Quy định mới về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Nội dung bài viết

Ngày 08/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2020/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

Nghị định này có 4 Chương 46 Điều, quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 163 Luật Thi hành án hình sự.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Theo Nghị số 44, biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng đối với pháp nhân thương mại gồm: Phong tỏa tài khoản; Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền bảo đảm thi hành cưỡng chế biện pháp tư pháp (kê biên tài sản); Tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử; tạm giữ hoặc thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại.

Trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp cưỡng chế

Chương II từ Điều 10 đến Điều 40 quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp cưỡng chế.

Đối với việc phong tỏa tài sản

- Để phong tỏa tài tài khoản của pháp nhân thương mại phải dựa trên các căn cứ sau:

  • Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
  • Biên bản được lập theo quy định tại Điều 5 Nghị định (Biên bản việc pháp nhân thương mại không chấp hành án hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật);
  • Pháp nhân thương mại chấp hành án có tài khoản tại các tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, công ty chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (sau đây gọi là tài khoản).
  • Tài liệu xác minh thông tin về tài khoản của pháp nhân thương mại.

- Đối với việc xác minh thông tin về tài khoản của pháp nhân thương mại, Nghị định quy định:

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản theo quy định tại Điều 5 Nghị định, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra Quyết định phong tỏa tài khoản yêu cầu tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, công ty chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cung cấp thông tin về tài khoản của pháp nhân thương mại theo quy định của pháp luật.
  • Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền được cung cấp thông tin có trách nhiệm bảo mật những thông tin được cung cấp và chỉ được sử dụng thông tin đó theo quy định của pháp luật.
  • Pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp cưỡng chế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra Quyết định phong tỏa tài khoản về tên tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, công ty chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam nơi mở tài khoản, số tài khoản của pháp nhân thương mại tại tổ chức đó và các thông tin khác về tài khoản khi có yêu cầu.

- Các trường hợp áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản
Biện pháp phong tỏa tài khoản có thể được áp dụng trong các trường hợp sau:

  • Thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn (trong trường hợp đình chỉ tất cả các lĩnh vực).
  • Thi hành cưỡng chế đối với việc chấp hành hình phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (trong trường hợp cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong tất cả các lĩnh vực); cấm huy động vốn.
  • Thi hành cưỡng chế chấp hành biện pháp tư pháp.

Đối với việc kê biên tài sản

- Để ra Quyết định kê biên tài sản phải dựa trên các căn cứ sau:

  • Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
  • Biên bản được lập theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.
  • Pháp nhân thương mại chấp hành án không có tài khoản hoặc số tiền trong tài khoản tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, công ty chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam không đủ để bảo đảm việc cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp.
  • Tài liệu xác minh thông tin về tài sản của pháp nhân thương mại.

- Đối với việc xác minh thông tin về tài sản của pháp nhân thương mại, Nghị định quy định:

  • Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền có trách nhiệm xác minh thông tin về tài sản của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế.
  • Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài sản của pháp nhân thương mại bị cưỡng chế khi có yêu cầu của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền.

- Tài sản không được kê biên
Tài sản không được kê biên được quy định tại Điều 20 của Nghị định, gồm:

  • Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định của pháp luật; tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng; tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.
  • Số thuốc phục vụ việc phòng, chữa bệnh cho người lao động; lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động.
  • Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này, nếu không phải là tài sản để kinh doanh.
  • Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.

Nghị định có hiệu lực từ 01/6/2020.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan