Chính phủ đã có tờ trình đề xuất Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực sớm hơn từ 1/7/2024 thay vì 1/1/2025, nếu được Quốc hội thông qua, luật sẽ sớm đi vào cuộc sống. Luật Đất đai sửa đổi góp phần quan trọng công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai.
Đặc biệt, với doanh nghiệp, Luật cho phép có thể linh hoạt lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất (Điều 30) hoặc “trả tiền thuê đất hằng năm” hoặc “trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê”.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Cty Luật SBLaw để tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề này.
1/ Ông có thể nêu chi tiết hơn về một số điểm mới và quy định mới của Luật Đất Đai 2024 mà ông cho rằng người dân đặc biệt quan tâm?
Trả lời:
Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, đồng thời giải quyết những tồn tại lâu nay trong việc quản lý và sử dụng đất đai ở nước ta. Nhiều chính sách nổi bật được người dân rất quan tâm, chẳng hạn như quy định về Định giá đất theo nguyên tắc thị trường; Mở rộng đối tượng sử dụng đất (cho Người Việt Nam định cư ở nước ngoài), tăng cơ hội tiếp cận, sử dụng hiệu quả từ nguồn lực đất đai; Quy định rõ các trường hợp thu hồi đất gắn với đảm bảo về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Cho phép linh hoạt trả tiền thuê đất một lần hay hằng năm; Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, cho phép tích tụ đất đai; Cho phép linh hoạt trả tiền thuê đất một lần hay hằng năm…
Nhìn chung, so sánh với Luật Đất đai 2013 thì Luật sửa đổi mới đây đã có nhiều khắc phục và cải tiến từ quá trình thực tiễn trong việc thực hiện pháp luật đất đai. Người dân và các doanh nghiệp cũng rất mong chờ hiệu quả khi Luật mới chính thức có hiệu lực thi hành.
2/ Như những gì ông vừa chia sẻ thì Luật Đất đai 2024 có rất nhiều điểm mới và quy định mới, trong đó thì không ít những nội dung tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Đơn cử, Luật Đất đai cho phép doanh nghiệp linh hoạt trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hàng năm. Xin hỏi ông, việc trả tiền thuê đất hàng năm có giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu của doanh nghiệp, từ đó, góp phần giảm giá nhà, tác động tích cực đến lực cầu thị trường bất động sản không, thưa ông?
Trả lời:
Luật Đất đai sửa đổi quy định tại Điều 30 về Quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất như sau:
“1. Tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm nhưng thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của Luật này được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho thời gian thuê đất còn lại và phải xác định lại giá đất để tính tiền thuê đất tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển sang thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của Luật này.
- Tổ chức kinh tế, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm. Tiền thuê đất đã nộp được khấu trừ vào tiền thuê đất hằng năm phải nộp theo quy định của Chính phủ.
- Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất mà có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm đối với phần diện tích đó.”
Khi được Nhà nước cho phép lựa chọn, các tổ chức, doanh nghiệp có thể cân nhắc hình thức trả tiền thuê đất nào phù hợp, trả tiền một lần hay trả tiền hàng năm. Việc trả tiền thuê đất hàng năm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khó khăn, không có khả năng nộp tiền sử dụng đất một lần thì lựa chọn trả hằng năm. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể linh hoạt lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất và kỳ vọng giảm bớt khó khăn khi phải nộp ngay một khoản tiền lớn trong khi nguồn tài chính cần phân bố hợp lý hơn.
Quy định này vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp, vừa nắn chỉnh nguồn thu theo hướng kích thích sinh lợi từ đất đai. Được nộp tiền sử dụng đất hàng năm sẽ giúp chủ đầu tư giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời gian đầu triển khai dự án. Thậm chí, khi áp lực tài chính giảm, chủ đầu tư có thể cân đối chi phí vốn và hạ giá bán nhà. Nhờ vậy, giá bán bất động sản cũng có cơ hội được điều chỉnh về mức hợp lý hơn, chất lượng sản phẩm hoàn thiện tốt hơn theo thời gian.
3/ Quy định này đã tạo điều kiện tốt cho những doanh nghiệp trả tiền thuê một lần khi họ có cơ hội gia tăng giá trị sử dụng đất hơn trả tiền hàng năm trong việc chuyển nhượng hoặc bán quyền cho thuê đất hoặc là dùng làm tài sản thế chấp vay vốn đầu tư cũng thuận tiện và dễ được ngân hàng chấp nhận hơn, thưa ông?
Trả lời:
Điều 33 Luật Đất đai sửa đổi quy định về Quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê như sau:
“a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 26 và Điều 31 của Luật này
- b) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất;
- c) Cho thuê quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; cho thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
- d) Tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng hoặc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch; tặng cho quyền sử dụng đất để làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;
đ) Thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật;
- e) Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất với tổ chức trong nước, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật”.
So sánh với quyền của tổ chức trả tiền thuê đất hàng năm (Điều 34) thì một trong những khác biệt lớn đó là tổ chức trả tiền thuê đất một lần được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất.
Trong khi quyền của tổ chức trả tiền thuê đất hàng năm thường bị giới hạn trong hoạt động thế chấp, cho thuê tài sản, bán tài sản gắn liền với đất thì trong trường hợp trả tiền thuê đất một lần, các tổ chức được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất chứ không còn bị giới hạn trong việc chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất. Chính quy định như vậy đã giúp cho khả năng sử dụng đất của các tổ chức trả tiền thuê đất một lần lớn hơn, giúp gia tăng giá trị sử dụng đất hơn so với các tổ chức trả tiền thuê đất hàng năm trong việc chuyển nhượng hoặc bán quyền cho thuê đất. Khi các tổ chức này muốn dùng làm quyền sở hữu làm tài sản thế chấp vay vốn, góp vốn đầu tư cũng thuận tiện và nhanh chóng hơn trong việc hoàn tất các thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước cũng như với ngân hàng.
4/ Có ý kiến cho rằng, việc chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm khiến doanh nghiệp gặp rủi ro không dự đoán được tiền thuê đất của các năm tiếp theo. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Trả lời:
Thông thường, trước khi tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh thì doanh nghiệp phải xây dựng phương án tài chính và chi phí tiền thuê đất là một trong những yếu tố quan trọng. Nếu trả tiền hằng năm, mức đóng tổng cộng sẽ cao bởi hằng năm mức giá sẽ thay đổi cao dần lên, chưa kể bất lợi trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nếu đóng hằng năm. Nhiều chuyên gia lo ngại giá thuê đất dễ tăng đột biến sau thời gian cố định 5 năm nên việc phải trả tiền thuê đất hàng năm và tiền thuê đất có thể thay đổi khiến doanh nghiệp đối mặt với rủi ro số tiền thuê đất tăng đột biến, phá vỡ các phương án tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ lo quyền của chủ thể thuê đất trả tiền hàng năm bị giới hạn hơn khá nhiều so với chủ thể thuê đất trả tiền một lần.
Đối với các doanh nghiệp chuyển đổi phương thức trả tiền thuê đất một lần sang hàng năm, khoản tiền doanh nghiệp đã đóng rồi sẽ không được Nhà nước trả lại mà sẽ được khấu trừ vào thời hạn thuê đất. Nếu doanh nghiệp đã đóng hết tiền thuê đất một lần rồi thì cũng không cần trả tiền thuê đất hàng năm. Do vậy, quy định này chỉ phù hợp với trường hợp là đất thuê trả một lần mà chưa nộp thì các doanh nghiệp xin nộp hàng năm để giải quyết được khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp.
5/ Thưa ông, vậy việc giao đất, cho thuê đất thông qua cơ chế thị trường có thể dẫn đến thiệt thòi cho những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường/doanh nghiệp nhỏ và vừa hay không?
Trả lời:
Điều 116 Luật Đất đai 2024 đã quy định:
“1. Căn cứ giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Căn cứ giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất là văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu”.
Như vậy, việc giao đất, cho thuê đất sẽ được Nhà nước thực hiện thông qua hoạt động đấu giá, đấu thầu theo quy định.
Việc đẩy mạnh hoạt động giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu là một thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường do hạn chế về năng lực kỹ thuật, kinh nghiệm, tài chính. Các doanh nghiệp lớn, lâu đời có nhiều tiếng nói hơn, hoàn toàn có thể gây sức ép đồng thời có những ưu điểm vượt trội hơn cả so với những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi vậy có không ít doanh nghiệp băn khoăn, lo ngại khi tham gia đấu giá, đấu thầu đất. Nhưng nhìn vào mặt tích cực, đây lại là cơ hội tốt để “thanh lọc” thị trường và là “bài thử nghiệm” cho sức chống chịu của doanh nghiệp. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp nhỏ buộc phải liên kết hình thành các doanh nghiệp lớn theo mô hình tập đoàn để củng cố năng lực, tăng khả năng cạnh tranh. Thị trường bất động sản bởi vậy sẽ đi vào phát triển theo chiều sâu, chuyên nghiệp.
6/ Theo quy định tại Luật Đất đai, doanh nghiệp phải nộp tiền trước thì mới được thuê đất. Vậy nếu trong trường hợp phát sinh việc doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất nhưng cơ quan nhà nước chậm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến việc bàn giao đất trên thực địa chậm, thậm chí có trường hợp chậm nhiều năm. Ông có đề xuất gì trong trường hợp này?
(Nên chăng, chúng ta có thể có quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp nộp tiền thuê đất tạm tính trước khi được thuê đất. Nếu việc bàn giao đất trên thực địa diễn ra chậm hơn dự kiến thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước thực hiện việc tính toán lại tiền thuê đất?)
Trả lời:
Khoản 2 Điều Điều 153 Luật Đất đai 2024 về Các khoản thu ngân sách từ đất đai quy định:
“2. Tiền thuê đất hằng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 05 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gắn với việc chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm.
Tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ vào bảng giá đất của năm xác định tiền thuê đất tiếp theo. Trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì tiền thuê đất phải nộp được điều chỉnh nhưng không quá tỷ lệ do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn.
Tỷ lệ điều chỉnh do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn không quá tổng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm cả nước của giai đoạn 05 năm trước đó.”
Trên thực tế, không thiếu trường hợp doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất, nhưng cơ quan thẩm quyền chậm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến việc bàn giao đất trên thực địa chậm, thậm chí có trường hợp chậm nhiều năm. Theo đó, nên đề xuất cơ quan soạn thảo chỉnh quy định theo hướng: doanh nghiệp nộp tiền thuê đất tạm tính trước khi được thuê đất. Trong điều kiện lý tưởng, việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất diễn ra đúng thời hạn thì không cần điều chỉnh tiền thuê đất. Nhưng nếu trường hợp việc bàn giao đất chậm hơn dự kiến thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước thực hiện việc tính toán lại tiền thuê đất, nhằm giảm phần nghĩa vụ tương ứng với khoảng thời gian chậm bàn giao. Phần giảm nghĩa vụ này sẽ được quyết toán, khấu trừ vào tiền thuê đất nộp những lần sau đó hoặc các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.
7/ Luật Đất đai quy định tiền thuê đất hằng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 05 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gắn với việc chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm. Tỷ lệ điều chỉnh do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn không quá tổng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm cả nước của giai đoạn 05 năm trước đó. Như vậy, luật cho phép Chính phủ quyết định mức tăng tiền thuê đất có thể bằng hoặc thấp hơn lạm phát. Theo ông, cách tính này có hợp lý trong bối cảnh hiện nay không?
Trả lời:
Cách tính này có thể được xem là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, khi lạm phát đang ở mức cao. Việc điều chỉnh tiền thuê đất theo CPI của 5 năm trước giúp phản ánh phần nào mức độ lạm phát, đảm bảo rằng giá thuê đất tăng trưởng theo xu hướng chung của nền kinh tế, sẽ giúp người thuê đất không bị thiệt hại do lạm phát. Quy định này hạn chế việc tăng giá thuê đất quá mức, giúp doanh nghiệp có sự ổn định về chi phí thuê đất trong chu kỳ 5 năm, từ đó dễ dàng lập kế hoạch tài chính và hoạt động kinh doanh, tránh được các cú sốc tài chính đột ngột. Nhưng cơ quan soạn thảo cũng nên kết hợp các yếu tố khác mà không chỉ CPI.
Trong bối cảnh biến động kinh tế mạnh mẽ, chỉ số CPI có thể không phản ánh đầy đủ các thay đổi khác quan trọng như giá trị thị trường của đất đai, nhu cầu sử dụng đất, hay sự phát triển hạ tầng tại khu vực. Cách tính dựa vào CPI có thể thiếu tính linh hoạt trong một số trường hợp cụ thể, ví dụ như khi khu vực đất đai có sự phát triển đột phá hoặc suy thoái mạnh mẽ. Cơ quan nhà nước cũng đồng thời bị hạn chế khả năng điều tiết. Vậy nên, theo ý kiến của tôi, các cơ quan nên xem xét thêm các yếu tố khác ngoài chỉ số CPI như giá trị thị trường của đất, tình hình phát triển kinh tế khu vực, và nhu cầu sử dụng đất để điều chỉnh tiền thuê đất một cách hợp lý hơn. Cần có cơ chế điều chỉnh linh hoạt hơn cho từng loại đất và từng khu vực, không nhất thiết phải cứng nhắc theo CPI toàn quốc. Ví dụ, các khu vực có tốc độ phát triển nhanh có thể cần mức điều chỉnh khác so với khu vực ít phát triển.
8/ Mục tiêu Luật Đất đai 2024 hướng tới là khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả, tránh đầu cơ, đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, nó có tính thanh lọc khi doanh nghiệp có tài chính đủ mạnh, có năng lực phát triển bất động sản tốt, có quỹ đất sạch sẽ được hưởng lợi. Ngược lại những doanh nghiệp yếu kém về nguồn lực, tập trung vào đầu cơ sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực, thưa ông?
Trả lời:
Mục tiêu của Luật Đất đai 2024 hướng tới khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, tránh đầu cơ và đảm bảo an sinh xã hội. Việc này chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản. Luật mới khuyến khích đầu tư bền vững, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính mạnh và năng lực phát triển tốt để đầu tư vào các dự án bất động sản. Luật mới quy định rõ ràng hơn về thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và phát triển dự án. Bằng việc ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực, Luật mới cũng sẽ góp phần xây dựng các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng công cộng và các tiện ích khác, từ đó nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, sự yếu thế về mặt tài chính so với các doanh nghiệp lớn có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp nhỏ phải rời bỏ thị trường hoặc thay đổi lĩnh vực kinh doanh. Mặc dù luật nhằm mục tiêu tránh đầu cơ, nhưng nếu không có các cơ chế kiểm soát chặt chẽ, các hoạt động đầu cơ có thể chuyển đổi sang các hình thức khác tinh vi hơn, gây khó khăn cho việc quản lý.
9/ Ông có kiến nghị Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ra sao để sớm ban hành Nghị định và các văn bản hướng dẫn để triển khai trên thực tế các chính sách mới của Luật Đất đai 2024?
Trả lời:
Việc ban hành Nghị định và các văn bản hướng dẫn để triển khai các chính sách mới của Luật Đất đai 2024 là rất quan trọng để đảm bảo luật được thực thi hiệu quả và đúng mục đích. Chính phủ cần xác định và công bố lộ trình chi tiết cho việc ban hành các Nghị định và văn bản hướng dẫn, đảm bảo tiến độ không bị trì hoãn. Thành lập một Ban chỉ đạo chuyên trách để giám sát và đẩy nhanh quá trình soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn.
Đồng thời, tăng cường tham vấn, đối thoại với người dân và doanh nghiệp. Tổ chức các buổi tham vấn, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, và người dân để thu thập ý kiến đóng góp và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và đề xuất từ thực tiễn. Cập nhật thường xuyên về tiến độ soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Công khai các dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử của Chính phủ để các bên liên quan có thể theo dõi và góp ý.
10/ Ông tin tưởng và kỳ vọng như thế nào vào việc thực thi Luật Đất đai 2024 sắp tới?
Trả lời:
Luật Đất đai 2024 với nhiều đổi mới quan trọng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Do đó, tôi kỳ vọng rằng Luật Đất đai 2024 sẽ giúp cải thiện tính minh bạch trong quản lý đất đai, từ đó giảm thiểu các hành vi tiêu cực như tham nhũng, đầu cơ. Việc thực thi luật sẽ tối ưu hóa việc sử dụng đất đai, đảm bảo đất đai được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Mong đợi ở luật mới sẽ thúc đẩy sự phát triển của các dự án bất động sản chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhà ở, thương mại và công nghiệp, đồng thời bảo vệ môi trường và cảnh quan. Hy vọng rằng các quy định mới sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương, thông qua các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội và các chương trình phát triển cộng đồng. Tôi tin rằng, với sự tuyên truyền và phổ biến rộng rãi, cộng đồng sẽ hiểu rõ và ủng hộ các quy định mới, từ đó tạo ra sự đồng thuận và hợp tác trong việc thực thi luật.
Xin cảm ơn ông!
|