Quy định mới về tuyển dụng lao động nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp Việt Nam

Nội dung bài viết

Trong thời đại hội nhập toàn cầu, thị trường Việt Nam đang mở cửa và chào đón người lao động nước ngoài đến và làm việc tại đa dạng lĩnh vực ngành nghề. Điều này đặt ra yêu cầu một hệ thống pháp luật điều chỉnh phù hợp thực tiễn xã hội. Chính vì vậy, vào ngày 18 tháng 9 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2023/NĐ-CP (“Nghị định 70”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP (“Nghị định 152”) ngày 30/12/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 9 năm 2023.

Nghị định mới này đã sửa đổi và bổ sung một số quy định nhằm điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn thị trường hiện nay. Một số nội dung đáng chú ý được điều chỉnh tại Nghị định 70, cụ thể như sau:

  1. Đầu tiên, Nghị định 70 đã điều chỉnh yêu cầu về kinh nghiệm đối với chuyên gia người lao động nước ngoài.

Theo điểm a Khoản 3 Điều 3, Nghị định 152 có quy định về một trong những điều kiện với chuyên gia người lao động nước ngoài là “ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam”. Nghị định 70 đã điều chỉnh nội dung này chỉ còn là “có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam”. Việc điều chỉnh này tạo thuận lợi hơn cho người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam đặc biệt với người lao động có nhiều kinh nghiệm làm việc nhưng không làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo.

  1. Điều chỉnh quy định về thời hạn xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.

Cụ thể, Nghị định 70 đã rút ngắn thời hạn thực hiện thủ tục xác định hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài từ “trước ít nhất 30 ngày” xuống còn “trước ít nhất 15 ngày từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài”. Việc thay đổi này giúp cho cơ quan có thẩm quyền liên quan có thể nắm bắt thông tin nhanh hơn và kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm trong việc sử dụng lao động nước ngoài nếu có.

  1. Bổ sung trường hợp người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài

Những trường hợp được bổ sung trong Nghị định 70 là khoản 6 và 8 Điều 154 của Bộ luật Lao động và các khoản 4,5,7,14 Điều 7 Nghị định 152. Việc bổ sung các trường hợp người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài tạo điều kiện cho nhiều đối tượng có thể sử dụng người lao động nước ngoài dễ dàng hơn.

  1. Bổ sung quy định về thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử quy định kể từ ngày 01/01/2024.

Theo như Nghị định 70, người sử dụng lao động sẽ phải đăng thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động thương binh và xã hội (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập . Thời hạn để thực hiện đăng ký là ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình. Nội dung thông báo bao gồm vị trí và chức danh công việc, mô tả công việc, số lượng, yêu cầu về trình độ, kinh nghiệm, mức lương, thời gian và địa điểm làm việc. Việc thông báo trên trang điện tử đảm bảo tính minh bạch của thông tin và tăng khả năng tiếp cận thông tin của người lao động.

  1. Bổ sung quy định về việc báo cáo trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố cho một người sử dụng lao động. Người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố thì người sử dụng lao động phải báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài đó đến làm việc thông qua môi trường điện tử. Thời hạn thực hiện được quy định là trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc. Việc bổ sung quy định này đảm bảo cơ quan có thẩm quyền quản lý được thông tin người lao động nước ngoài trên địa bàn quản lý.
  2. Ngoài ra, Nghị định 70 còn bổ sung quy định cấp giấy phép lao động bản điện tử. Cụ thể, bên cạnh quy định đề nghị cấp giấy phép lao động trực tiếp, Nghị định 70 còn bổ sung nội dung cho phép cấp giấy phép lao động là bản điện tử nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật liên quan. Việc bổ sung quy định về xin giấy phép lao động điện tử tạo thuận lợi cho người lao động trong quá trình xin giấy phép lao động.

Nhìn chung, những quy định trong Nghị định 70 được điều chỉnh dựa trên tình hình thực tiễn thị trường Việt Nam. Những quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến cả người lao động, người sử dụng lao động và cả các cơ quan thẩm quyền liên quan. Nghị định này đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng của nghị định trong quá trình tham gia quan hệ lao động ở Việt Nam. Hơn nữa, Nghị định này cũng giúp cho cơ quan thẩm quyền Việt Nam có thể quản lý việc sử dụng lao động thuận lợi và dễ dàng hơn.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan