QUY ĐỊNH MỚI VỀ THI TUYỂN CÔNG CHỨC

Nội dung bài viết

SBLAW trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà về nội dung Quy định mới về thi tuyển công chức theo Nghị định 138/2020/NĐ-CP trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ:

Câu 1: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, trong đó quy định cụ thể về thi tuyển công chức. Một trong những điểm mới đó là, việc thi tuyển công chức phải thực hiện theo hai vòng, trong đó vòng 2 áp dụng theo một trong ba phương thức: phỏng vấn, thi viết hoặc kết hợp phỏng vấn và thi viết. (trước đây tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 161/2018, việc thi vòng 02 này chỉ gồm thi phỏng vấn hoặc thi viết thì nay theo Nghị định mới đã bổ sung thêm 01 hình thức nữa). Việc thi tuyển này có khác gì so với quy định trước đây, theo ông, sự thay đổi này sẽ có ý nghĩa như thế nào trong thi tuyển công chức trong thời gian tới?

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, có hiệu lực từ ngày 01/12/2020 thì việc thi tuyển công chức phải thực hiện theo hai vòng, trong đó vòng 1 là thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung về kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học với hình thức thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức chưa có điều kiện tổ chức thi trên máy vi tính thì thi trắc nghiệm trên giấy; Trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học.

Vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành: Trước đây tại Điều 8 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP) chỉ quy định 02 hình thức thi vòng 2 là thi phỏng vấn hoặc thi viết với nội dung kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ. Đến Điều 8 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định “Căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn; viết; kết hợp phỏng vấn và viết.” với nội dung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng (vốn là nội dung thi của vòng 1 theo quy định cũ).

Như vậy, việc thi môn nghiệp vụ chuyên ngành được bổ sung thêm một hình thức thi nữa là kết hợp cả phỏng vấn và thi tiết. Việc lựa chọn hình thức thi nào sẽ căn cứ vào tính chất, đặc biệt và yêu cầu của vị trí dự tuyển. Với quy định này có thể khiến việc thi tuyển công chức “khó” hơn hiện nay. Tuy nhiên, hình thức thi kết hợp phỏng vấn và viết cũng hết sức cần thiết, là biện pháp siết chặt đầu vào nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực trong các cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, thông qua hình thức này thì ngoài việc cơ quan tuyển dụng thấy rõ được trình độ, năng lực của ứng viên thì còn có thể thấy được kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phản xạ của họ từ đó chọn lọc kỹ hơn được chất lượng nhân sự phù hợp, có thực lực đáp ứng yêu cầu công việc.

Câu 2. Trước đây, theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP, để được đăng ký dự tuyển công chức, thí sinh phải có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển, có lý lịch rõ ràng, có văn bằng, chứng chỉ phù hợp… (căn cứ khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức năm 2008). Ngoài ra, một số điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển phải không trái quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ trường công lập, trường ngoài công lập.

Hiện nay, ngoài những điều kiện nêu trên, người dự thi công chức còn phải đáp ứng các điều kiện được bổ sung tại Điều 4 Nghị định 138/2020:

Phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung; Báo cáo bằng văn bản để cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những điểm mới này?

Trả lời:

So với Điều 4 Nghị định 24/2010/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 161/2018/NĐ-CP) thì tại Điều 4 Nghị định 138/2020/NĐ-CP đã bổ sung nội dung sau đây về điều kiện đăng ký dự tuyển công chức: “Cơ quan sử dụng công chức xác định các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức, phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo và báo cáo bằng văn bản để cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định.”.

Có thể thấy, trước đây, khi tiến hành dự tuyển công chức thì điều kiện chỉ cần tuân theo khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (thí sinh phải có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển, có lý lịch rõ ràng, có văn bằng, chứng chỉ phù hợp…), ngoài ra có thêm 1 số điều kiện chung khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển như: không trái quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ. Những quy định này mới đảm bảo được tính hợp pháp của việc dự tuyển theo quy định của luật hiện hành chứ chưa xem xét kỹ đến chất lượng đầu ra và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc khi trúng tuyển của thí sinh.

Từ khía cạnh thực tiễn cũng đã chỉ ra, đội ngũ cán bộ, công chức luôn là lực lượng nòng cốt trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn của từng lĩnh vực. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghệ số đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, nội dung mới tại Điều 4 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP chính là một biện pháp siết chặt đầu vào nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực trong các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức của Nhà nước sao cho phù hợp với nhu cầu thời đại.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan