiện nhiều tuy nhiên không xử phạt được vì thiếu quy định. Do vậy, đã bổ sung vào Nghị định để đảm bảo không bỏ lọt hành vi vi phạm đặc biệt là các hành vi được xếp vào nhóm hành vi nghiêm trọng.
- Một số hành vi được chia theo chiều dài của tàu cá để đảm bảo việc áp dụng và phù hợp với thực tiễn như: hành vi sử dụng tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu mực) khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ; sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong Giấy phép khai thác thủy sản; hành vi chuyển tải hoặc vận chuyển nguồn lợi thủy sản từ tàu cá khai thác thủy sản mà không có Giấy phép khai thác hoặc Giấy phép hết hạn hoặc không có hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển; hành vi chuyển tải hoặc vận chuyển nguồn lợi thủy sản từ tàu cá khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam; không có hoặc không nộp hoặc ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản theo quy định đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên; không mang bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy phép khai thác thủy sản khi tàu cá hoạt động trên biển…
Việc xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản theo quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP có điểm gì đáng chú ý, thưa Tiến sĩ?
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định 38/2024/NĐ-CP thì 8 hành vi vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản có thể bị phạt lên đến 01 tỷ đồng bao gồm:
- Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên khai thác thủy sản trên biển không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn;
- Khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn;
- Sử dụng tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản hết hạn;
- Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;
- Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;
- Khai thác thủy sản không đúng quy định tại vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực;
- Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong trường hợp tái phạm;
- Khai thác thủy sản quá hạn mức do Tổ chức nghề cá khu vực cấp phép trong trường hợp tái phạm.
Các bạn lưu ý: Mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Bên cạnh việc xử phạt như trên, tùy từng trường hợp còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu thủy sản khai thác đối với hành vi vi phạm; tịch thu tàu cá; tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 6 tháng đến 12 tháng; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 6 tháng đến 12 tháng. Buộc chủ tàu cá chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ, xử lý về nước.
Nguồn: https://m.tapchinongthonmoi.vn/quy-dinh-moi-ve-xu-phat-vi-pham-khai-thac-thuy-san-26137.html