NĐ 125/2020/NĐ-CP: Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Nội dung bài viết

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2020. Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ra đời với nhiều kỳ vọng sẽ tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế, đồng thời thu đúng, đủ kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước. So với các văn bản hướng dẫn thi hành cũ, NĐ 125/2020/NĐ-CP có một vài điểm mới sau:

Thứ nhất, về đối tượng xử phạt

Quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP được bổ sung thêm đối tượng xử phạt vi phạm.

+ Trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thì bên được ủy quyền cũng phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp thuế của người nộp thuế. Nếu bên được uỷ quyền có hành vi vi phạm hành chính quy định tại thì tổ chức, cá nhân được uỷ quyên là đối tượng bị xử phạt

+ Trường hợp tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai, nộp thuế thay người nộp thuế mà tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay có hành vi vi phạm hành chính thì tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Thứ hai, xử phạt vi phạm hành chính về thuế:

- Vi phạm về thời hạn đăng ký thuế (Điều 10):

+ Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thời hạn về đăng ký thuế là 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Tăng so với mức phạt cũ là 400.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

+ Bổ sung hình phạt đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.

- Vi phạm thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế (Điều 11):

+ Quy định hai hành vi vi phạm gồm: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày nhưng không làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế mà có tình tiết giảm nhẹ và thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế mà có tình tiết giảm nhẹ.

+ Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế là 500.000 đồng đến 7.000.000 đồng. Tăng so với mức phạt cũ là 400.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

+ Bổ sung thêm biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi không thông báo hoặc Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế thì bị buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế.

Thứ ba, xử phạt hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn

- Thay đổi quy định về việc tự in hóa đơn, tạo hóa đơn điện tử 1 Điều luật riêng quy định về chế tài xử phạt các hành vi vi phạm thành quy định về các nhóm hành vi vi phạm.

- Giảm mức phạt đối với hành vi “không lập hóa đơn tổng hợp”. Cụ thể, Khoản 2 Điều 24 NĐ 125/2020/NĐ-CP quy định mức phạt cho hành vi này là 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Giảm so với Luật cũ là 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

- Bãi bỏ điều khoản xử phạt đối với hành vi “không thanh lý hợp đồng in nếu quá thời hạn thanh lý hợp đồng quy định trong hợp đồng đặt in hóa đơn hoặc thời điểm kết thúc hợp đồng khi đã lập tờ Thông báo phát hành hóa đơn” trong NĐ mới.

- Bổ sung quy định về vi phạm thời hạn khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn (Điều 25)

- Điều chỉnh giảm mức phạt tiền đối với hành vi “không khai báo việc làm mất hóa đơn trong khi in, trước khi giao cho khách hàng”. Cụ thể, theo quy định mới mức phạt cho hành vi này là 4.000.000đ đến 8.000.000đ. Giảm so với Luật cũ là từ 6.000.000đ đến 18.000.000đ.

- Bổ sung quy định về xử lý cảnh cáo đối với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 05 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định mà có tình tiết giảm nhẹ. Đồng thời tăng mức phạt tiền đối với hành vi lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo về hóa đơn theo quy định gửi cơ quan thuế từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng lên 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Thứ tư, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

- Bỏ quy định về thẩm quyền phạt tiền của công chức thuế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Quy định chi tiết thẩm quyền xử phạt đói với từng hành vi vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn cụ thể.

- Bổ sung quy định về các trường hợp được quyền giải trình vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn gồm: hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được phát hiện thông qua công tác thanh tra thuế, kiểm tra thuế hoặc các trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính điện tử; hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 16, 17, 18; khoản 3 Điều 20; khoản 7 Điều 21; Điều 22 và Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

- Bổ sung quy định về giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bằng phương thức điện tử theo địa chỉ người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế đối với trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

- Sửa đổi quy định về đối tượng và các trường hợp được miễn tiền phạt, cụ thể: Miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với người nộp thuế (bao gồm cả cá nhân và tổ chức) bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bị thiệt hại về vật chất trong trường hợp bất khả kháng do: gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; chiến tranh, bạo loạn, đình công phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh hoặc rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế mà người nộp thuế không có khả năng nguồn tài chính nộp ngân sách nhà nước.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan